James Gorman đang ngồi trong một chuồng sắt ngoài trời với 4 con thú nhỏ. Chúng đang ngậm tay anh, cắn nón và tóc của anh và làm nũng với anh như thể hiện sự vui mừng.
Chúng 8 tuần tuổi, dài khoảng 60cm, nặng khoảng 3,5kg. Thỉnh thoảng chúng gầm gừ, liếm mặt của James như những người bạn lâu rồi không gặp nhau.
Ảnh minh họa |
Thoạt nghe bạn sẽ hình dung trong đầu chúng ở đây là những chú chó con, nhưng thật ra đây là những con chó sói. Khi trưởng thành chúng có thể nặng đến 45kg, răng cứng đủ cắn được xương hươu nai.
Cùng tổ tiên, nhiều khác biệt
Những con sói này được nuôi trong chuồng từ khi chưa mở mắt nên người nuôi có thể dễ dàng tiếp cận và làm những bài thí nghiệm. Tuy nhiên, họ vẫn phải cẩn thận vì bản năng săn mồi tiềm ẩn trong chúng.
Ví dụ, nếu chẳng may bị bệnh hoặc bị thương thì họ sẽ tránh vào chuồng để hạn chế những phản ứng của loài thú săn mồi có thể xảy ra. Hoặc không ai có thể bắt chó sói chơi rượt đuổi như chó nhà.
Tuy có cùng tổ tiên nhưng chó sói và chó nhà vẫn có nhiều khác biệt. Về cơ thể, răng của chó sói cứng hơn. Ngoài ra, chó sói sinh sản chỉ 1 lần trong năm, còn chó nhà là 2 lần.
Còn về mặt hành vi, các nhà huấn luyện chó sói cho biết dù được nuôi dưỡng như nhau, nhưng bản năng săn mồi dễ dàng bộc phát ở loài sói hơn, theo BBC. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy chó sói chăm sóc con của mình nhiều hơn, và chúng ít gần gũi với người như chó nhà.
Loài ăn thịt lớn duy nhất được thuần hóa
Những con chó sói đang chơi đùa với nhau - Ảnh: Renaud Philippe |
Chó sói là loài có ý thức xã hội cao. Chúng sống thành những đàn khắng khít, nuôi con chung và đi săn cùng nhau. Đặc điểm này không thấy được ở những loài chó hiện đại, mặc dù những giả thuyết cho rằng việc thuần hóa đã làm cho động vật này hiền lành và dễ thương hơn.
Để kiểm tra khả năng hợp tác giữa 2 loài, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm hành vi cơ bản, gọi là thử thách kéo dây. Trong đó, lần lượt từng cặp chó được giao nhiệm vụ cùng nhau kéo một sợi dây để kéo khay thức ăn lại gần chúng với phần thưởng là một miếng thịt tươi.
Kết quả, chó nhà chỉ thành công 2 lần trong số 472 lần cố gắng. Trong khi đó, chó sói thành công 100 lần trong 416 lần thử.
"Chó sói hợp tác đáng kể với nhau và thể hiện sự liên kết xã hội khắng khít, trong khi hầu hết chó nhà không làm việc cùng nhau, có thể bởi chúng không muốn xung đột với nhau", tiến sĩ Marshall-Pescini từ trường Đại học Thú y ở Vienna, Áo - người thực hiện nghiên cứu, cho biết.
Tiến sĩ Krishna Veeramah từ trường Đại học Stony Brook ở New York, Mỹ, nói chó sói là loài động vật ăn thịt lớn duy nhất được thuần hóa.
"Có thể những tính chất xã hội của chó sói là điểm mấu chốt cho quá trình thuần hóa, và những nghiên cứu trên giúp gợi mở ra một bức tranh toàn thể hơn về quá trình này", ông Krishna giải thích.