"Tôi sẽ không đợi một loại vaccine khác nếu tôi có thể tiêm chủng ngay bây giờ. Tôi sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội, bất kỳ loại vaccine nào sẵn có", ông cho biết. "Sau đó, nếu muốn, bạn có thể tiêm một liều Pfizer khác, vẫn ổn".
Tính đến ngày 21/6, Việt Nam có tổng cộng 11.559 ca ghi nhận trong nước và 1.699 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.989 ca, trong đó có 2.445 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, theo dữ liệu của Bộ Y tế. Chuỗi ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xảy ra với các nhân viên đã đầy đủ hai liều vaccine AstraZeneca.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Schaffner nói rằng các ca nhiễm ở bệnh viện chịu ít triệu chứng, và điều đó chứng tỏ tác dụng của vaccine.
Tiến sĩ William Schaffner, giám đốc y khoa của Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Ảnh: Vanderbilt University. |
Đối với các loại vaccine COVID-19, một lầm tưởng rằng vaccine có tác dụng ngăn ngừa việc bị nhiễm bệnh, nhưng đó không phải tất cả.
"Tiêm vaccine là để chúng ta không bị bệnh nặng, tránh phải nhập viện hay phải chăm sóc đặc biệt và ngăn ngừa tử vong. Chúng ta cần phải hiểu rằng vaccine rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo, nhưng không phải lúc nào chúng cũng ngăn ngừa việc lây nhiễm. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine đầy đủ, mọi người vẫn có thể bị lây nhiễm", ông Schaffner nói về trường hợp các nhân viên y tế đã tiêm vaccine AstraZeneca nhưng vẫn mắc COVID-19.
Theo ông, 62 nhân viên mắc bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có rất ít hoặc không có triệu chứng, điều này cho thấy vaccine đã thành công. Nhờ vaccine, mọi người sẽ không bị bệnh dù có nhiễm virus.
Đồ họa: Quốc Tuệ, Hà My. |
"Tất nhiên, chúng ta đều mong muốn có thể ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm, nhưng dù sao, chúng ta nên nhìn nhận thành công của vaccine vì nhờ nó mà chúng ta không bị ốm và không phải nhập viện", ông nói.
Một số người quan ngại việc người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus và không có triệu chứng như vậy khiến chúng ta khó phát hiện, từ đó làm tăng nguy cơ lây lan và gây nguy hiểm cho công tác chống dịch.
"Đây vẫn là vấn đề đang được nghiên cứu trên khắp thế giới", tiến sĩ Schaffner nói.
Theo ông, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem liệu những người đã được tiêm phòng đầy đủ có lây lan virus cho người khác không? Và, nếu có thì mức độ lây lan như thế nào? Tỷ lệ người đã tiêm phòng lây virus cho người khác là bao nhiêu, dễ dàng hay hiếm khi?
"Tuy nhiên, ở Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ người đã được tiêm vẫn nhiễm virus là rất thấp. Vì vậy, tôi cho rằng cụm lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM không phải là điều phổ biến", ông thừa nhận.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn đang tăng do xét nghiệm diện rộng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tin tức về chuỗi lây nhiễm ở bệnh viện cùng thông tin về các tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca đã khiến nhiều người chần chừ chưa muốn tiêm chủng, nhưng ông Schaffner nói rằng AstraZeneca là một loại vaccine rất tốt.
"Thành thật mà nói, con trai tôi sống ở Berlin (Đức) vừa được tiêm vaccine AstraZeneca", ông cho biết. "Tôi sẽ không đợi một loại vaccine khác nếu tôi có thể tiêm chủng ngay bây giờ. Tôi sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội, bất kỳ loại vaccine nào sẵn có".
"Sau đó, nếu muốn, bạn có thể tiêm một liều Pfizer khác, vẫn ổn. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, bạn cần bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Vì vậy, hãy đi tiêm phòng ngay khi có thể", chuyên gia của CDC cho biết thêm.
"Tại Mỹ, chúng tôi cũng có tình trạng tương tự. Có người do dự, có người hoài nghi, thậm chí có những người nhất quyết không chịu tiêm vaccine. Chúng tôi cũng đang cố gắng khuyến khích và thuyết phục họ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt", ông nói.
Khi thế giới bắt đầu có vaccine cũng là lúc các biến chủng xuất hiện và lây lan nhanh chóng. Không chỉ biến chủng Delta, mà các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng trên khắp thế giới, từ Anh, Mỹ, đến Đông Nam Á, đều đáng lo ngại.
"Cho đến nay, cách tốt nhất để bảo vệ con người khỏi các biến chủng này vẫn tiếp tục là vaccine", tiến sĩ Schaffner khẳng định.
Ông nói rằng biến chủng Delta đang lây lan mạnh mẽ và Việt Nam vẫn đang thiếu vaccine. Vì vậy, số ca nhiễm tiếp tục tăng ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Tuy vậy, Việt Nam đang thực hiện tốt việc xét nghiệm đại trà. Xét nghiệm trên diện rộng như vậy sẽ giúp xác định khá chính xác nơi mà virus đang tập trung đông nhất, khu vực nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, từ đó ưu tiên hướng nguồn lực vaccine đến những nơi này để kiềm chế tốt hơn sự lây lan.
Xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các loại vaccine hiện nay có thể hiệu quả hơn với một số biến chủng và ít hiệu quả hơn với các biến chủng khác, nhưng nhìn chung, chúng luôn bảo vệ con người, ít nhất là một phần, khỏi các triệu chứng bệnh nghiêm trọng.
"Tại Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng khi số lượng người tiêm vaccine tăng lên, số ca mắc mới, số người nhập viện, và số người chết đều giảm. Vì vậy, nhìn chung các loại vaccine đều đang hoạt động tốt và có hiệu quả đối với các biến chủng hiện tại, bao gồm cả Delta", ông nói. "Đó là điều quan trọng và cũng là lý do chúng tôi mong mọi người tiếp tục tiêm chủng".
Trong dài hạn, tiến sĩ Schaffner nói rằng rõ ràng COVID-19 là một đại dịch. Điều đó có nghĩa là toàn thế giới đều chịu ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2. Mỗi quốc gia đều đang rất nỗ lực để kiểm soát virus. Tuy nhiên, chúng ta cần hợp tác toàn cầu để có thể làm tốt hơn thế nữa, vì rõ ràng virus này không dừng lại ở bất kỳ biên giới nào, chúng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi nơi.
"Trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải sống chung với COVID-19, như sống chung với bệnh cúm, vì virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất", ông nói. "Chúng ta sẽ phải tiếp tục giám sát sức khỏe cộng đồng và liên tục tiêm chủng, đồng thời duy trì hoạt động của các hệ thống phát hiện biến chủng. Nếu có biến chủng mới xuất hiện, chúng ta sẽ phải tạo ra vaccine mới và tiêm chủng định kỳ".
"Và tôi hy vọng tất cả chúng ta đều đặt việc tiêm chủng lên hàng đầu để có thể tạo ra một không gian mà virus khó có thể gây hại cho sức khỏe con người", ông Schaffner nói.