Dù người “xây nhà” là ai thì chị em phụ nữ cũng không thể bỏ quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho tổ ấm
Thấy anh Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngày ngày cơm nước, chợ búa, đưa đón con đi học, một số người khích bác, nói vào nói ra nhưng anh Bình phớt lờ tất cả. Anh bạn hàng xóm buổi sáng gặp anh đi chợ về, mỉa mai: “Đàn ông mà cũng phải đi chợ à?”. Anh Bình xởi lởi: “Giờ là thời nào rồi bạn ơi. Giúp được vợ là vui rồi!”.
Hoán đổi thiên chức
Hai năm trước, trở về sau chuyến xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Bình cũng xin đi làm ở một vài công ty nhưng lương thấp chẳng thấm tháp vào đâu. Trong khi đó, chị Khanh, vợ anh, làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá nhưng công việc rất bận rộn. Hai con anh - đứa 3 tuổi, đứa 8 tháng - còn quá nhỏ, gửi nhà trẻ thì bệnh liên miên. Cảm nhận được sự vất vả của vợ khi vừa phải cáng đáng việc công ty, vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ, anh bàn bạc với vợ và đưa ra quyết định: Anh sẽ tạm thời nghỉ làm, đi học thêm tiếng Hàn để sau này nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đồng thời chăm sóc 2 con đến khi bé út đủ tuổi đi học mầm non.
Ảnh minh họa. |
Chị Uyên (quận Gò Vấp, TP HCM) tự nhận mình là người năng động, có khiếu kinh doanh nhưng không có khiếu làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng đổi lại, anh Chương, chồng chị, lại rất giỏi khoản tề gia nội trợ và chăm con rất khéo.
Chị kể sau đám cưới, anh Chương nghỉ việc ở công ty, mở trang trại chăn nuôi heo, gà để cải thiện thu nhập. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, vì ở nhà chăn nuôi nên anh kiêm luôn nhiệm vụ trông con, nội trợ cho vợ yên tâm đi làm. Sau đó, trong khi công việc kinh doanh của chị suôn sẻ thì sự nghiệp chăn nuôi của anh thất bại. Anh Chương chưa kịp chuyển hướng làm ăn thì chị lại sinh tiếp đứa thứ 3 nên anh phải tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Chuyện hoán đổi vai trò của anh chị diễn ra tự nhiên không hề có sự phân công trước và chị cảm thấy đó là điều may mắn vì nhờ có anh chu toàn việc nhà, chị mới có thể dốc toàn lực cho công việc và tạo dựng được nguồn kinh tế ổn định như hiện nay.
Tuy nhiên, sự mặc cảm của anh khi nghe người ngoài nói ra nói vào cũng khiến gia đình chị trải qua nhiều phen sóng gió. “Cũng may trước nay tôi luôn tôn trọng chồng, cho anh toàn quyền chủ động chi tiêu kinh tế, đồng thời luôn hỏi ý kiến anh khi làm mọi việc nên mọi chuyện đều chóng qua” - chị Uyên chia sẻ.
Trụ cột không chỉ bằng thu nhập
Theo bà Lý Thùy Uyên, chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088, vai trò trụ cột không chỉ thể hiện ở thu nhập mà còn ở nhiều yếu tố khác. Khi hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với vợ, nam giới vẫn có thể tạo cho người phụ nữ của mình cảm giác bình yên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc dù anh ta không phải là người kiếm được nhiều tiền. Song để làm được điều này, trước hết, người đàn ông phải có bản lĩnh để vượt qua tự ái cá nhân, hiểu và thông cảm với công việc của vợ đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu để tự khẳng định mình.
Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là cách ứng xử khéo léo, tinh tế của người vợ để người chồng luôn có cảm giác mình vẫn là chỗ dựa, là người quan trọng với gia đình. “Một người vợ nhạy cảm là người luôn hiểu rằng dù chấp nhận với việc “tề gia nội trợ” nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nam giới vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Vì thế hơn bất kỳ ai, người vợ phải luôn tạo điều kiện để chồng mình có cơ hội được khẳng định trong công việc, trước đám đông và đặc biệt là ngay chính trong gia đình nhỏ của mình” - bà Uyên đúc kết.
“Xây nhà” nhưng không quên nhiệm vụ
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương Giang (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) tâm sự: “Phụ nữ, dù có giỏi giang, đảm nhận chức vụ cao đến đâu, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu dựa vào những thứ đó để chỉ đạo hay coi thường chồng thì đổ vỡ là điều khó tránh. Đàn ông đôi khi rất sĩ diện nên người vợ phải biết cách dung hòa để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.