Rác thải từ khu cách ly, một thách thức lớn
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch tễ tại TPHCM rất phức tạp, nhiều trung tâm cách ly được thành lập từ các trường học, doanh trại quân đội và đặc biệt các khu vực dân cư ở những quận huyện bị phong toả, cách ly xã hội theo chỉ thị 16.
Ngoài các hoạt động truy vết, xét nghiệm, chích ngừa văcxin được thực hiện rộng rãi và có quản lý chặt chẽ, một thách thức lớn và cần phải giải quyết tức thì là các chất thải phát sinh từ các hoạt động cách ly y tế và cách ly xã hội đã và đang là một chủ đề được xã hội quan tâm. Những hình ảnh vứt bỏ rác bừa bãi trong khu cách ly, trường học, khu dân cư của người dân cần có một hướng giải quyết như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân thành phố.
Thời gian này, rác thải ùn ứ tại các khu dân cư ở TP. HCM, nhiều ngày mới được dọn dẹp. |
Một bạn đọc ở phường 3, Gò Vấp, kêu cứu: “Rác từ 3 ngày qua vẫn không có xe của môi trường đến xử lý. Người ta còn lập chốt gần bãi rác. Gần nhà tôi, hộ gia đình đến 4 con nhỏ, không biết xử lý tã như nào luôn. Chỗ này cũng là nơi tiếp tế thực phẩm… Nhưng cả quận chỉ có một xe thu gom rác.”
Mới đây, ngày 10/7/2021, trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng 128 khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố thải ra khoảng 42 tấn rác thải/ngày. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã bố trí 200 công nhân thu gom rác thải ở các khu cách ly với 40 phương tiện để thu gom vận chuyển rác thải.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM (CITENCO) hiện đang thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải tại các bệnh viện, khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 của TPHCM và các khu cách ly, khu phong tỏa thành lập theo quyết định của UBND quận, huyện. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý loại chất thải đặc biệt này phải đảm bảo nghiêm ngặt theo quy trình, quy định và an toàn tuyệt đối.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, TPHCM phát sinh rất nhiều khu cách ly, khu phong tỏa tạm thời trong khu dân cư do UBND phường thành lập trên 16 quận, huyện nên lượng rác thải công ty phải thu gom tăng đột biến với khối lượng ngày càng lớn.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến 10h ngày 5/7/2021, TP.HCM có tổng cộng 738 điểm phong tỏa do COVID-19. Vậy lượng chất thải tại các khu vực này sẽ được quản lý và xử lý như thế nào?
Lịch thu gom rác từ các khu phong tỏa nên tối thiểu 1 lần/ngày
Theo TS.BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm Soát Nhiễm khuẩn TPHCM, đại dịch COVID-19, không giống như động đất hay bão nhiệt đới, sẽ không kết thúc trong vài giờ hay vài ngày. Nó sẽ ở với chúng ta ít nhất là một năm nữa, và có thể trong vài năm nữa. Do vậy, chúng ta phải đối mặt với khả năng không thể tránh khỏi trong các địa phương xảy ra đại dịch.
Thu gom rác thải trong các khu cách ly. |
“Chống dịch có nhiều vấn đề thách thức, đặc biệt là trong quản lý chất thải. Bên cạnh giải quyết các mối quan tâm trước mắt về làm thế nào để thu gom các loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm, chất thải có tổn hại cho môi trường, các chất thải sinh hoạt hàng ngày, là về lâu dài cũng cần cải thiện hệ thống quản lý chất thải trong các cơ sở y tế cũng như cộng đồng,” - TS.BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Theo TS.BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Hà, vấn đề rác thải ở các khu phong tỏa có hai nhóm: một là rác thải lây nhiễm từ những người đang thuộc diện nghi ngờ hoặc nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19) và hai là từ những gia đình bình thường, không nằm trong diện lây nhiễm. Vậy cả hai loại rác thải này cần được xử lý như thế nào?
Bình thường, công ty môi trường đô thị thành phố, quận huyện sẽ là nơi thu gom các loại chất thải trên địa bàn thành phố. Các trung tâm cách ly, bệnh viện đã được ký hợp đồng với Cty Môi trường Đô thị để thu gom và xử lý các loại chất thải. Riêng các khu dân cư việc quản lý chất thải thường quy về quản lý tại địa phương và các tổ chức tư nhân.
Khi các khu vực dân cư bị cách ly, UBND phường cần kết hợp với y tế phường, quận xây dựng kế hoạch thu gom. Các bộ phận quản lý dân cư cần phải liên hệ với chính quyền để sắp xếp lịch, phương thức, phương tiện thu gom riêng cho các khu vực này. Khi không có dịch, các phường đều có đội thu gom chất thải y tế, lây nhiễm cho các phòng khám tư nhân và đóng tiền mỗi năm. Do vậy, cần có sự tham gia của khu phố, y tế phường, quận trong việc hướng dẫn người dân thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải an toàn.
“Theo tôi, tại các khu phố bị cách ly, phong toả cần đặt các thùng rác lớn màu xanh và vàng có nắp, có bánh xe đặt ngay phía gần hàng rào sát bờ tường ngay hàng rào ngăn cách ly khu dân cư, trên đấy ghi rõ rác thông thường không lây nhiễm và rác lây nhiễm có nguy cơ chứa COVID-19. Các thùng rác thải của hai nhóm này đặt cách nhau tối thiểu 2 m. Hàng ngày, Công ty môi trường đô thị thành phố, quận, huyện hoặc công ty tư nhân đủ tư cách pháp lý sẽ đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý chung của thành phố theo quy định. Lịch thu gom nên tối thiểu ngày 1 lần vào buổi sáng sớm hoặc tối và khi có yêu cầu phát sinh,” TS.BSCKII Thanh Hà chia sẻ.
Theo chuyên gia chống nhiễm khuẩn này, đối với các gia đình trong khu cư dân, khu phố bị phong toả hoặc cách ly cũng cần trang bị cho mình thùng đựng chất thải. Gia đình có người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 cần trang bị thùng màu vàng, trong có lót bao màu vàng có viết chữ, chất thải lây nhiễm có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Nhà không có người nghi hoặc nhiễm COVID-19, trang bị thùng màu xanh và bao màu xanh đựng chất thải sinh hoạt. Hàng ngày, người dân mỗi gia đình sẽ bỏ vào các thùng của gia đình, khi đầy cột miệng túi chặt, đưa đến bỏ vào thùng đựng chất thải tập trung của khu phố. Và Cty Môi trường Đô thị đưa xe vận chuyển sẽ đến lấy 2 lần/ngày hoặc tối thiểu 1 lần vào buổi sáng hoặc tối khuya bằng cách cẩu thùng đầy và cho thùng mới đã vệ sinh sạch đến.
Đối với các khu vực tập trung cách ly cần bố trí nhiều và đủ các thùng đựng chất thải với bao lót màu vàng có in biểu tượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại các khu vực hành lang, khu vực công cộng, buồng cách ly. Tại các nơi để thùng đựng cần có các hướng dẫn người dân cách phân loại và bỏ như thế nào. Các chất thải cần được nhân viên thu gom thường xuyên đến thu gom khi thùng đã đầy và vận chuyển đến nơi tập trung chất thải và tại đây công ty môi trường đô thị sẽ thu gom theo lịch quy định.
Điều quan trọng nhất dù là ở khu dân cư bị phong toả/cách ly y tế hoặc khu cách ly tập trung là phải giáo dục, truyền thông cho người dân về phân loại, thu gom chất thải đúng quy định (đặc biệt là các loại khẩu trang, bộ phương tiện phòng hộ cá nhân, chất thải từ đường hô hấp của người lây nhiễm). Các cơ quan chức năng có thể làm tờ bướm phát cho người dân, hoặc hộ gia đình để họ hiểu và tạo thói quen phân loại rác thải, cột chặt bao rác thải trước khi bỏ vào thùng,…
Người dân nên cột bao rác thật chặt, bỏ vào thùng đậy nắp
Một vấn đề khác là nhiều người dân băn khoăn, hiện nay nhiều nơi đã bỏ rác đầy ngõ và đầy nền đường trong các khu dân cư nơi khu phong tỏa. Xử lý ra sao và có cần xịt khử trùng hay không?
TS.BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh, tại nhiều khu vực tập trung rác thải từ khu vực cách ly, phong toả việc phun xịt khử khuẩn bên ngoài bao, thùng dựng chỉ có tác dụng bề mặt trong khoảng 1 thời gian ngắn (1 giờ với dung dịch có chứa clo, sau đó clo bay hơi sẽ hết tác dụng). Trong khi đó, nước dịch rỉ chảy tràn lan từ các bao rác, gây ẩm ướt còn là điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển và ô nhiễm mùi của hóa chất, mùi của rác,... Vì vậy, cách xử lý nhất trong tình huống này là cột bao rác thật chặt bỏ vào thùng đậy nắp hạn chế phát tán rác và ít mùi nhất, khô ráo nhất.
Quan trọng nhất, theo TS.BS Thanh Hà, Cty Môi trường Đô thị TPHCM, quận và đội vệ sinh các khu vực cần phối hợp tham gia trong việc xử lý chất thải trong giai đoạn dịch. Các phương án thu gom, vận chuyển rác tối ưu cho các khu vực bị cách ly, phong toả, tránh làm phát tán nguồn nhiễm và ô nhiễm môi trường, cảnh quan khu vực người dân sinh sống.