Có nên để Vinaconex làm CĐT đường ống nước Sông Đà lần 2?
(Kiến Thức) - Việc Vinaconex tiếp tục được chọn làm chủ đầu tư tuyến đường ống dẫn nước Sông Đà lần 2 đang khiến giới chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều.
Việc UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng tiếp tục để Vinaconex làm chủ đầu tư dự án tuyến đường ống dẫn nước sạch Sông Đà lần thứ 2 đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Điều đáng chú ý là trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Thành phố đã hết kiên nhẫn và không thể để Vinaconex tiếp tục đùa với cuộc sống của người dân”.
|
Các công nhân đang khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà. |
Trao đổi với Kiến Thức, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng: “Tôi là một trong những người trước đó lên tiếng phản ứng gay gắt với Vinaconex qua báo chí về việc liên tiếp để xảy ra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà. Thế nhưng, như vậy cũng không có nghĩa là chúng ta không thể để cho Vinaconex tiếp tục làm chủ đầu tư dự án đường ống nước sạch Sông Đà lần 2.
Bởi vì, nếu chọn Vinaconex thì cũng có nhiều lý do phù hợp, vì họ đã từng làm dự án đường ống dẫn nước Sông Đà số 1 nên họ hiểu rất rõ những khó khăn và thuận lợi, những điểm hạn chế, thiếu sót của dự án, từ phương án, cấu tạo địa chất của nền đất, nguyên vật liệu, nhân sự, nhân công, việc triển khai thi công… Đây sẽ là bài học để họ rút kinh nghiệm và khắc phục. Bên cạnh đó, họ là người gây lỗi thì họ phải tìm mọi cơ hội để được khắc phục cũng là một điều dễ hiểu.
Tất nhiên, nếu để cho Vinaconex tiếp tục làm chủ đầu tư dự án số 2 này, chúng ta cần phải có chế tài nghiêm ngặt trong việc giám sát cũng như xử lý nếu sau này vẫn tiếp tục để xảy ra sự cố.
Một vấn đề nữa đó là thương hiệu của Tập đoàn Vinaconex. Tôi nghĩ ban lãnh đạo tập đoàn này sẽ không dám coi thường thương hiệu của mình đâu. Hơn ai hết, lúc này họ hiểu rõ nếu làm dự án đường ống số 2 mà không thành công thì họ sẽ mất những gì, thương hiệu của họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Thế nên tôi nghĩ đây là một trách nhiệm rất nặng nề và việc này sẽ khiến họ nghiêm túc hơn trong việc triển khai xây dựng tuyến đường ống nước sạch Sông Đà số 2".
Có quan điểm ngược lại với ông Hùng, GS.TS Nguyễn Đình Cống cho rằng, trước tiên phải xác định rằng sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà là một sự cố nghiêm trọng, bởi mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân ở Hà Nội bị xáo trộn. Thế nên việc tìm chủ đầu tư cho dự án đường ống nước Sông Đà lần 2 là một việc làm rất quan trọng. Dường như những khách hàng của Vinaconex đã bị cạn dần niềm tin vào Vinaconex, và cho tới khi đường ống bị vỡ lần thứ 9 thì họ đã mất niềm tin hoàn toàn. Vậy liệu có ai dám để cho 1 doanh nghiệp không còn được khách hàng tin tưởng đảm nhận một dự án mới phục vụ chính những khách hàng đó? Việc đường ống dẫn nước thứ nhất vỡ bao nhiêu lần, Vinaconex đầu tư vào khắc phục còn chưa xong, mà chưa biết khi nào lại vỡ tiếp, thế thì sao phải cho họ đảm nhận dự án số 2?
"Tôi không hiểu sao trước đó UBND TP Hà Nội đã khẳng định rằng sẽ không để cho Vinaconex đảm nhận dự án này mà đùng một cái lại trao quyền cho Vinaconex? Thiết nghĩ nếu họ đã quyết thì sau này có sự cố gì, bên cạnh việc xử lý nghiêm chủ đầu tư là Vinaconex thì các cơ quan chức năng cũng nên quy trách nhiệm cụ thể cho cả phía những đơn vị đã trao quyền cho Vinaconex đảm nhiệm dự án số 2 này", GS.TS Nguyễn Đình Cống bức xúc.
Về việc nếu để Vinaconex đảm nhận dự án đường ống dẫn nước Sông Đà số 2 thì có nên tiếp tục chọn nguyên vật liệu là ống composite cốt sợi thủy tinh như dự án số 1 hay không, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho hay, trước đó, Bộ Xây dựng đã tìm ra nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà là do chất lượng đường ống. Cụ thể chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng; đơn vị giám sát năng lực hạn chế, tổng thầu thiết kế thì thiếu kinh nghiệm.
Nhưng đổ lỗi cho ống là chưa đủ, bởi ống là thứ có trước, theo những tiêu chuẩn nhất định, người thiết kế, chọn phương án đầu tư, thi công phải tính đến các điều kiện phù hợp với loại vật liệu ấy.
Bất cứ công trình xây dựng nào, để không gặp phải sự cố, không gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội thì công tác khảo sát, thiết kế và lựa chọn phương án đầu tư, nguyên vật liệu, thi công, khai thác đều phải đảm bảo.
Như vậy, nếu khảo sát xong và đường ống composite cốt sợi thủy tinh được đem đi giám định phù hợp với mọi điều kiện thì có thể dung được, còn nếu không thì phải nghiên cứu để chọn một loại nguyên vật liệu khác phù hợp hơn.
Dự án đường ống thứ hai có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được ông Hà tuyên bố là từ nguốn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Nhưng theo điều tra của Thời báo Kinh doanh ngày 28/3/2014, đến hết năm 2013, Vinaconex đang vay nợ tổng số hơn 6.484 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Áp lực trả nợ căng thẳng, trong khi hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang "chôn" tại các dự án, công trình dở dang, vậy Vinaconex lấy đâu ra “vốn tự có”.