Người đẹp Paris
Paris, thủ đô nước Pháp - được mệnh danh là kinh đô ánh sáng - nơi thu hút nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến vui chơi, học hành, làm việc ... Vào những năm đầu thập niên 1920, công tử Bạc Liêu đã có mặt tại đây với tư cách là một du học sinh.
Mang tiếng đi du học nhưng khi đặt chân đến Paris, cậu công tử con nhà giàu này ít chuyên tâm đến việc học. Cậu Ba Huy thường lê la quán rượu, vào các hộp đêm và dĩ nhiên không thiếu những nơi có nhiều ... hoa bướm.
Trong suốt 3 năm du học, công tử Bạc Liêu đã có tất cả 5 mối tình sâu đậm. Những người tình của cậu Ba Huy vào thời điểm này đều là những cô gái phương Tây, tóc vàng, mắt xanh.
Đối với những cô nhân tình này, cậu ba Huy sống đúng với tính cách già nhân ngãi non vợ chồng. Cũng thương yêu, cũng nhớ nhung, cũng chứa chan hạnh phúc. Sâu đậm nhất, lâu dài nhất là một cô gái Pháp có mái tóc vàng óng làm thu ngân cho một tiệm cà phê nổi tiếng cạnh bờ sông Seine mà cậu thường lui tới.
Từ ánh mắt đến nụ cười, từ mái tóc đến làn môi, cô thu ngân tiệm cà phê này đã hớp hồn công tử xứ Bạc Liêu. Từ đó, chàng luôn là người khách đầu tiên đến quán ...
Hắc công tử và bà Ngô Thị Đen, người vợ đầu tiên được cưới hỏi. (ảnh Intrnet) |
Cũng như 4 mối tình trước, cậu Ba Huy dự tính cũng chỉ để vui chơi qua đường. Thế nhưng, sau khi chinh phục được cô thu ngân cậu đã có một cuộc tình rất lãng mạn. Cậu yêu Marie - tên cô thu ngân - như điên dại và kết quả, Richard con của 2 người chào đời. Lúc con trai Richard được 7 tháng, cậu Ba Huy trở về Việt Nam. Trước khi về cậu không quên điện cho gia đình gởi một khoản tiền khá lớn với lý do thanh toán chi phí học tập nhưng thật ra cậu giao hết cho Marie nuôi con.
6 năm sau. Một ngày đẹp trời đầu năm 1936, người vợ đầu tiên của Hắc công tử cùng đứa con lai xuất hiện ngay tại ngôi nhà bây giờ là khách sạn công tử Bạc Liêu. Hai người ôm lấy nhau trao cho nhau nụ hôn nồng nàn sau nhiều năm xa cách.
Cậu đưa cả 2 mẹ con vào ra mắt bên nội. Cậu Ba giới thiệu với ông bà hội đồng Trạch: "Thưa ba má, đây là Marie và Richard là vợ và con của con trong thời gian con sống ở Paris."
Cậu quay sang nói với thằng bé bằng tiếng Pháp, "con chào ông bà nội đi con". Bà hội đồng đưa tay ngoắc đứa bé. Nó chạy đến sà vào lòng bà. Trước tình thế này ông hội đồng đành phải "ngậm mà nghe".
Ở lại Bạc Liêu vài tháng, cậu ba tìm cách đưa 2 mẹ con trở về Paris vì dẫu sao cậu cũng mới lấy vợ không thể để mang tiếng với mọi người. Trong hành trang trở về Pháp, Marie được một số tiền có thể cho 2 mẹ con sống hết đời
Những người vợ của Hắc công tử
Người vợ thứ 2 nhưng lại là vợ chính thức của công tử Bạc Liêu là con của một ông bá hộ giàu có trong vùng. Bà là Ngô Thị Đen - con của bá hộ Mín. Đám cưới được diễn ra vào năm 1934 và cứ thế, hai vợ chồng sống với nhau. Mặc dù có vợ nhưng cái nết trăng hoa của cậu ba không hề suy giảm. Bà Đen âm thầm chịu đựng cho đến năm 1937 bà hạ sinh được cô con gái đặt tên là Trần Thị Lưỡng.
Không trông mong gì vào chồng, bà Đen dồn hết tâm trí vào việc nuôi dạy cô hai Lưỡng. Cô được cho ăn học hết tiểu học tại Bạc Liêu rồi sau đó lên Đà Lạt học trường nhà dòng. Trong những năm học hành ở xứ sở sương mù, cô hai phải lòng một học sinh ở trường khác.
Cuộc hôn nhân cô hai Lưỡng và anh học sinh - sau này được vua Bảo Đại chọn làm thư ký riêng - đã diễn ra nhưng họ sống với nhau không lâu. Cô hai Lưỡng bước thêm bước nữa với một quan chức người Pháp rồi theo chồng ở hẳn bên đó.
Sau khi cô hai Lưỡng theo chồng về Pháp, bà Đen tiếp tục sống lủi thủi một mình trong khi cậu ba Huy vẫn cứ bay bướm trăng hoa. Nhiều cô gái, nhiều mối tình chớp nhoáng vụng trộm của cậu ba Huy đã xảy ra đã đến tai bà nhưng bà vẫn bình tâm vì quá chán ngán.
Không thể kéo dài cuộc sống buồn thảm đó, năm 1955 bà Đen qua Pháp sống chung với vợ chồng con gái. Từ đó bà ít khi trở về Việt Nam ngoại trừ một đôi lần về dự đám tang của người thân hai bên.
Năm 1972, sau một cơn bạo bệnh bà mất tại Thụy Sĩ. Cô hai Lưỡng đưa thi hài bà về Pháp khâm liệm rồi thuê hẳn một chiếc máy bay chở quan tài về Việt Nam để an táng tại nghĩa trang gia tộc Trần Trinh.
Người vợ kế tiếp của công tử Bạc Liêu được cưới hỏi là một cô gái ở Sài Gòn. Người này hiện chưa rõ danh tánh đã hạ sinh 2 người con một trai một gái đặt tên Hiếu, Thảo.
Không dừng lại ở đây, công tử Bạc Liêu cưới thêm người vợ thứ ba, bà Trần Thị Hai, người Mỹ Tho. Bà Hai hạ sinh cho công tử hai người con là ông Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức. Như vậy, không tính người vợ Pháp, 2 bà vợ Việt Nam đã cho ông đủ Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức. Vậy mà qua biết bao thăng trầm dâu bể, hôm nay chỉ người con trai duy nhất còn lưu lại đất Bạc Liêu là ông Đức.
Nhiều người ở Bạc Liêu cho biết đến giờ này vẫn chưa thể tính được công tử Bạc Liêu có bao nhiêu mối tình bao nhiêu đứa con rơi. Chỉ biết số tài sản mà trong đời công tử tiêu xài lên đến 5 tấn vàng mới thỏa mãn những cuộc vui chơi.
Thế nhưng, không phải trên đời này có tiền là có tất cả. Về những năm gần cuối đời, câu Ba Huy đã bỏ ra rất nhiều tiền để chinh phục một người con gái trẻ và xinh đẹp. Cô gái đã làm ngơ, quay lưng trước món tiền rất hời mà công tử đã bỏ ra. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Hắc công tử nhận quả đắng trong tình trường.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):