Có còn thời “chồng chúa, vợ tôi”?

Đàn ông làm việc nhà, bếp núc, chăm sóc con cái… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn...

Có còn thời “chồng chúa, vợ tôi”?

Tại hội thảo về bình đẳng giới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức mới đây, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH TP, nhận định: “Đàn ông cũng có thể làm việc nhà, việc bếp núc, chăm sóc con cái và phụ nữ cũng có thể đi kiếm tiền, làm trụ cột gia đình… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn mà thôi”.

Quan niệm cũ khó dứt

Theo bà Thanh, những định kiến về giới luôn được xem là “hòn đá tảng” gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay, đặc biệt là bình đẳng giới trong gia đình.

Đồng cảm với nhận định của bà Thanh, chị Kim Quý - trưởng phòng kinh doanh một công ty thương mại tại quận Phú Nhuận, TP HCM - cho rằng: “Cuộc sống càng hiện đại, người phụ nữ càng tham gia nhiều lĩnh vực trong xã hội, càng nắm giữ những vị trí quan trọng thì gánh nặng của họ càng nặng nề, càng khó bình đẳng vì phải chu toàn cả việc cơ quan và gia đình”. Chị Quý kể: Hơn 2 năm trước, chồng chị làm ăn thất bại và thất nghiệp. Dù anh ở nhà cả ngày nhưng chỉ giúp chị đưa đón các con đi học còn việc nhà vẫn một mình chị đảm đương hết bởi quan niệm của anh “Đàn ông mà rửa bát, quét nhà thì chỉ có vứt”. Đã vậy, dù là người lo về kinh tế cho gia đình nhưng mọi việc chi tiêu lớn nhỏ trong nhà chị phải nhất nhất tuân theo anh bởi quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” của chồng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói về bình đẳng trong gia đình, anh Khải - giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, TP HCM - phán: “Ông trời đã định sẵn thiên chức cho đàn ông và đàn bà, làm sao thay đổi được”. Chị Thịnh, vợ anh, hiện đang là phó khoa của một trường đại học có tiếng ở TP nhưng theo lời anh kể, sáng sáng chị vẫn phải xỏ giày cho chồng, xách cặp tiễn anh ra tận xe. Tối đến, khi anh về, chị phải luôn có mặt ở nhà đợi sẵn. Bữa nào chị có việc đột xuất về muộn, dù có báo trước hay không thì không “cháy” điện thoại cũng “cháy” nhà!

Tôn trọng nhau để có bình đẳng

Khi còn bé, chị Hồng Phượng (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) thường bất bình khi chứng kiến cảnh bố chị cứ ăn cơm tối xong là lên xem tivi bỏ mặc mẹ chị lúi húi dọn dẹp hàng hóa, nhà cửa, tính toán thu chi, chuẩn bị thức ăn sáng mai… Khi mẹ chị xong việc thì đã gần nửa đêm. Thời ấy, chị không thể hiểu nổi tại sao mẹ chị lại có thể vui vẻ làm việc mà không một lời than trách bố, cũng không hiểu nổi sao bố lại có thể vô tâm đến thế. Nhưng khi lập gia đình, chị đã hiểu. Chị Phượng tâm sự: “Chồng tôi hễ bận bịu thì thôi, rảnh tay là anh tranh thủ giúp việc nhà. Biết chồng lăn lộn bên ngoài mệt mỏi, tôi không bao giờ bắt anh phải bình đẳng việc nhà nữa. Có lẽ ngày xưa mẹ tôi cũng vậy”. Chị Phượng đã nghiệm ra một điều: Bình đẳng giữa vợ chồng không phải là phân chia để hai người ngang bằng nhau mà là quan tâm, hỗ trợ nhau cùng làm tốt việc của mình.

Sau 39 năm chung sống hạnh phúc, bà Nguyễn Thi Minh (nhà ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM) đúc kết: Trong gia đình, thay vì đòi bình đẳng ngang bằng nhau thì vợ chồng cần nhận ra vai trò, sự khác biệt và trân trọng giá trị của nhau. “Cứ chăm chăm đi tìm sự bình đẳng, có khi mình chỉ tìm thấy sự ấm ức, bất mãn. Tôn trọng vai trò của mỗi người trong gia đình và thương yêu lẫn nhau thì mọi sự phân chia công việc trong gia đình đều trở nên dễ dàng hơn” - bà Minh chia sẻ.

Giúp được vợ là vui rồi!

Anh hàng xóm mỉa: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Giúp được vợ là vui rồi!

Dù người “xây nhà” là ai thì chị em phụ nữ cũng không thể bỏ quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho tổ ấm

Thấy anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngày ngày cơm nước, chợ búa, đưa đón con đi học, một số người khích bác, nói vào nói ra nhưng anh Bình phớt lờ tất cả. Anh bạn hàng xóm buổi sáng gặp anh đi chợ về, mỉa mai: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.

Hoán đổi thiên chức

Hai năm trước, trở về sau chuyến xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Bình cũng xin đi làm ở một vài công ty nhưng lương thấp chẳng thấm tháp vào đâu. Trong khi đó, chị Khanh, vợ anh, làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá nhưng công việc rất bận rộn. Hai con anh - đứa 3 tuổi, đứa 8 tháng - còn quá nhỏ, gửi nhà trẻ thì bệnh liên miên. Cảm nhận được sự vất vả của vợ khi vừa phải cáng đáng việc công ty, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ, anh bàn bạc với vợ và đưa ra quyết định: Anh sẽ tạm thời nghỉ làm, đi học thêm tiếng Hàn để sau này nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đồng thời chăm sóc 2 con đến khi bé út đủ tuổi đi học mầm non.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Từ đó, vì có thời gian chú tâm vào công việc, lương của chị Khanh tăng lên nhiều, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn. Con cái được anh Bình chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh. “Là phụ nữ nên tôi hiểu công việc nội trợ phải quay cuồng với rất nhiều việc không tên nên tôi luôn biết ơn và tôn trọng khi anh đã chấp nhận gạt bỏ sự tự ái của đàn ông để chu toàn công việc gia đình” - chị Khanh tâm sự.

Chị Uyên (quận Gò Vấp, TP HCM) tự nhận mình là người năng động, có khiếu kinh doanh nhưng không có khiếu làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng đổi lại, anh Chương, chồng chị, lại rất giỏi khoản tề gia nội trợ và chăm con rất khéo.

Chị kể sau đám cưới, anh Chương nghỉ việc ở công ty, mở trang trại chăn nuôi heo, gà để cải thiện thu nhập. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, vì ở nhà chăn nuôi nên anh kiêm luôn nhiệm vụ trông con, nội trợ cho vợ yên tâm đi làm. Sau đó, trong khi công việc kinh doanh của chị suôn sẻ thì sự nghiệp chăn nuôi của anh thất bại. Anh Chương chưa kịp chuyển hướng làm ăn thì chị lại sinh tiếp đứa thứ 3 nên anh phải tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Chuyện hoán đổi vai trò của anh chị diễn ra tự nhiên không hề có sự phân công trước và chị cảm thấy đó là điều may mắn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà, chị mới có thể dốc toàn lực cho công việc và tạo dựng được nguồn kinh tế ổn định như hiện nay.

Tuy nhiên, sự mặc cảm của anh khi nghe người ngoài nói ra nói vào cũng khiến gia đình chị trải qua nhiều phen sóng gió. “Cũng may trước nay tôi luôn tôn trọng chồng, cho anh toàn quyền chủ động chi tiêu kinh tế, đồng thời luôn hỏi ý kiến anh khi làm mọi việc nên mọi chuyện đều chóng qua” - chị Uyên chia sẻ.

Trụ cột không chỉ bằng thu nhập

Theo bà Lý Thùy Uyên, chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Song để làm được điều này, trước hết, người đàn ông phải có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình.

Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người vợ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. “Một người vợ nhạy cảm là người luôn hiểu rằng dù chấp nhận với việc “tề gia nội trợ” nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế hơn bất kỳ ai, người vợ phải luôn tạo điều kiện để chồng mình có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình” - bà Uyên đúc kết.

“Xây nhà” nhưng không quên nhiệm vụ

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương Giang (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) tâm sự: “Phụ nữ, dù có giỏi giang, đảm nhận chức vụ cao đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu dựa vào những thứ đó để chỉ đạo hay coi thường chồng thì đổ vỡ là điều khó tránh. Đàn ông đôi khi rất sĩ diện nên người vợ phải biết cách dung hòa để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Đàn ông cũng phải “công, dung, ngôn, hạnh“

Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy...

Đàn ông cũng phải “công, dung, ngôn, hạnh“

Khi chị mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng, anh bị tai biến. Sau hai tháng nằm viện, anh về nhà với một cánh tay bị liệt, một chân đi tập tễnh. Từ vị trí trụ cột gia đình, anh lui về “hậu phương”, nhường “tiền tuyến” cho chị.

Thời con gái, chị luôn ao ước lấy được một người chồng khỏe mạnh để có chỗ dựa. Anh là chủ một cửa hàng điện gia dụng, kinh tế ổn định; vóc người lại to khỏe, rắn chắc. Vừa có sức khỏe, vừa có điều kiện kinh tế, anh khiến chị yên tâm sẽ có một bờ vai vững chãi cho tương lai. Ngày chị cấn thai, anh đã bàn chị sẽ nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Anh tự tin có thể lo cho chị và con một cuộc sống ổn định.

Anh ra như thế, chị chết đứng. Nghĩ đến tương lai hai mẹ con, chị gần như hoảng loạn, bế tắc. Nhưng, tình yêu thương chồng con đã vực chị dậy. Những đêm nằm ôm con, chị suy nghĩ rất nhiều về những gì phải làm sao để thay chồng lo cho gia đình, khi con còn quá nhỏ. Chị không thể vừa làm chồng, vừa làm vợ nên quyết định bàn với anh việc chị và anh “đổi vai”. Khi nói thẳng với chồng ý định đó, chị lo anh sẽ tự ái, không ngờ anh đồng ý ở nhà cáng đáng việc nội trợ, chăm con để chị yên tâm ra ngoài kiếm tiền.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh chỉ còn một tay, làm việc gì cũng khó. Những khi anh làm rơi vỡ ly tách, đổ sữa, nhìn gương mặt chồng nhăn nhúm đau khổ, chị không khỏi xót xa. Chị tìm mọi cách động viên chồng, không để anh nản. Những ngón tay to bè của người đàn ông, vốn không thích hợp với những công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận, nhưng chị vẫn phải kiên nhẫn tập cho anh pha sữa, thay tã, bế bồng con bằng một tay. Một tháng rồi hai tháng, cuối cùng anh cũng thuần thục việc chăm sóc con.

Không chỉ “luyện” chồng cách chăm sóc con, chị còn phải hướng dẫn việc bếp núc. Những ngày đầu, cá chiên cháy đen, nồi canh mặn chát. Anh nản. Chị nhẫn nại khuyên chồng. Việc thuyết phục anh chịu đi chợ là điều khó khăn nhất với chị. Khi chưa bị bệnh, anh rất ngại phải trả giá những khoản vụn vặt. Mỗi ngày cùng chồng ra chợ, chị chỉ anh cách lựa thực phẩm tươi sống, chỉ những hàng quen chị hay lui tới mua để anh không phải ngại chuyện “cò kè bớt một thêm hai”.

Con được ba tháng, chị yên tâm giao cho anh. Chuyện bếp núc, nhà cửa anh cũng hoàn thành chu đáo. Chị xin làm thợ cắm hoa ở một tiệm lớn, mỗi tháng lương ngót nghét chục triệu. Những ngày lễ Tết, chị lấy hoa ra đường bán thêm, kiếm tiền trang trải cho gia đình. Những khi đi làm về sớm, chị thường vào bếp giúp chồng. Chưa bao giờ chị nặng nhẹ với anh nửa lời, vợ chồng vui vẻ chia sẻ công việc nhà với nhau.

Nhiều người đến nhà, ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của anh chị vẫn yên ấm, hạnh phúc. Chị quan niệm, sống phải luôn linh hoạt; không ai quy định đàn ông phải là trụ cột, phải ra ngoài kiếm tiền còn phụ nữ phải ở nhà nội trợ. Tùy vào tính chất công việc, sức khỏe của từng người để có sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng. Cuộc sống luôn biến đổi, không ai chắc chắn có thể sống khỏe mạnh cả đời, nên việc chuẩn bị cho chồng những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ vợ những khi gia đình xảy ra biến cố là điều mỗi phụ nữ nên làm. Chữ công, dung, ngôn, hạnh ngày nay đã khác xưa, chính những người đàn ông cũng phải tập tành với bốn chữ ấy, không phải chỉ trông vào vợ.

Chỉ vì tôi quá yêu mới ra nông nỗi này...

Không lẽ chỉ vì quá yêu anh mà giờ đây tôi ra nông nỗi này? Anh đã phản bội tôi để theo người con gái khác

Chỉ vì tôi quá yêu mới ra nông nỗi này...

Những lời đồn đãi đã thành sự thật: Vinh yêu người khác. Chỉ khi tận mắt chứng kiến tôi mới tin điều đó là sự thật. Vậy mà trước nay anh vẫn chối mỗi khi tôi đề cập chuyện này.

Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được nỗi đớn đau của sự phản bội. Những gì Vinh đang làm với cô gái kia, anh cũng đã từng làm với tôi: Kéo ghế ngồi, lau chén đũa, gắp thức ăn, âu yếm hỏi han xem thức ăn có ngon miệng không, nhìn đắm đuối như muốn nuốt chửng người con gái mình yêu… Chỉ khác là người thanh toán tiền chính là Vinh chứ không phải tôi.

Tất cả những điều đó đã khiến máu nóng trong người tôi bốc lên. Tôi đứng bật dậy bước nhanh ra cửa. Tôi chờ họ ở đó. Tất nhiên không phải để chúc mừng mà là để tát vào mặt kẻ đã giật người yêu của mình. Bị bất ngờ cô ta hứng trọn mấy cái tát tai và kêu ré lên.

Khi Vinh dắt xe ra tới thì tôi đã xử xong. Tôi nói với cô gái kia: “Đừng để tôi bắt gặp một lần nữa. Liệu hồn!”. Rồi tôi quay sang Vinh: “Anh giỏi lắm”. Tôi quay đi không chờ nghe anh trả lời.

Đến lúc đó tôi mới chảy nước mắt. Tôi nghĩ mình không đáng bị đối xử, bỏ rơi như thế sao khi đã toàn tâm, toàn ý yêu thương, chăm lo cho Vinh trong một thời gian dài. Chỉ vì quá yêu anh nên tôi không nhận ra sự thay đổi, mà tôi ra nông nỗi này…

Khi anh ở quê lên, dù lúc ấy chưa hẳn là yêu nhưng tôi đã lo lắng cho Vinh từng chút từ lọ mắm ruốc, bịch chà bông, chai nước tương, cái khăn tắm… Lúc ấy tôi nghĩ đó chỉ là sự chia sẻ của một người bạn có điều kiện hơn đối với bạn bè khó khăn hơn mình.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi chính Vinh đã ngỏ lời yêu tôi sau hơn 1 năm quen nhau. Tất nhiên là tôi đã sung sướng nhận lời. Từ đó, tôi chăm sóc anh còn nhiều hơn trước, thậm chí tiền nhà trọ của anh tôi cũng trả. Tôi nhờ chị giúp việc làm đồ ăn mang tới cho Vinh, lấy quần áo của anh về nhà giặt ủi, dọn dẹp phòng ốc cho anh… Thậm chí trong thời gian hai đứa học thi, tôi còn mua sâm để bồi dưỡng cho Vinh vì sợ anh thức khuya bị mệt…

Tôi chẳng lo gì cho bản thân mình mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Vinh. Đơn giản là chỉ vì tôi quá yêu anh, một tình yêu thật tội nghiệp. Đến năm thứ tư, tôi chính thức nói với ba mẹ về tình yêu của hai đứa. Ba tôi chỉ dặn dò: “Gì thì gì cũng phải thi tốt nghiệp cho tốt rồi mới tính chuyện khác nghe con. Hỏi nó coi có muốn ở lại thành phố làm việc không để ba tính…”.

Tất nhiên là Vinh rất phấn chấn khi nghe tôi kể lại điều này. Anh bảo: “Anh sẽ cố gắng để có kết quả thi thật tốt. Như vậy mới dễ xin việc…”. Kết quả là Vinh ra trường với tấm bằng loại giỏi. Ba tôi đã xin cho anh vào một công ty danh tiếng mà một người bạn của ba làm giám đốc. Mọi việc đối với Vinh sau đó rất thuận lợi. Chỉ mới 2 năm làm việc mà Vinh đã được đề bạt làm tổ trưởng tổ kỹ thuật của công ty. Anh nói với tôi: “Giám đốc hứa sẽ cho anh đi tập huấn ở nước ngoài một thời gian”. Tôi nghe vậy thì rất mừng, động viên anh cố gắng hơn nữa vì đối với đàn ông, sự nghiệp là quan trọng.

Vinh đi tu nghiệp ở nước ngoài 6 tháng. Trở về anh lại được nâng lương. Tôi nghĩ những điều đó không đơn thuần chỉ là quan hệ quen biết mà nó còn do tài năng đích thực của Vinh vì dẫu có quen biết mà làm việc không ra gì thì người ta cũng sẽ không hậu đãi như vậy. Có lẽ chỉ vì quá yêu nên tôi chỉ nhận ra những mặt tích cực nơi con người ấy.

Cho đến một ngày, ba tôi nhắc: “Con nói thằng Vinh đưa cha mẹ tới tính chuyện của hai đứa đi. Giờ cũng không còn sớm sủa gì nữa”. Đến lúc ấy tôi mới giật mình. Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đó mà chúng tôi ra trường đã 5 năm. Nếu tính cả thời gian quen nhau từ khi mới vào đại học thì chúng tôi cũng đã có gần 10 năm biết nhau. Tôi nghĩ, đúng là không còn sớm để tính chuyện hôn nhân.

Tôi nói với Vinh điều này. Anh thoáng chau mày: “Gì mà gấp vậy em? Anh còn một vài kế hoạch phải thực hiện…”. Tôi nói rằng cứ cưới đi, xong rồi anh muốn làm gì đó thì làm, chẳng có gì trở ngại. Nhưng Vinh vẫn chần chừ…

Và giờ thì tôi biết rõ nguyên nhân của sự chần chừ ấy. Vinh đã có người con gái khác trẻ, đẹp hơn tôi. Khi phát hiện điều này, tôi chết điếng. Thoạt đầu tôi không tin bởi tôi nghĩ với ân tình của tôi bao nhiêu năm qua thì không bao giờ Vinh có thể dứt bỏ tôi để chạy theo người khác. Vinh cũng không phải là người cạn nghĩ.

Vậy mà sự thật đúng như thế. Tôi đã thấy họ đi với nhau không chỉ một lần. Mỗi lần như vậy, trái tim tôi như bị cứa một nhát dao. Và rồi tôi quyết định cảnh cáo cô gái kia. Tôi còn nhờ người đón đường đe dọa để cô ta sợ mà rời xa người yêu tôi ra. Chưa hết, tôi còn định nói với ba tôi mọi chuyện để ông chặn mọi nẻo đường tiến thân của Vinh, may mà tôi chưa kịp nói, cũng chỉ vì quá yêu anh, nếu không chắc ba tôi sẽ tức giận và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Mọi biện pháp của tôi đã có hiệu quả. Vinh gọi điện hẹn gặp tôi để nói chuyện nghiêm túc. Khi gặp nhau, anh vẫn kéo ghế cho tôi ngồi, ân cần gọi cho tôi thứ nước ép cà rốt mà tôi ưa thích, hỏi tôi có khỏe không… Anh làm như chẳng có chuyện gì xảy ra…

“Anh muốn nói gì, nói đi” - tôi lại là người chủ động vì chờ mãi chẳng nghe Vinh nói gì. Đến lúc đó Vinh mới mở lời: “Trước tiên, anh xin lỗi và mong em bỏ qua chuyện vừa rồi. Anh bị say nắng thôi. Hãy cho anh cơ hội để chuộc lỗi với em…”.

Thoạt nghe Vinh nói vậy tôi rất cảm kích. Làm lỗi mà biết nhận lỗi thì đáng khen hơn đáng giận. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hứa hẹn gì. Tôi bảo Vinh: “Để em còn coi mức độ hối cải của anh đến đâu…”.

Đêm đó về tôi lại thấy cuộc đời lại đáng yêu như trước. Tôi lại phấn chấn vẽ ra viễn cảnh tương lai của hai đứa. Chắc không lâu nữa, tôi sẽ được làm cô dâu… Nghĩ đến đó, tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Mẹ tôi nói, con gái cỡ tuổi tôi làm cô dâu thì vẫn còn đẹp chứ thêm vài năm nữa thì không còn tươi tắn… Tất nhiên là sau đám cưới, chúng tôi sẽ hoàn toàn tự do thuộc về nhau. Dù đã không thể giữ gìn cho đến đêm động phòng nhưng tôi vẫn hạnh phúc bởi người đầu tiên tôi trao thân cũng chính là chồng mình.

Đêm đó tôi mang cả những ước mơ hạnh phúc vào trong giấc ngủ. Và vì là ước mơ nên nó cũng ngắn ngủi. Mấy hôm sau tôi nghe ba nói: “Thằng Vinh có khi lại sắp được lên chức. Nghe bên đó người ta khen nó lắm và hỏi ba xem có nên bố trí nó vào một chỗ quan trọng hơn không…”.

Tôi ngờ ngợ đoán ra sự xuống nước của Vinh. Có phải đây chính là nguyên nhân hay không? Nếu vậy thì tôi còn phải tiếp tục theo dõi xem thiện ý của anh đến đâu…

Đúng như tôi đoán. Ngay khi nhận quyết định thăng chức, Vinh đã quên ngay lời hứa. Anh không gọi điện, không nhắn tin, thậm chí còn tổ chức bạn bè đi chơi ở Vũng Tàu mà không hề nói cho tôi biết. Khi tôi gọi điện trách móc, anh gay gắt: “Anh đâu phải là nhân viên của em mà mỗi việc phải báo cáo? Chưa là gì mà đã muốn quản người ta như vậy sao?”.

Hóa ra trong suy nghĩ của anh, tôi chưa bao giờ là gì cả! Tôi đã mất gần 10 năm tuổi thanh xuân theo anh để giờ đây nhận được một câu nói phũ phàng như vậy. Bất giác tôi thấy một nỗi chán chường choáng ngợp trong lòng. Tôi thật sự không còn tha thiết gì đến mối tình cay đắng của mình…

Đã 2 tuần nay tôi không gọi điện cho Vinh. Anh cũng không gọi cho tôi. Điều đáng nói là tôi cũng không còn muốn theo dõi, tìm hiểu xem anh đi đâu, làm gì, với ai…

Không lẽ tình yêu đã chết trong tôi rồi sao? Không lẽ chỉ vì quá yêu anh mà giờ đây tình cảm của chúng tôi ra nông nỗi như vầy?

Tôi biết phải ăn nói thế nào với ba mẹ tôi đây nếu họ hỏi về chuyện của hai đứa? Chưa kể nếu ba tôi nổi giận thì với ảnh hưởng của mình, ông dư sức làm cho Vinh mất hết mọi thứ.

Tôi thấy mình quá mâu thuẫn khi vừa muốn dứt bỏ, lại vừa muốn níu kéo. Tôi phải làm sao đây?

Đọc nhiều nhất

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.

Tin mới

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...