Nhắc lại lời của nhà văn Chu Lai khi trả lời phỏng vấn về đề xuất cải tiến tiếng Việt, giọng PGS Bùi Hiền trầm lắng.
"Ông Chu Lai bảo nếu ông ấy là tôi thì chắc đã đột quỵ mất rồi. Gia đình, bạn bè cũng rất lo tôi sốc trước những lời 'ném đá', công kích của dư luận mà ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Quả thực, nếu bị ném đá như tôi người khác sẽ đột quỵ. Nhưng năm nay tôi đã 83 tuổi, đang ở trong những ngày chiều tà của cuộc đời, đã đi qua hết buồn vui, đau khổ, chứng kiến mọi sự tàn nhẫn, tranh chấp, xấu xa. Khi nhìn lại mọi chuyện, tôi thấy thanh thản", PGS Bùi Hiền nói.
Ngay sau đó, ông Hiền cười xuề xòa, bắt tay mời phóng viên ngồi trong căn hộ 50 m2 cũ kỹ đã có tuổi đời hơn 30 năm.
Nhìn qua căn nhà có thể thấy ngay sự thiếu thốn của đôi bàn tay phụ nữ, tường đã bong tróc, ghế ngồi được gia cố, cốc chén mỗi chiếc một kiểu, căn bếp lạnh tanh.
- Ông ở đây có một mình sao, thưa PGS?
PGS Bùi Hiền: Cả cuộc đời tôi gắn bó 55 năm với giáo dục, từng làm phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1974.
Năm 1978, tôi làm Viện phó Viện Nội dung Phương pháp giáo dục phổ thông. Nhưng tôi chỉ thấy hạnh phúc khi có người gọi mình là thầy. Những gì còn lại là nghề giáo, không phải người có chức tước hay học hàm, học vị.
Tôi ở đây một mình, vợ tôi hiện sang Ba Lan ở cùng con. Các con, cháu của tôi cũng trưởng thành, mỗi người một phương.
Vì ở một mình nên tôi sống giản đơn lắm, quanh năm không ăn hàng xá, không ăn cơm, chỉ nấu các loại mỳ. Tuềnh toàng là thế nhưng riêng chuyện công việc, nghiên cứu khoa học, viết sách, hay lên lớp cho sinh viên, tôi rất kỹ lưỡng và tỉ mẩn.
- 83 tuổi, ông vẫn còn đứng trên giảng đường?
PGS Bùi Hiền: Đúng thế, từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn nhận dạy nghiên cứu sinh tiếng Nga tại ĐH Hà Nội và ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Hàng ngày, tôi đi xe đạp đến giảng đường.
Nhưng 3 tháng trước, do tai nạn bị trật khớp chân, bây giờ, tôi chỉ đi được bằng taxi. Nhà trường chưa có lớp nên thời gian này tôi đang nghỉ ở nhà nghiên cứu.
- Trở lại câu chuyện được mọi người quan tâm vừa qua về đề xuất cải tiến tiếng Việt, ông đã "thai nghén" đề xuất từ khi nào?
PGS Bùi Hiền: Cách đây 40 năm, tại Trung tâm Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ có đề xuất việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đặt ra câu hỏi làm thế nào để chữ viết gọn gàng, sạch đẹp. Khi đó, tôi và nhiều nhà khoa học hưởng ứng và nghiên cứu dựa trên quan điểm cá nhân.
Năm 1995, tôi có những thành công bước đầu khi viết ra hệ thống cải tiến chữ quốc ngữ và đăng trên tạp chí báo Giáo dục Thời đại của Bộ GD&ĐT. Đó đơn thuần là một bài báo, sự quan tâm đến chữ viết không nhiều nên đề xuất nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Thời gian trôi đi, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về cải tiến chữ viết dần thui chột tâm huyết. Những người khác thì bảo không nên "động vào tổ kiến". Một người trong giới chuyên môn bảo tôi chỉ làm "cho vui".
Đúng là tôi làm việc, xuất phát từ niềm vui khoa học, nhưng đó là việc làm nghiêm túc, có mục đích, không phải làm vì rảnh rỗi.
Tôi luôn canh cánh về cải tiến chữ viết trong lòng nên thường nghĩ ngợi. Động lực khiến tôi đề xuất ý tưởng này là do hiện tại chúng ta sống trong thời đại công nghệ mới, phần lớn chữ viết được thực hiện bằng ký tự nên việc tiết kiệm ký tự, một chữ tương ứng với một âm rất thuận lợi.
- Phần một của cải tiến chữ viết đã bị dư luận phản ứng. Trước khi đưa ra phần hai, ông có nghĩ mình sẽ bị "ném đá"?
PGS Bùi Hiền: Phần một cải tiến chữ viết của tôi được in trong cuốn kỷ yếu chuyên ngành tại một hội thảo khoa học. Tôi không thể để người ta nói, phán xét dựa trên một công trình chưa hoàn thiện. Nếu tôi không hoàn chỉnh, dư luận sẽ nghĩ sản phẩm của mình mãi bị "què", có khi thành "cụt". Vì vậy, trong những ngày sóng gió, tôi bỏ ngoài tai tất cả để nghiên cứu nốt phần còn lại.
Đối với phần hai, tôi biết sẽ vẫn có những luồng dư luận khác nhau. Nhưng việc của nhà khoa học là nghiên cứu, còn dư luận chấp nhận nó hay không còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Mục đích của tôi là cải tiến chữ viết để dễ nhớ, dễ học, và không bao giờ bị mắc lỗi nữa. Tôi nghĩ bảng chữ cái của mình đã thành công ở điều đó.
- Sau bản công bố lần đầu, dư luận chỉ trích nghiên cứu cải cách Tiếng Việt gay gắt, PGS có sốc không?
PGS Bùi Hiền: Tôi không sốc nhưng do là người bị động nên mọi chuyện đến hơi bất ngờ. Đây hoàn toàn là công trình của cá nhân làm theo nhu cầu của bản thân, được in trong cuốn kỷ yếu. Tôi làm xong trình bày ở giới khoa học để giới này có ý kiến. Nhưng người ta chưa có ý kiến đã bị tung lên mạng.
Bấy giờ, mọi người phản ứng dữ dội như thể đây là cải cách sắp thực hiện được đưa ra để trưng cầu dân ý. Trong khi đó, tôi không trình nghiên cứu lên Bộ GD&ĐT hay cơ quan nào cả, Nhà nước cũng không đặt hàng tôi viết.
- Ông đã vượt qua cơn bão dư luận như thế nào?
PGS Bùi Hiền: Dù đã 83 tuổi, tôi vẫn sử dụng Facebook và đọc báo hàng ngày. Người ta gọi tôi là điên hay chửi tôi bằng đủ thứ tục tĩu, bậy bạ, cay độc trên đời này.
Với những người chửi bới vô văn hóa, tôi đọc bình luận của họ chỉ để câu chữ trôi qua tai. Với những người chưa hiểu, tôi nói cho họ hiểu. Với những phản biện nghiêm túc, góp ý văn minh, tôi ghi lại tất cả để nghiên cứu thêm, tự hoàn thiện chính mình.
Nhưng rất đáng tiếc, có cả những người tri thức nói tôi là PGS dởm, là người không phải trong ngành ngôn ngữ học. Họ bằng tuổi con, tuổi cháu tôi nhưng lại nói "phải diệt tận gốc" nghiên cứu của tôi. Họ đâu biết tôi giảng dạy về ngôn ngữ khi họ chưa lọt lòng?
Họ là người khiến tôi lần đầu tiên phải để lại bình luận rằng: "Ai cho phép anh tự phong mình là tên đồ tể để đi diệt một cộng sự của mình? Từ xưa đến nay có nhà giáo nào lại đối xử với nhà giáo tàn nhẫn khi ở bậc cha chú anh không?".
Ngoài ra, nhiều người đáng quý như GS Ngô Như Bình, giảng viên dạy tiếng Việt tại ĐH Harvard, Mỹ đã viết thư cho tôi gọi là "thầy" xưng "em". GS nói với tôi: "Em rất tôn trọng nghiên cứu của thầy".
- Đi qua tâm bão dư luận, ông mong muốn nhất ở họ điều gì?
PGS Bùi Hiền: Tôi không cần mọi người hiểu nhiều ngoài việc đây là nghiên cứu hoàn toàn nghiêm túc. Tôi đã công khai và tôi chấp nhận sự "ném đá" của dư luận. Ai ủng hộ thì tôi cảm ơn, ai không ủng hộ thì tôi cũng cảm ơn, còn người nào thóa mạ, tôi cũng không để tâm.
Là một nhà giáo dục, tôi hiểu phản ứng với cái trái tai, gai mắt là điều tự nhiên, không phản ứng mới là bất thường. Vì vậy, tôi sẽ bình thản đón nhận hết.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò lo lắng cho tôi, họ nhắn gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên, tôi không sao cả. Tôi vẫn mạnh khỏe và sống vui vẻ để tiếp tục công việc của mình.
- Trong bản nghiên cứu hoàn chỉnh lần thứ hai công bố, với những ý kiến đóng góp hợp lý, PGS đã tiếp thu ra sao?
PGS Bùi Hiền: Người ta bảo tôi phá hoại văn hóa, phá hoại chữ viết và tiếng nói. Tôi xin khẳng định tôi không cải cách chữ quốc ngữ hay cách đọc.
Tôi chỉ đổi giá trị âm vị, trừ một số chữ đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản vẫn như cũ.
Người khác nói đề xuất của tôi là "lợi bất cập hại" vì phải xóa nạn mù chữ cho mọi người. Nhưng những người mới học sẽ rất đơn giản, người đã học chữ quốc ngữ hiện hành cũng chỉ mất 10 phút để đọc văn bản mới.
Một số ý kiến cho rằng nếu thay đổi phải in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ tùy thân…
Thực tế xưa nay ở nước ta, cũng như trên thế giới, không ai làm như vậy cả, bởi vì những người biết chữ quốc ngữ vẫn hoàn toàn tự do, yên tâm sử dụng tất cả thứ đó cho đến hết đời. Người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu mới, báo chí, giấy tờ, công văn mới thôi.
Lại có ý kiến nói đề xuất của tôi là phá hoại dân tộc, vi phạm cả quốc hồn, quốc túy. Đây quả là sự lo xa tưởng tượng quá mức. Cuối cùng là ý kiến chữ viết mới làm mất vẻ đẹp, thẩm mỹ của chữ quốc ngữ. Nhưng thói quen tạo ra thẩm mỹ và có thể thay đổi thói quen khi con người nhận ra sự tiện lợi của chữ viết mới.
- Là một nhà khoa học, ông mong muốn dư luận sẽ ứng xử như thế nào với nghiên cứu của mình?
PGS Bùi Hiền: Bất cứ nhà khoa học nào cũng say mê và tâm huyết với nghiên cứu, mong muốn sản phẩm được chấp nhận và đi vào đời sống. Riêng với công trình cải tiến chữ viết của mình, tôi rất có niềm tin. Nếu bạn tìm hiểu sâu sẽ thấy chữ viết mới dễ đọc, dễ viết, và khi thực hiện sẽ không còn tình trạng bị mắc lỗi.
Hiện tại, công trình của tôi chưa được sử dụng, nhưng biết đâu sau 10 năm, hay 100 năm sau có người tìm lại, thấy hợp lý và sẽ được sử dụng?'
- Điều khiến ông mãn nguyện ở công trình nghiên cứu khoa học cải tiến chữ viết là gì?
PGS Bùi Hiền: Không ai chu cấp tiền nong hay đặt hàng để tôi làm nghiên cứu này cả. Tôi hoàn thiện là tìm ra cách giải của một bài toán khó, như thế đã là thành công rồi.
Tôi rất tự hào về công trình này, vì đây là bản chữ cái duy nhất trên thế giới đạt trình độ một âm tương ứng với một chữ, một chữ tương ứng với một âm để ghi lại toàn bộ hệ thống tiếng nói.
Lần công bố thứ hai này sẽ là lần cuối cùng của đề xuất cải tiến chữ viết. Tôi sẽ dành thời gian theo một đam mê khác đó là ngôn ngữ Nga và sẽ tham gia với tư cách là người góp ý về sự trong sáng của tiếng Việt.