Nhiều người biết đến “vua Mèo” ở Hà Giang với dòng họ Vương nắm quyền; “vua Tày” ở Lào Cai do dòng họ Hoàng trị vì. Nhưng ít ai biết ở Sơn La có dòng họ Cầm người Thái nhiều đời là thủ lĩnh đứng đầu và được coi như vua.
Danh gia vọng tộc
Vùng đất tít tắp Tây Bắc là Sơn La lạ lùng với những tộc người xưa ở vương quốc Bồn Man. Cuốn theo những biến loạn thăng trầm các triều đại, dòng họ Cầm nổi lên với chức vị thủ lĩnh đứng đầu tộc người Thái.
Giới khoa học và lịch sử nước nhà từng có những đận tranh cãi lẫn tìm tòi về gốc gác của các tộc người trên dải đất hình chữ S này. Người Mông, Tày, Nùng, Dao... đều là những cư dân mang trong mình những bí mật nghìn đời. Người Thái cũng vậy, không cần xét đến Thái đen hay Thái trắng, những đợt di cư trốn nạn binh đao từ xa xưa đã gộp vào sự đa dạng và làm cho Việt Nam thêm đông anh em dân tộc.
“Vua Thái” Cầm Văn Thanh (trái) và con trai Cầm Oai. |
Trong số nhiều tranh luận khoa học, thì có lẽ ý kiến của nhà nghiên cứu David Wyatt được nhiều người đồng tình hơn cả. Ông cho rằng, người Thái xuất xứ từ phía Nam Trung Quốc, có cùng nguồn gốc với các nhóm dân tộc ít người bây giờ như Choang, Tày, Nùng.
Dưới sức ép của người Hán và người Việt ở phía Đông và Bắc, người Thái dần di cư về phía Nam và Tây Nam. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ VII - XIII. Vùng được xác định là nới cư trú là Mường Thanh. Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi.
Những thủ lĩnh người Thái được gọi là phụ tạo, được phép cai quản một số lãnh địa và trở thành giai cấp quý tộc của vùng. Trong số đó, dòng họ Cầm quản lý các châu Phù Hoa, Mai Sơn, Sơn La, Tuần Giáo, Luân và Ninh Biên. Người Thái coi thủ lĩnh của họ là “vua”.
Gia đình “vua Thái” Cầm Văn Thanh. |
“Vua Thái” nhận kiếm lệnh
Người đầu tiên trong dòng họ Cầm được dân trong vùng Tây Bắc tôn vua là ông Cầm Văn Thanh. Ngược thời gian lần giở lại những cứ liệu lịch sử nhà Nguyễn mới thấy, thực chất danh “vua Thái” chỉ là do dân tự đặt, còn chức vị ông Cầm Văn Thanh đảm nhận là quan đạo binh. Đây là một chức quan võ do triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm.
Đương thời bấy giờ, Cầm Văn Thanh đã được Tôn Thất Thuyết thay mặt cho vua Hàm Nghi trao cho một thanh kiếm lệnh để cai quản số quân đội hùng mạnh của 12 châu xứ Thái Tây Bắc. Một vùng đất rộng lớn và đầy phức tạp hỗn mang do Cầm Văn Thanh chỉ huy đã dần dần yên ổn.
Lịch sử triều Nguyễn ít viết về quan đạo binh Cầm Văn Thanh, nhưng mối liên hệ giữa “vua Thái” với nhà yêu nước Nguyễn Quang Bích thì lại rất tỉ mỉ. Năm 1884, thành Hưng Hóa do Nguyễn Quang Bích cai quản bị thực dân Pháp đánh hạ. Ông định tuẫn tiết theo gương Tổng đốc Hoàng Diệu nhưng nhờ binh sĩ can ngăn, nhóm thì phá vây, nhóm lại chặn hậu nên Nguyễn Quang Bích thoát nạn.
Được vua Hàm Nghi giao nhiệm vụ tổ chức kháng chiến mạn Tây Bắc, Nguyễn Quang Bích tìm gặp “vua Thái” Cầm Văn Thanh bàn kế sách lâu dài kháng thực dân Pháp. Được Cầm Văn Thanh cung cấp tiền bạc và quân đội người dân tộc Thái, Nguyễn Quang Bích đã tổ chức tiến ra Nghĩa Lộ để chuẩn bị cho việc đón vua Hàm Nghi ra Bắc.
Kiếm được cho là của Tôn Thất Thuyết tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. |
Kiếm lệnh giờ ở đâu?
Qua một nhà nghiên cứu Thái học, chúng tôi bắt được liên và tìm đến ngôi nhà của ông Cầm Văn Kẻo, người gọi “vua Thái” Cầm Văn Thanh là cụ nội. Ông Kẻo cho hay, những năm đất nước còn chiến tranh, người của Ty Văn hóa Sơn La đã giữ kiếm lệnh vua Hàm Nghi. Đó là thanh kiếm rất dài, sáng quắc và có bề ngang khá lớn.
Tuy nhiên, thanh kiếm ở Bảo tàng tỉnh Sơn La hiện nay lại nhỏ và ngắn. Thanh kiếm mà bảo tàng giữ mang số hiệu 129 được ghi chú là kiếm của Tôn Thất Thuyết. Hồ sơ cũng ghi chú đó là kiếm của Tôn Thất Thuyết giao cho Cầm Văn Thanh giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương.
Nhờ có thanh kiếm vua ban mà Cầm Văn Thanh mới chiêu mộ được một số lượng đông đảo thanh niên yêu nước theo phong trào Cần Vương. Khi “vua Thái” Cầm Văn Thanh qua đời, chức tri châu Mai Sơn được truyền lại cho Cầm Oai cùng thanh kiếm vua ban. Cầm Oai mất trao lại kiếm cho Cầm Văn Dung. Khi Cầm Văn Dung bị thực dân Pháp bắt giam thì người em họ là Cầm Vinh giữ kiếm cho đến 1962 thì hiến tặng cho Nhà nước bảo quản và trưng bày.
Ông Cầm Văn Kẻo, người gọi “vua Thái” là cụ nội. |
Nhưng đáng tiếc, thanh kiếm hiện tại trong Bảo tàng tỉnh Sơn La lại bị nghi ngờ không phải kiếm lệnh vua Hàm Nghi đã ban cho “vua Thái”. Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cũng đã nhận được thông tin này và đang cho rà soát xem sự việc thực chất ra sao.
Năm 1896, khi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt. Những việc nghĩa mà “vua Thái” Cầm Văn Thanh đã làm cho phong trào cũng coi như đổ bể. Rất may mắn, vì thế lực của Cầm Văn Thanh quá lớn nên quân Pháp không dám triệt tiêu nhưng luôn ấp ủ những toan tính trả thù.
Cầm Văn Thanh qua đời, hổ phụ sinh hổ tử, “vua Thái” kế nghiệp là Cầm Oai sau này sinh ra người con yêu nước là Cầm Văn Dung nổi tiếng với phi vụ đầu độc công sứ Pháp ở Sơn La là Xanh Pu Lốp. Bị tù trong Hỏa Lò, Cầm Văn Dung đã giúp đỡ những người tù chính trị và trở thành những người bạn lớn với Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng.
“Vua Thái” Cầm Văn Thanh nguyên là một chánh suất đội. Đây là một chức quan võ trong triều đình nhà Nguyễn. Chánh suất đội hàm chánh lục phẩm, sắc thụ Tráng Tiết Kỵ Úy, cai quản một đội 50 lính, có một phó suất đội phụ tá. Sau này ông được thăng chức là quan đạo binh, rồi tri châu Mai Sơn.
“Người Thái ở Tây Bắc có rất nhiều dòng họ quý tộc, là những dòng họ được vua chúa sắc phong các chức quan cai quản một vùng Thái, được người dân trong vùng kính nể, được thế tập từ đời này sang đời khác. Dòng họ Cầm ở Mường Mụa là một dòng họ như thế”.
PGS.TS Hoàng Lương (nguyên giảng viên Đại học KHXH&NV Hà Nội)