Chiều 19/1, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Phát biểu tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý chương trình phổ thông mới được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Phạm Hải |
Trong phần chất vấn sau đó, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, VOV, VTV, Dân Trí đã đặt ra nhiều vấn đề với Ban soạn thảo.
Đó là các băn khoăn về bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT soạn thảo đang được thực hiện đến đâu. Với môn học Ngoại ngữ, Ban soạn thảo có dựa vào tổng kết Đề án ngoại ngữ 2020 như thế nàotrong đó có vấn đề bất cập của giáo viên là thiếu và yếu hay không? Theo đánh giá của các chuyên gia của Ban soạn thảo, chất lượng giáo viên hiện nay đã có thể đáp ứng yêu cầu chương trình bộ môn chưa?".
Câu hỏi khác được đặt ra với lãnh đạo Bộ GD-ĐT là "Đến thời điểm này, song song với việc biên soạn chương trình phổ thông thì kế hoạch tập huấn chương trình đến đâu, vì đây là yếu tố quan trọng nhất?".
Báo Thanh Niên đặt vấn đề "Thi cử và đánh giá là "hòn đá tảng" cản trở đổi mới phương pháp giáo dục, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình đổi mới đánh giá thi cử như thế nào?", "Môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ dạy học bao nhiêu tiết một tuần? Chương trình sách giáo khoa mới kế thừa đề án 2020 như thế nào?"...
Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra các câu hỏi như "Có khó khăn hay không, và khó khăn đến mức độ nào để giảm bớt tính hàn lâm?", "Khối lượng kiến thức được giảm đến mức độ nào so với chương trình hiện hành?", "Lần đầu tiên đưa môn tích hợp, phân hoá, làm thế nào để chuyển và hướng chuyển kiến thức để giáo viên và học sinh không bị bỡ ngỡ, không cảm thấy có khó khăn?"...
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Phạm Hải) |
Trả lời các câu hỏi về Ngoại ngữ, GS Nguyễn Lộc, chủ biên bộ môn này cho biết: Chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án 2020 như giữ nguyên số tiết học, huẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam.
Ông Lộc cho biết "Cái mới là chúng tôi được sự đóng góp của các chuyên gia, đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh đến tính mở. Chúng tôi sẽ mời rất nhiều chuyên gia về viết sách với các chủ đề, chủ điểm mang tính chất gợi ý. Về hình thức, chúng tôi có thay đổi để có thể đối sánh".
Với câu hỏi môn tiếng Anh bao nhiêu tiết một tuần, theo ông Lộc là vẫn dựa theo Đề án 2020 - 4 tiết tuần ở tiểu học (lớp 3-5), 3 tiét tuần THCS và 3 tiết tuần cho THPT (theo chương trình 35 tuần).
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo tiến độ, đến tháng 4 có thể ban hành chương trình môn học.
Ông cũng cho biết “chưa thể trả lời câu hỏi về tiến độ làm bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT – “Câu hỏi này nằm ngoài khả năng trả lời của tôi”.
GS Thuyết cho rằng, mỗi tổ chức, cá nhân có thể có ý tưởng riêng cho hiệu quả, nhưng quan trọng nhất theo quy định hiện hành SGK không phải là pháp lệnh như quan niệm trước mà là tài liệu chính thức để giáo viên dựa vào đó chủ động sử dụng vào dạy học.
Về nguyên tắc giảm tải, GS Thuyết cho biết việc này tuân theo các nguyên tắc: 1.Giảm kiến thức khó. 2. Bớt bài tập lắt léo. 3. Tổ chức lại nội dung môn học. Ví dụ, các kiến thức như tứ giác nội tiết ở bậc THCS hay số phức ở THPT không có trong chương trình môn Toán nữa.
GS Thuyết cũng nói “không hề đơn giản” khi đề cập tới vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá. Ông cho biết thêm: Qua đấu thầu, một trung tâm thuộc Hiệp hội các trường ĐH Việt Nam đã được giao để nghiên cứu, có báo cáo về đổi mới thi cử và đánh giá trong thời gian sớm nhất.
(tiếp tục cập nhật...)