Chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng hé mở nguyên nhân sập hầm
(Kiến Thức) - Chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng đã nói lời xin lỗi muộn màng, đồng thời cho biết nguyên nhân vụ sập hầm có thể do kết cấu địa chất.
Chiều ngày 22/12, ông Võ Nhật Thăng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây Dựng điện Long Hội, chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo đã chính thức lên tiếng về vụ sập hầm đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 16/12.
Lời xin lỗi muộn
Ông Võ Nhật Thăng đã thay mặt tổng công ty gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân, người nhà và toàn thể nhân dân cả nước vì đã gây ra “một sự việc phức tạp” vừa qua.
Theo ông Thăng, đơn vị thi công đầu tiên của dự án này là Công ty xây dựng Lũng Lô vào năm 2003 đã phải “đầu hàng” dự án này. Nhà thầu thứ 2 là Công ty Cổ phần Vinaconex, dù có rất nhiều kinh nghiệm đào hầm nhưng cũng không thể triển khai nổi dự án.
|
Ông Võ Nhật Thăng |
Nguyên nhân là do kết cấu đại chất tại khu vực này “chưa bao giờ chúng tôi gặp phải” – ông Thăng nhấn mạnh. Theo ông Thăng, đất tại khu vực đường hầm dự án thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo chỉ cần gặp mưa là chuyển sang dạng bùn loãng, đó là lý do nhiều đơn vị thì công “bỏ của chạy lấy người”.
Theo ông Thăng, trước việc kết cấu địa chất hết sức phức tạp nên Chủ đầu tư đã phải điều chỉnh đường hầm dẫn nước của nhà mát thủy điện này ngắn lại chỉ còn hơn 1km thay vì 2,2km như thiết kế ban đầu. Vị trí sập đổ đã hoàn chỉnh việc gia cố hơn 20 tháng nay.
Hiện nay đơn vị thi công đào đường hầm này là Công ty Cổ phần Sông Đà 10, Công ty Cổ phần Sông Đà 505 là đơn vị đổ bê tông, gia cố hầm.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vai trò của chủ đầu tư trong công tác cứu hộ còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao.
Có lúc giải cứu chưa nhịp nhàng
Liên quan đến vụ giải cứu 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết bên cạnh những tích cực trong công tác giải cứu đã được ghi nhận bằng kết quả cụ thể cũng đã bộc lộ một số vấn đền cần phải rút kinh nghiệm.
|
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn |
Như ban đầu lực lượng rất đông nhưng “phần lớn chỉ đứng nhìn nhau, lực lượng cứu hộ có lúc lên tới trên 700 người nhưng hiệu quả làm việc không cao vì không có kinh nghiệm giải cứu, thiếu phương tiện phục vụ” – Thiếu tướng Bùi Văn Sơn cho biết.
Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận, công tác giải cứu ban đầu lực lượng có đông, nhưng chỉ là số lượng, làm việc chưa có hiệu quả. Sau đó, với sự chỉ huy dứt khoát, quyết liệt của các cấp lãnh đạo công tác giải cứu mới được tiến hành nhịp nhàng.
“Trong quá trình đào hầm giải cứu các nạn nhân đã có sự cạnh tranh giữa hai lực lượng đó là đội đào mỏ của Tập đoàn Than-Khoáng sản và lực lượng giải cứu của Bộ tư lệnh công binh. Chính sự cạnh tranh này mà tốc độ đào hầm trong ngày 19/12 đã được đẩy nhanh lên rất nhiều. Công tác giải cứu các nạn nhân nhanh hơn dự kiến”-Thiếu tướng Bùi Văn Sơn cho biết.