Nhân Dân nhật báo số ra ngày 21/8, đăng bài “Tổng kết kinh nghiệm ba năm chống tham nhũng” của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn - người đi đầu trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Các đại biểu Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình (từ trái qua phải) tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 ĐCS Trung Quốc. |
Ông Vương Kỳ Sơn viết chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành ba năm qua mới chỉ “trị ngọn” để chuẩn bị cho “chiến dịch trị gốc” vấn nạn tham nhũng. Điều này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc càng ngày càng trở nên gay cấn.
Thành quả ba năm của chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"
Khi trả lời chất vấn của cán bộ cấp cao ngày 20/2/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Cải cách mở cửa hơn 30 năm, kinh tế tuy phát triển, nhưng chúng ta phải trả một giá quá đắt. Chưa nói gì tới việc chúng ta phải hy sinh môi trường sinh thái, mà chỉ nói riêng về đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì hầu như toàn bộ đều bị sa ngã. Thưa các đồng chí, có thể nói rằng hiện nay chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ đông đảo quan chức tham nhũng để quản lý đất nước”.
Chính vì vậy, hầu như tất cả các ngành đều có quan chức tham nhũng bị bắt và xử lý. Quân đội tới 35 sĩ quan cấp tướng, trong ĐCS Trung Quốc có tới 11 ủy viên trung ương và ủy viên trung ương dự khuyết ĐH 18, gần đây nhất là ngày 24/7/2015, Ủy viên trung ương ĐH-18, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận bị bắt. Các bộ ban ngành trung ương có 119 cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên, hơn 100 cán bộ chủ chốt địa phương, 1.575 cán bộ trong ngành giám sát, 140 quan chức trong ngành giao thông, hơn 50 quan chức trong ngành tài chính ngân hàng… đã bị bắt và xử lý.
Đáng lưu ý là “Tứ trụ triều đình” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là Chu vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng bị xử lý và truy tố, còn Tăng Khánh Hồng đang trong quá trình điều tra. Ngoài ra, những người thân tín khác của Chủ tịch Giang cũng bị bắt và xử lý như Tô Vinh, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc, Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Vương Vĩnh Xuân, Quý Kiến Nghiệp (Thị trưởng thành phố Nam Kinh), Dương Vệ Trạch (Bí thư thành ủy Nam Kinh), Triệu Thiếu Lân (Chánh thư ký tỉnh Giang Tô)… lần lượt bị sa lưới.
Những nhân vật khác như Lệnh Kế Hoạch, Cốc Vân Sơn, nguyên Thống đốc Ngân hàng trung ương, Thị trưởng thành phố Thiên Tân Đới Tương Long…những cánh tay phải của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng bị bắt và truy tố.
Cựu “Chủ tịch Giang Trạch Dân đi đâu”?
Tuy nhiên, trong bài “Tổng kết kinh nghiệm ba năm chống tham nhũng”, ông Vương Kỳ Sơn viết “Đây mới chỉ là trị ngọn, tạo điều kiện cho trị gốc sắp tới”. Gần đây, dư luận chú ý tới Chủ tịch Giang Trạch Dân, hiện đang là mục tiêu phê phán của báo chí Trung Quốc và Hong Kong.
Trong bài “Chủ tịch Giang Trạch Dân đi đâu?”, báo chí Hong Kong gần đây cho biết thời gian qua liên tiếp tổ chức lễ hỏa táng các nguyên lão công thần của Trung Quốc qua đời, như cựu Chủ tịch Quốc hội Kiều Thạch (19/6/2015), cựu Chủ tịch Quốc hội Vạn Lý (22/7/2015), nguyên lão Trương Kình Phu (8/6/2015), cựu Bí thư Chính Pháp Úy Kiện Hành (16/8/2015)… tất cả 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị.
Các vị nguyên lão như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo…đều tới dự, duy chỉ có Chủ tịch Giang thiếu vắng. Tờ “Sóng triều” của Trung Quốc ngày 17/8/2015, cho biết các Ủy viên thường vụ Bộ chính trị và các nguyên lão kết thúc kỳ nghỉ hè an dưỡng tại Bắc Đới Hà, duy không thấy sự hiện diện của Chủ tịch Giang Trạch Dân, Tờ báo đặt câu hỏi: “Vậy Chủ tịch Giang Trạch Dân đi đâu?”
Mạng tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương ngày 25/2/2015 đăng bài “Tấm gương phản diện Khánh Thân Vương” thời Vua Càn Long mà “Khánh Thân Vương” ám chỉ là Tăng Khánh Hồng, nguyên Phó chủ tịch nước thời kỳ Giang Trạch Dân làm Chủ tịch nước. Tiếp đó, ngày 26/6/2015, tờ Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, cũng đăng bài tương tự phê phán Khánh Thân Vương và viết: cho dù “Chiếc mũ sắt thân vương” có rắn tới mấy thì cũng sẽ bị đánh tan”, đồng thời tờ báo nhấn mạnh “Bất kỳ ai dù chức vụ to lớn tới đâu, quyền lực tới đâu cũng bị luật pháp xét xử” và khẳng định “Chúng ta nhất định phải đánh thắng trong cuộc tấn công vào dinh lũy kiên cố này”.
Tiếp đó tờ Nhân Dân nhật báo ngày 10/8/2015 đăng bài phê phán tình trạng một số lãnh đạo cấp cao trước đây trước khi nghỉ hưu đã cài cắm thân tín, vợ con, họ hàng vào các chức vụ quan trọng, để sau khi nghỉ hưu tiếp tục tiếp tục đứng sau hậu trường can thiệp vào chính sự của đảng và nhà nước, thậm chí có người tham quyền cố vị tiếp tục nắm giữ chức quan trọng thêm một thời gian.
Nếu như tờ Nhân Dân nhật báo còn úp úp mở mở, không đích danh chỉ tên thì tờ Tân Kinh báo trong bài “Ngẫm về chính sự” ngày 10/8/2015 nói toạc ra “Chủ tịch Giang Trạch Dân nắm quyền từ năm 1989 tới 2002, nhưng sau đó còn tham quyền cố vị, nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương tới hai năm rưỡi nữa để thao túng và can thiệp vào chính sự khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nắm quyền”. Mạng “Tin tài chính” ngày 30/7/2015 đăng bài “Quách Bá Hùng đã bị đánh gục” trong đó đích danh chỉ tên Chủ tịch Giang đã dung túng cho Quách Bá Hùng tham nhũng.
Báo chí Trung Quốc cho biết khi tiến hành “Vụ án Chu Vĩnh Khang”, Chủ tịch Tập Cận Bình bị thách thức nghiêm trọng, nên vụ án này kéo dài tới gần hai năm (8/2013 – 6/2015). Ngày 20/2/2014 trong Hội nghị nội bộ trả lời chất vấn của cán bộ cấp cao về vụ án này, Tập Cận Bình đã thừa nhận: “Bản thân TBT Tập Cận Bình tôi đang bị sức ép của các ông lớn trong đảng là phải ngừng ngay cuộc đấu tranh chống tham nhũng này”, thậm chí bị đe dọa có thể “bị hạ bệ”. Báo chí Trung Quốc và Hong Kong cho biết người gây sức ép lớn chính là Giang Trạch Dân.
Sau khi vụ án Chu Vĩnh Khang cùng các thân tín khác của Chủ tịch Giang Trạch Dân bị bắt và xử lý, thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã tiến triển thuận lợi.
Các vụ án nghiêm trọng khác như vụ án Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng được tiến hành rất nhanh chóng, như vụ án Quách Bá Hùng chỉ tiến hành trong 101 ngày kết thúc.
Tuy nhiên, bài xã luận của Nhân Dân nhật báo ngày 12/6/2015 cho rằng: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn tiếp tục đi trên con đường dài”. Tiếp đó, ngày 26/6/2015, tờ báo này lại nhấn mạnh “nhất định phải đánh thắng trong cuộc tấn công vào dinh lũy kiên cố”.
Trong tổng kết kinh nghiệm ba năm chống tham nhũng, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Vương Kỳ Sơn nói: “Thà chặt đứt đi một ngón tay để giữ cho 9 ngón khác không bị nhiễm bệnh” và nhấn mạnh thời gian tới “phải tập trung vào khu vực trọng điểm, vụ trọng điểm, người trọng điểm”. Dư luận cho rằng chống tham nhũng ở Trung Quốc thời gian tới sẽ càng kịch tính hơn, vì sẽ đụng chạm tới “người trọng điểm”.