Cơn đau vô hạn

Ba ơi, đến bây giờ chạm vào bàn phím tay con vẫn run lên và tim nghẹn đắng. 

Cơn đau vô hạn
Ánh mắt ba vẫn như đang nhìn con, hơi thở của ba vẫn phả vào con ấm áp. Hình dáng ba cắn răng chống lại từng cơn đau, giá mà xóa được sẽ nhẹ nhàng biết bao!
Ai có thể ngờ ba lần choáng gục xuống bàn sau một cơn đau nhẹ lại là dấu mốc của nỗi buồn dai dẳng trong con. Ai có thể ngờ khuôn mặt hồng hào của ba bỗng xanh và ánh mắt thăm thẳm u hoài trên tầng cao bệnh viện một ngày mưa sa.
Ba và con. Ảnh minh họa.
 Ba và con. Ảnh minh họa. 
Mỗi lần về thăm ba rồi ra đi, là một lần nước mắt con tuôn dọc hành trình. Con sắp mất một nửa của tất cả trong đời. Mẹ luôn bảo, rằng ba đã dậy ăn uống vui đùa cùng thằng Bin thằng Quý. Rồi khi đặt điện thoại xuống, nước mắt mẹ lại chảy ngược vào tim. Mẹ giấu nỗi niềm cơ cực hơn quãng xưa kiếm ăn hàng bữa vào ngày mưa giá ngón chân bám đường trơn tấy xước. Con bất an từng giờ, đêm nào cũng chập chờn giấc ngủ, hễ điện thoại reo bỗng ớn lạnh rùng mình.
Khoác ba-lô, cuốc bộ về đến ngôi nhà thân yêu, gần ba rồi, tưởng đến cảnh áp mặt lên khuôn ngực của ba, lại muốn “bỏ chạy”. Con không đối diện nổi với cơn đau luôn giày vò ba. Nhìn ba con muốn khuỵu xuống. Ba gần tuột khỏi tay chúng con rồi. Con muốn hét lên, muốn lạy Phật đến tàn hơi lực kiệt, con muốn đổi tuổi thọ của mình… Nhưng nhân quả trong căn mạng mỗi người không đơn giản như con nghĩ. Thân xác vô thường, nhưng mất ba con sẽ côi cút giữa đời và biết ai dẫn về cõi Phật. Ba nằm đó như một sự hối thúc con phát tâm tu tập, như lửa cháy trên đầu thoát bể khổ trầm luân; con thì đường đạo còn xa thẳm mịt mù.
Chữ hiếu nặng tựa Thái sơn nào đã báo đáp. Đôi bàn tay ba gây dựng dành dụm nuôi chúng con, bao cái khổ đổ lên đầu. Như một chuyến đò cuối nhường chúng con sang sông còn ba đứng lại với bão tố cuộc đời quăng quật.
Con cố giữ tâm trong lặng niệm Phật, nước mắt lại duềnh lên nổi sóng. Tất cả quá muộn rồi phải không? Câu hỏi cứ xoáy vào con như mũi tên tẩm độc… Ba đã rướn cạn sức mình vì những đứa con. Qua rồi thời lăn lộn giữa nắng hè và giá rét đầu đông, ba sau giờ đứng lớp lại lên đồng chăm lúa; như con tàu gồng mình kéo những toa ngược về miền sáng. Gia đình đã thoát cảnh khổ, không còn bữa cơm độn toàn khoai sắn và mẹ không còn nhường chút cơm cháy cho con ấm bụng nữa.
Những đứa con của ba đều trưởng thành, đều có thể mua cho ba những thứ xưa kia ao ước, sao ba không ở lại? Chúng con lớn lên, ba mẹ chỉ mong có việc làm dẫu xa xôi hiếm lần đoàn tụ. Đến ngày ba đau, bao nhọc nhằn mẹ lại gánh giùm trên đôi vai nhức nhối. Chưa bao giờ ba được thấy năm đứa con bên mình như thế. Nhưng cuộc hội ngộ không dài. Cuộc hội ngộ buồn và quá nhiều nước mắt. Con nắm tay ba thấm lạnh giữa tuyệt vọng trần ai.
Trong tâm thức non nớt của con, ba vẫn dạo quanh khuôn viên bệnh viện vào tầm sáng sớm, dưới hàng phượng chói đỏ góc trời. Rồi ba cũng về lại quê hương. Ba lẫm chẫm đến bên từng gốc cây mình vun trồng. Ba nhìn giá sách trong nỗi buồn của sự bất lực. Ba ra lớp học mấy mươi năm gắn bó bao thế hệ học trò. Những đứa trẻ ngày xưa về bên ba, ngồi lặng sợ ba buồn bởi người thầy nay đâu nói được lời nào. Ba lại gượng dậy vào một ngày ấm nắng, cầm viên phấn nhưng nó tuột khỏi tay như một dấu chấm than buốt nhói. Ba tựa lưng vào cửa sổ lớp học. Tường vôi rệu vỡ, mạng nhện chăng kín tấm bảng không còn đen nữa… Những bàn ghế chật kín, vở học trò nay ngổn ngang mục rã.
Con lặng điếng người nhìn nước mắt ba chảy xuống âm thầm. Kết thúc rồi ba ơi, những tháng ngày xoa đầu lũ trẻ. Kết thúc rồi một chặng huy hoàng ba cõng chữ lên non. Kết thúc quãng đời mà sự hiến dâng trở thành nỗi đam mê bỏng cháy. Bụi phấn không còn rơi mà tóc ba trắng ngần ảo ảnh lấm cả vào áo con, lấm cả lên vành khăn sô…
Bầu trời sập xuống tối tăm; chuyến xe không kịp đưa con về chạm vào hơi thở cuối cùng của ba. Thời khắc một bộ phận thể xác con bị tách lìa cắt cứa. Lại nhớ ánh mắt ba buổi trước. Nếu nói và cử động được ba sẽ níu con, bảo gắng ở lại. Con vẫn khoác áo từ biệt để rồi ánh mắt kia mờ đục sương sa. Ba vẫn đang ngủ trên giường như mỗi lần con về tầm gần sáng. Nhưng giờ là một giấc ngủ dài vô tận, ba sẽ không thức bởi giọng nói của con. Ba sẽ không trở dậy lắng nghe con niệm Phật. Sẽ không trở dậy nữa, không bao giờ.
Ba đi về miền xa xăm. Giá con gửi được một ít hành trang ba đỡ lạc lõng trên cuộc lữ mù tăm bến đỗ. Cứ nghĩ đến cảnh ba quằn quại bên kia trong những cảnh giới xấu, mắt con lại ứa lệ xót xa.
Ba bây giờ nằm yên dưới mộ. Những đứa học trò khóc gọi thầy ơi… Con lội trong khu vườn nhỏ mà như lạc giữa mênh mang sa mạc. Tết vừa rồi cây đào trước hiên đâm hoa rực rỡ lạ kỳ, con đã linh cảm điều gì rất tệ. Thuở đói khổ vườn thảy đều rau củ, nay ba chỉ trồng đào vun niềm mơ ước giùm con. Từ những cây hồng gai nhỏ nhắn đến chậu hoa rêu bám. Từ căn nhà cấp bốn bao nhiêu năm tích góp mới thành đến cái chuồng gà ba gom gạch nửa quanh xóm và tự xây… đâu đâu cũng thấm ướt mồ hôi của ba; đều chịu tang rũ xuống hao mòn.
Ai có thể ngờ một ngày đẹp trời những đứa con lại chống gậy bước lùi. Con không cản được chuyến xe cứ lầm lụi lăn bánh đưa ba về cõi khác. Và mẹ và chị và anh em đầy sức vóc chúng con cũng không thể níu được xe tang. Con đường đến huyệt của ba ngắn dần và rồi những nắm hoa tươi vung lên xao xác.
Gió đông bắc đang tràn về. Mẹ xo ro trong tấm áo còn mới nguyên của ba lần tìm hơi ấm. Con phủ phục dưới trời mây xám lạnh. Cồn Lối về chiều gió vi vu ai oán. Những tháng ngày ba đau vẫn có mẹ; đứa con nơi xa nhất cũng trở về lau nước mắt giùm khi tay ba tê liệt. Và con, thức một đêm thôi đủ gầy rạc hình hài. Nay mình ba nằm giữa cồn hoang trăm ngả. Không ai thức cùng ba, mẹ cũng không trằn trọc vén màn sờ khuôn ngực ba mong từng nhịp tim yếu nữa. Một màu đen vô tận bao trùm…
Chiếc giường ba nằm, manh chiếu xô lệch nhăn nheo. Con chạm tay vào chỉ còn một nắm hư không nhòa theo nhang khói. Nằm bên di ảnh nửa đêm tỉnh giấc thấy ba vẫn cười hiền mãi mãi. Khuôn mặt ba không còn hằn vết đau nữa, nhưng tim con ứa máu.
Ba mang theo cơn đau bất tận, mang theo khổ ải để chúng con hưởng một tương lai tươi sáng. Bao nhiêu năm biền biệt, làng quê vẫn những con người thuần phác, họ đến tiễn ba, thu xếp mọi việc xuôi dòng. Nếu ba nhìn thấy chắc sẽ trách chúng con sao lâu không về thăm bà con lối xóm. Ngày xưa ba từng nói làm một người bình thường rất khó, đến giờ con mới hiểu. Ai trách con là trách ba, ai khinh khi con cũng bằng khinh khi ba. Người đời chửi mắng con nghĩa là con bất hiếu.
Con có lỗi với ba khi chưa thật tốt với mọi người. Bức thư ố vàng ba viết từ nhiều năm trước, lời dặn cuối khuyên con đừng bao giờ quên họ tộc. Con là hình ảnh của ba, là ánh sáng của ba lại chưa thể soi con đường phía trước. Xin được khóc như con thú non lạc đàn giữa rừng khuya hiu hắt. Nam-mô A Di Đà Phật, vạn đức Hồng danh vang trong tiếng nấc vô tận loang xa.
Tất cả rồi huyễn mộng. Thân xác rồi cũng tan theo đất đá bụi mờ. Ba hãy xả bỏ trần ai cùng con lên chùa nương vào ánh hào quang vô lượng. Bể khổ càng vẫy vùng càng ngập ngụa bi thương. Con sẽ luôn ở bên để ba cùng đạo tràng nhất tâm niệm Phật hướng về cõi tịnh. Vẫn biết bản thân cũng chưa cứu nổi mình khỏi ô trược đầm lầy. Đến bao giờ hiếu đễ mới vẹn toàn giữa lúc con như cánh chim thương tích khơi vơi giữa biển gió, giữa lúc gia sản của con bây giờ là khăn tang, là tấm áo sô và chiếc nón cời liêu xiêu bên đời lưu lạc, ba ơi...

Nhân quả

Nhân quả
Ngày hôm qua, người con trai của một bạn đồng tu từ TP.HCM về ghé thăm và trao 100 quyển kinh Vô lượng thọ nhờ tôi tìm chùa hoặc Phật tử nào cần thì tặng giúp. Qua thăm hỏi được biết cậu ấy đã tốt nghiệp đại học, ra trường làm cho một công ty nước ngoài hưởng lương khá cao, những quyển kinh trên là một phần trong số kinh được ấn tống từ hai tháng tiền lương đầu tiên mà cậu ấy nhận được. 

 

Nhìn những quyển kinh Phật còn thơm mùi giấy mới, tôi thầm khâm phục cách sử dụng đồng tiền một cách có ý nghĩa của gia đình bạn tôi. Vừa lợi ích cho người vừa tạo phước lớn cho mình. Trông người lại ngẫm đến mình, lòng tôi lại thấy nao nao tiếc nuối về những việc làm sai trái trong quá khứ để bây giờ mang một niềm ân hận khôn nguôi.

Vào những năm thuộc thập kỷ 80 đất nước còn nhiều khó khăn, lương bổng công nhân viên chức đa phần đều ít ỏi, sinh hoạt chật vật, thiếu thốn. Khi nhà nước với chính sách mở cửa thực hiện chủ trương kinh tế thị trường thì cuộc sống mọi người được cải thiện. Thời điểm đó tôi cũng tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập, dành dụm một thời gian tôi có một chỉ vàng. Và chính từ chỉ vàng này, do vô minh tôi đã gây một nghiệp xấu là tìm mua một khẩu súng hơi và bắt đầu một cuộc tàn sát sinh linh mà mỗi khi nhớ lại tôi giật mình sợ hãi vì sự tàn ác của mình.

Lúc bấy giờ quê tôi có rất nhiều chim, cò và dơi. Vào mùa trái cây chín chim ăn quả bay về hàng đàn. Cò trắng kiếm ăn từng bầy trên những cánh đồng đang cày bừa, chúng rất dạn với người. Còn dơi thì cũng rất nhiều, ban ngày chúng đeo dưới những tàu dừa rậm rạp, tụ lại thành từng nhóm hàng chục con. Với điều kiện chim chóc đầy dẫy, dạn người, tôi tha hồ bắn giết. Mỗi buổi tôi bắn được vài chục con chim là chuyện thường. Số chim, dơi bắn được lớp chế biến làm thức ăn, lớp phơi khô. Những người được tôi đãi nhậu bằng thịt chim rất thích, hết lời khen ngợi tài bách phát bách trúng của tôi. Được khen, tôi lại càng hăng đi bắn giết.

Rồi điều gì sẽ đến đã đến. Sau hai năm bắn giết, một buổi sáng ngủ dậy tôi thấy đau đau ở chân mày trái. Tôi đến bệnh viện khám được chỉ định phẫu thuật, một tuần sau vết mổ lành. Tưởng đã yên, nào ngờ trên đỉnh đầu phía bên mổ đau nhức dữ dội khiến một bên mắt bị mờ đi, kèm theo đó là nhớt tanh hôi tuôn trên xoang mũi xuống cổ họng khiến tôi phải khạc nhổ liên tục. Đến bệnh viện chuyên khoa tai-mũi-họng khám và được chẩn đoán là viêm xoang mãn hồi cấp, tôi được chỉ định rửa, thông xoang và thuốc uống.

Điều trị một thời gian dài thấy đỡ, tôi ngưng dùng thuốc, chỉ vài ngày sau là bệnh tái phát như cũ, lại phải uống thuốc, xông rửa xoang tiếp. Cứ như thế bệnh kéo dài hết năm này đến năm khác, cuộc đời tôi lúc ấy thật thê thảm. Có những lúc nhức đầu dữ dội tôi phải chúi đầu vào mền gối chịu đựng, tư thế lúc đó giống như những con chim bị trúng đạn chúi đầu vào bụi cỏ trốn sự truy sát của tôi. Sau này khi đến với Phật pháp tôi rất thấm thía từ “địa ngục vô gián”, sự đày đọa liên tục khiến ta dở sống, dở chết, nhìn cuộc đời sao quá tăm tối, không còn thiết tha với bất cứ chuyện gì.

Ngoài bệnh tật hành hạ, hao tốn tiền bạc, quả báo còn tác động đến gia đình tôi hết sức nặng nề. Vợ tôi mang thai bốn lần đều bị hư hết. Khao khát có được một đứa con để ẵm bồng luôn dằn vặt nên tôi quyết định xin con nuôi. Bốn đứa trẻ vào nhà tôi chỉ ở một thời gian ngắn rồi cũng trở về. Tôi tốn khá nhiều tiền trong việc xin con nuôi nhưng rốt cuộc vẫn trắng tay. Tôi phải chịu đựng cảnh bệnh tật triền miên, nhà cửa quạnh hiu suốt mười mấy năm trời. Do sức khỏe suy sụp nên tôi bỏ hẳn việc săn bắn, khẩu súng không dùng lâu ngày đã hỏng do gỉ sét.

  Đến khoảng năm 1993, tôi may mắn quen được một chị Phật tử. Biết cảnh trục trặc về đường con cái của tôi, chị ấy khuyên nên đi hốt thuốc Nam của chùa Pháp Hoa ở Đồng Nai về uống xem sao. Không ngờ, chỉ với những món thuốc lá cây đơn giản mà vợ tôi đã có thai và sinh ra một bé gái khỏe mạnh. Gia đình, nội ngoại hai bên ai nấy đều vui mừng đến thăm viếng rất đông. Còn tôi thì khỏi phải nói, cứ lăng xăng tối ngày bên em bé để ngắm nhìn, hôn hít.

Từ việc uống thuốc Nam của chùa mà có được đứa con, tôi đã có niềm tin vào Phật pháp. Tôi bắt đầu đến chùa gần nhà để lạy Phật và ăn cơm chay vào những ngày rằm lớn. Sau đó, nhờ những băng giảng Phật pháp, đặc biệt khi tôi được tặng bộ sách Phật học phổ thông, đọc hơn một tháng tôi đã dần nắm được giáo lý căn bản. Khi đã hiểu về Phật pháp, nhất là luật nhân quả tôi biết mình đã gây nghiệp xấu quá nặng nề. Tôi nguyện cố làm theo lời Phật dạy hy vọng có thể giảm bớt phần nào báo ứng của những tội lỗi mình đã gây ra. Ngoài đọc tụng kinh Phật, mỗi đêm đều có hai thời tọa thiền, ban ngày thì thường niệm Phật A Di Đà. Tôi hành trì như thế suốt hơn 15 năm không hề lơ là, chỉ trừ khi bệnh nặng ngồi không nổi mới tạm ngưng. Ngoài công phu, tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động Phật sự, cúng dường, phóng sanh, công tác từ thiện...

Dù đã cố hết sức làm theo lời Phật dạy nhưng bệnh tật vẫn đeo đẳng mãi không giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Những cơn đau đầu dữ dội đến mờ cả mắt, nhớt chảy từ xoang mũi tanh hôi nhiều hơn, các cơn nóng lạnh kéo đến thường xuyên, những tác dụng phụ của thuốc uống vào khiến người tôi lúc nào cũng lao đao, bứt rứt. Cứ như thế hành hạ tôi gần 18 năm trời.

Đến mùa đông năm 2007 tôi phát bệnh nặng, đã điều trị hơn 15 ngày vẫn không giảm. Một đêm thắp hương xá trước bàn thờ Phật (vì lạy không nổi) tôi tuyệt vọng mà than thở rằng: “Phật, Bồ-tát ơi! Con đã hết lòng thực hành theo lời dạy của các Ngài mà sao bệnh tật cứ hành hạ con hoài, đau đớn không chịu nổi. Thôi thì xin giúp cho con chết đi để nhẹ tấm thân”. Khấn nguyện rồi tôi đi ngủ, trong giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa tỉnh tôi chợt thấy Đức Bồ-tát Quan Âm hiện ra trước mặt. Ngài nói: “Để Ta cho con bài thảo dược này để trị bệnh”. Mừng quá tôi chắp tay chuẩn bị lắng nghe thì đột nhiên tỉnh dậy. Ngơ ngẩn vì tiếc nuối, tôi giận mình tỉnh giấc không đúng lúc khi Bồ-tát chưa kịp đọc cho nghe tên các vị thuốc, biết lấy gì để trị bệnh đây. Cứ như thế tôi thức tới sáng không ngủ lại được.

Sáng hôm sau đang nằm võng với tâm trạng chán nản thì người chị ruột gọi về hỏi thăm, nghe tôi kể tình trạng bệnh chị khuyên tôi thử dùng tỏi và gừng xông hơi xem sao vì có nhiều người dùng như vậy mà đỡ bệnh. Tôi thực hiện theo lời chị ấy bảo nhưng khi tiến hành xông thì chịu không nổi vì đau, rát trong mũi và tức ngực nên đành ngừng xông. Ngồi nhìn tô nước gừng, tỏi bốc hơi nghi ngút tôi thấy tiêng tiếc và chợt nghĩ, nếu xông không được thì mình uống, không có lợi thì cũng đâu có hại vì chỉ là gia vị dùng hàng ngày. Sẵn trên bàn có mấy món thức ăn và gia vị khác, tôi lấy mỗi thứ một chút đem bỏ thêm vào tô nước tỏi gừng cho thơm, ngon dễ uống.  

Tôi bắt đầu uống món thuốc “tự chế” nóng hổi từng ngụm nhỏ và ngạc nhiên vì vị hấp dẫn của nó, vừa thơm thơm, cay cay, chua chua, ngòn ngọt chẳng hề có mùi hôi của tỏi. Cứ như thế tôi đã uống hết tô hỗn hợp thức ăn, gia vị đó trong ngày. Đêm đó tôi ngủ rất ngon, không chiêm bao mộng mị, ho giảm nhiều dù không dùng thuốc ho. Sáng hôm sau thấy khỏe trong người tôi quyết định cắt thuốc Tây chỉ dùng nước gừng tỏi hỗn hợp như hôm trước và qua một đêm nữa, biết bệnh đã giảm nhiều nhưng tôi vẫn tiếp tục uống thêm năm ngày liên tục. Lạ thay, tất cả các triệu chứng bệnh tật hoàn toàn biến mất.

Khi đã qua cơn bạo bệnh, tôi ngẫm nghĩ dù Bồ-tát Quan Âm không trực tiếp đọc cho tôi bài thuốc nhưng có lẽ Ngài đã xui khiến cho chị của tôi đúng sáng hôm sau điện về thăm hỏi, khuyên tôi nên dùng bài thuốc dân gian mà hầu như ai cũng biết; và có lẽ cũng chính Ngài hỗ trợ cho tôi chọn thêm gia vị vào để thành một bài thuốc cứu mạng chính mình. Từ đó về sau cứ vài ngày tôi lại làm món nước gừng tỏi hỗn hợp trên để uống. Tôi gọi món nước đó là trà Quan Âm để nhớ đến công ơn của Ngài và cứ như thế sức khỏe của tôi hồi phục hoàn toàn.

Chiêm nghiệm cuộc đời, tôi hiểu bệnh của mình là do nghiệp báo sát sanh mà có. Nhờ tin theo Phật pháp mà tôi được cứu mạng, nên tôi nguyện tinh tấn tu tập, luôn sống và thực hành theo lời Phật dạy để chuyển hóa ác nghiệp của mình.


TIN BÀI LIÊN QUAN

Ta có hờ hững với chính mình?

Tư duy tích cực là cách để mình không hững hờ với mình, đóng góp cho cuộc đời một nhân tố an bình.

Ta có hờ hững với chính mình?
Nhiều người biết và thường ngân nga câu hát “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, nhất là khi... gặp phải những nỗi buồn, bất trắc hoặc gần như đã bước qua bên kia dốc - của hướng đi về phía bờ sâu, vực thẳm. Nên, câu hát ấy coi ngắn gọn vậy nhưng giống như một thần chú, giúp mình tỉnh, bước ra khỏi cơn mê mà chính mình đã tạo, đang dẫn mình đi xa, đánh mất chính mình, không còn tự chủ hoàn toàn, hành xử hơi bị... điên!
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Luật Nhân quả do ai điều khiển?

Tự thân tiến trình nhân - duyên - quả cũng do duyên sinh, vô ngã tính...

Luật Nhân quả do ai điều khiển?
HỎI: Trong đạo Phật có quan niệm về luật Nhân quả, đồng thời lại có quan niệm rằng không có một thượng đế hay một vị thần thánh nào có quyền năng điều khiển vũ trụ. Như vậy, làm sao để luật Nhân quả luôn vận hành đúng? Ví dụ như làm ác gặp quả báo ác; làm thiện gặp phước báo lành..., khi không có một người hay thế lực nào quản lý luật Nhân quả liệu nó vận hành sai thì sao? Như thế thì còn gì là nhân quả phân minh nữa? Rất mong được quý Báo giải đáp.

Đọc nhiều nhất

Chữ Vạn trên tượng Phật ẩn chứa bí mật linh thiêng nào?

Chữ Vạn trên tượng Phật ẩn chứa bí mật linh thiêng nào?

(Kiến Thức) - Trên ngực các pho tượng Phật, người ta thường nhìn thấy biểu tượng hình chữ Vạn hay còn gọi Swastika. Theo các chuyên gia, chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật. Một số tài liệu khác cho rằng, hình chữ Vạn tượng trưng cho sự giác ngộ vẹn toàn của Phật...

Tin mới

ZenZ thiền - Sống khỏe sống vui!

ZenZ thiền - Sống khỏe sống vui!

"ZenZ - Thiền cho giới trẻ" do nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Dưỡng sinh Thiền Việt tổ chức là một dự án phi lợi nhuận nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những lợi ích của thiền định tới sinh viên và giới trẻ.
4 dấu hiệu cho thấy gia đình đang có phúc lớn

4 dấu hiệu cho thấy gia đình đang có phúc lớn

Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những sai lầm. Nếu đã là quá khứ thì đừng lôi ra để nói, có thế thì càng mâu thuẫn mà thôi. Nếu có mâu thuẫn thì nên giải quyết ngay, nói rõ luôn chứ đừng âm ỉ cháy mãi trong lòng.
Nét đặc biệt của Di tích Quốc gia chùa Tây Phương

Nét đặc biệt của Di tích Quốc gia chùa Tây Phương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Tây Phương. Cùng điểm qua giá trị “đặc biệt” của ngôi chùa này.