Không chỉ là tiêu chảy
Thông tin về nhiều loại nước uống đường phố nhiễm khuẩn và các độc tố có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người trên một số tờ báo thời gian gần đây rất được dư luận rất quan tâm.
Trước tình trạng này, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền (nguyên trưởng bộ môn Dược, ĐH Y Hà Nội) phân tích: “Thực phẩm nói chung và đồ uống nói riêng hiện nay đều có chứa những loại vi khuẩn, độc tố có hại cho cơ thể. Đơn giản nhất là vi khuẩn Ecoli - loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc cấp tính ở người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, tả”.
Trà chanh phố Nhà Thờ bị đánh giá là "có phát hiện vi khuẩn E.coli". |
Theo vị giáo sư này, từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, con người đã phát hiện chủng E.coli mới ký hiệu là E.coli O157:H7. Đây là chủng phổ biến nhất trong các E.Coli gây bệnh tiêu chảy, ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.
GS.TSKH Hoàng Tích Huyền còn cảnh báo, bên cạnh vi khuẩn E.coli hay B.cereus, người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến sự tồn dư của men – nấm mốc trong các loại nguyên liệu khô nấu đồ vỉa hè.
“Ăn phải nấm mốc, con người có thể bị tổn thương gan, thận…và nguy hiểm đến tính mạng. Độc tố nấm mốc có thể gây nhiễm độc cấp tính và mạn tính, nó gây tổn thương cơ thể từ từ nên chúng ta thường khó phát hiện bệnh. Đến khi phát sinh triệu chứng thì những bộ phận của cơ thể bị chúng hủy hoại đã tổn thương nghiêm trọng rất khó điều trị”, GS Huyền phân tích.
Hãy uống chè xanh, nước vối…
Nhu cầu giải khát không thể dừng lại, con người cũng không thể vì E.coli hay B.cereus mà không dám ăn uống gì. Do đó, có ý thức bảo vệ mình bằng cách thay đổi thói quen là điều kiện tiên quyết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: “Để bảo vệ mình trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Để có nước uống sạch và an toàn, lại tốt cho sức khỏe thì trong mỗi gia đình nên sử dụng các loại nước uống truyền thống như nước chè xanh, nước lá vối, nụ vối, hay các chè thảo dược là rất tốt cho cơ thể, giúp thanh lọc cơ thể và dự phòng các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường...”. Tuy nhiên, PGS Lâm cũng lưu ý việc cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ của những loại đồ uống trên để có thể yên tâm khi sử dụng.
Đối với đồ uống đóng chai, PGS Lâm khuyên độc giả chọn các sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín. Một số sản phẩm dạng nước uống có tác dụng nâng cao sức khỏe phải được công bố tiêu chuẩn tại các cơ quan y tế. (có số đang ký y tế ghi trên nhãn mác).
Chia sẻ thêm về các nguy cơ có thể gây hại đến sức khỏe con người từ đồ uống đường phố, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm: “Nước uống đường phố không rõ nguồn gốc sản xuất nếu sử dụng các loại hóa chất độc để tạo hương, tạo mùi, tạo vị thì rất có thể gây độc cho cơ thể như: Suy giảm chức năng gan, thận, làm già hóa các tế bào của cơ thể, làm cơ thể mệt mỏi, và lâu ngày cũng có thể dẫn tới ung thư”.
GS.TSKH Hoàng Tích Huyền cũng khuyến cáo, không lựa chọn những loại nước uống được bán trên vỉa hè, mà nên chọn những sản phẩm được bày bán trong cửa hàng, sản phẩm được che chắn, bảo quản đúng quy định. Những sản phẩm được bày bán ở vỉa hè cũng có nguy cơ nhiễm bẩn bởi bụi đường phố tung lên khi có xe hoặc người đi bộ ngang qua. Sản phẩm bán trên hè phố cũng không được bảo quản đúng cách, ví dụ phơi nắng trực tiếp dẫn đến biến chất trong sản phẩm, xâm nhập và tích lũy trong cơ thể người sử dụng rồi gây bệnh.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề vệ sinh thường thức: ăn chín, uống sôi và bàn tay sạch, trong đó bàn tay sạch thực sự là “vấn nạn” ở người Việt, mà không chỉ ở vùng nông thôn, ngay cả chốn thành thị, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức ở người tiêu dùng”, GS Huyền bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: “Để giảm một số bệnh về đường hô hấp, tăng sức khỏe, chống chọi tốt với cái nóng thì uống nước cũng là vấn đề khá quan trọng. Tổng lượng nước của một người trưởng thành đảm bảo từ 2-2,5l/ngày, bao gồm cả ăn và uống. Trẻ em tùy độ tuổi, trung bình cần 1-1,5lít nước/ngày. Ngoài nước lọc ra, chúng ta cũng nên bổ sung nước hoa quả tươi bởi nó có kali lợi tiểu tốt. Với sữa, trẻ chỉ nên uống khoảng 500ml sữa/ngày. Nếu trẻ em béo phì thì nên chọn sữa thấp béo”.