Truyền ngôi
Anh em ông Cầm Văn Kẻo và Cầm Văn Sơ là chắt của “vua Thái” Cầm Văn Thanh hiện sống tại ngôi nhà trên một con dốc gần di tích cách mạng cây đa bản Hẹo ở TP Sơn La. Sau rất nhiều suy tư lẫn lần giở gia phả cùng lịch sử do người Thái và một tiến sĩ Thái học người Nhật tên là Kashinaga Masao sưu tầm mới đủ những ý để kể về hai vị “vua Thái” của dòng tộc.
“Vua Thái” Cầm Văn Thanh tên thật là Cầm Chôm, tên bản Mường đặt là Bun Thắm, vua Hàm Nghi đặt lại là Cầm Văn Thanh. Năm 1885, ông được vua Hàm Nghi chính thức ban ấn sắc cho chức Tri châu Mai Sơn. Trong suốt cuộc chiến của phong cần Cần Vương, Cầm Văn Thanh đã cùng các tướng lĩnh của vua Hàm Nghi là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích chiến đấu ác liệt.
Cầm Văn Thanh đích thân dẫn một toán quân người Thái phối hợp với quân của vua Hàm Nghi và thủ lĩnh Khăn Vàng – tướng Lưu Vĩnh Phúc đánh thắng hai trận ở Cầu Giấy (Hà Nội) giết chết quan năm chỉ huy là Francis Garnier vào ngày 21/12/1873 và Henri Rivière.
Chân dung “vua Thái” Cầm Oai. |
Sau hai trận đó, quân của “vua Thái” Cầm Văn Thanh được lệnh rút khỏi Hà Nội và chuyển quân đánh thực dân Pháp ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Sau nhiều trận ác liệt, Tôn Thất Thuyết lệnh cho Cầm Văn Thanh rút quân về Mai Sơn bảo vệ vùng Tây Bắc.
Sau phong trào Cần Vương một thời gian thì “vua Thái” ốm nặng. Trước khi qua đời, ông đã truyền ngôi lại cho con trai thứ hai là Cầm Oai. Cầm Văn Thanh có rất nhiều vợ và con trai, nhưng ông nhận thấy ở Cầm Oai có đủ những phẩm chất, bản lĩnh và võ nghệ để dẫn dắt tộc người Thái khỏi những trắc trở của binh đao rối loạn.
Vậy là Cầm Oai trở thành “vua Thái” thứ hai sau người cha. Ông tên thật là Cầm Thạch, bản làng gọi là Cầm Bun Oai, triều đình đặt tên ông là Văn Uy thay cha làm tri châu Mai Sơn.
“Vua Thái” Cầm Oai lấy bà Cầm Phá là tiểu thư của gia đình trâm anh thế phiệt chủ đất Mường La – Cầm Lả Bun Hoan. Sau này, Cầm Oai lấy thêm 6 bà vợ nữa và sinh được nhiều con cái. Một trong các con “vua Thái” sau này trở thành người của cách mạng là ông Cầm Văn Dung.
“Thực ra chức tri châu đối với các dòng họ quý tộc xưa gần như cha truyền con nối. Người bản địa tự gọi thủ lĩnh của mình là vua, chứ thực chất cụ và ông nội tôi chưa bao giờ xưng vương. Họ còn có công đánh giặc khăn vàng, quân cờ đen, cờ trắng”, ông Cầm Văn Kẻo cho biết.
Tranh vẽ Garnier bị đâm chết ở La Thành gần Cầu Giấy. |
Sừng tê giác của công chúa Xiêm La
Vốn được theo cha đánh trận và kết giao với nhiều tù trưởng tiếng tăm lẫy lừng khắp nơi, “vua Thái” Cầm Oai nhanh chóng phát triển thế lực và uy tín của mình lên tới tột đỉnh.
Tuy danh nghĩa chỉ là một tri châu của Mai Sơn, nhưng uy thế của Cầm Oai vượt qua khỏi lãnh thổ châu mục và nổi tiếng khắp xứ Hưng Hóa. Những người vợ của ông cũng là những mối nhân duyên mang tính chính trị. Những tiểu thư, công chúa của những tù trưởng được ông cưới về làm vợ để giữ tình giao hảo trăm năm.
Năm 1908, khi đang ở Mường La công cán thì công chúa nước Xiêm La (Thái Lan) đã tìm đến kết giao thể hiện tình hữu hảo. Tại đây, công chúa đã tặng cho “vua Thái” Cầm Oai ba bức tượng đồng đen và một sừng tê giác gọi là chút quà mọn.
Ông Cầm Văn Sơ là cháu gọi Cầm Oai bằng ông nội hiện đang giữ gìn gia phả và lo hương khói còn giữ được chiếc sừng tê giác ấy. “Sau khi nhận chiếc sừng tê giác, ông nội tôi cho người gọt thành chuôi kiếm ngắn gọi là đoản đao. Chuôi kiếm giờ vẫn còn nhưng tượng đồng đã bị thất lạc mất”, ông Sơ cho hay.
Bản Ban – nơi sinh sống của “vua Thái”. |
Bí mật bản Ban
Gia đình “vua Thái” vốn ở bản Ban (Mai Sơn), giờ những địa danh ấy vẫn còn khá nguyên vẹn. Từ ngã ba Mai Sơn rẽ trái vượt qua những vách đá dựng đứng là chạm đến khung cảnh thơ mộng của vùng đất vốn được coi là “đô thành” của người Thái năm xưa.
Cụ Vi Văn Vần (96 tuổi) là người có thời gian gần gụi Cầm Oai. Cha của ông Vần cũng là một trong những viên lính làm việc cho “vua Thái”. Cụ Vần bảo: “Nhờ ông Cầm Oai mà tôi thạo tiếng Trung, tiếng Pháp. “Vua Thái” Cầm Oai người nhỏ, mắt sáng tinh và thông thạo nhiều ngoại ngữ”.
Bản Ban vốn mang trong mình nhiều bí mật truyền đời. Thủ lĩnh người Thái vốn rất am hiểu pháp thuật cùng thuật phong thủy nên đã chọn bản Ban là nơi sinh sống. Bản Ban nằm trọn trong một lòng chảo núi đá dựng đứng dễ thủ khó công, bên cạnh có một con sông nhỏ uốn lượn tựa thế “rồng chầu hổ phục”.
Nhiều người cho rằng, bản Ban là đất phát vương, lại được dòng dõi quý tộc họ Cầm trấn yểm nên không một dòng họ nào có thể lật đổ hay đánh chiếm. Trước đây, xung quanh bản Ban là rừng rậm với hổ báo, chim muông. Đích mắt nhiều người đã thấy “vua Thái” Cầm Oai có khả năng nói chuyện và thu hút thú rừng.
Khác với “vua Mèo” Vương Chính Đức ở Hà Giang và “vua Tày” Hoàng A Tưởng ở Lào Cai, “vua Thái” Cầm Oai không tuyển lính vác kiệu mà dùng xe nai. Đó là chiếc xe có hai bánh bằng cao su, dùng đến 4 con nai nhỏ để kéo mỗi khi ông đi công cán. Ngoài ra, Cầm Oai còn có một chiếc xe ô tô nhưng hầu như không bao giờ dùng đến.
Ông Vần cũng cho biết, bản Ban là nơi sinh sống lâu đời của dòng dõi quý tộc người Thái nên nhiều người cho rằng, vùng này giấu kho báu. Hồi nhỏ, chính mắt ông Vần từng thấy những thỏi bạc nén dưới lòng suối trước bản. Ai cũng phải công nhận “vua Thái” Cầm Oai giàu có. Thế nên, sau này khi Cầm Oai mất đi, có cả những chuyện buồn đã xảy ra vì lòng tham của một số kẻ xấu.
Vài tuần sau trong khi cầm cự ở gần Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội thì Garnier bị giết. Địa điểm Garnier bị giết nằm gần đường La Thành bên bờ hồ Ngọc Khánh nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Sự việc vỡ lở, người Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội sau khi ký kết hiệp ước với triều đình Huế.
(theo Lịch sử cận đại Việt Nam, trang 252)
“Người Thái chúng tôi ngày xưa tự gọi ông Cầm Văn Thanh và Cầm Oai là vua chứ không phải do họ xưng vương trị vì. Những bộ tộc xưa miền Tây Bắc cần có những người đứng đầu tài giỏi để bảo vệ làng bản và giải quyết những xung đột phát sinh”.
Cụ Vi Văn Vần