Vì lý do công việc và học tập, hằng tháng chị Phạm Thị Kim Luyên thường đi về quãng đường Hà Nội - Thị trấn Vĩnh Bảo từ 1 - 2 lần bằng xe khách. Vậy nhưng, điều chị băn khoăn là cho đến bây giờ, khi giá xăng đã giảm nhiều lần và hiện chỉ còn 15.670đ/lít thì giá vé xe tuyến chị thường đi vẫn giữ mức 65.000đ/lượt.
Một năm nay giá vé không đổi!
Giá xăng giảm liên tiếp, chị thấy cuộc sống có gì thay đổi không?
Thực ra tôi cũng nhận thấy có những tác động tích cực của việc giảm giá xăng dầu, mà dễ thấy nhất là nếu như trước đây tôi phải đổ suýt soát 100.000đ mới đầy bình xe máy thì bây giờ chỉ cần chừng 70.000đ thôi. Nhưng xe máy chỉ thực sự hữu dụng khi đi trong thành phố, ở những cung đường dưới 30km chứ nếu đi xa hơn thì nên đi xe buýt hoặc ô tô khách. Thi thoảng tôi cũng đi xe buýt nhưng thấy giá vé xe không giảm. Bạn bè tôi cũng xác nhận điều đó. Mỗi tháng, tôi phải đi về ít nhất một lần quãng đường Hà Nội - Vĩnh Bảo và thấy giá vé vẫn là 65.000đ/lượt. Đây là giá vé của một năm nay rồi.
Lần gần đây nhất chị đi xe tuyến này là khi nào?
Mới chủ nhật tuần vừa rồi thôi, tức là sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thông báo giảm giá lần thứ hai liên tiếp trong năm 2015 (21/1).
Chị đi xe của một hãng hay nhiều hãng?
Có hai nhà xe chạy từ bến Gia Lâm (Hà Nội) về qua khu nhà tôi ở Thị trấn Vĩnh Bảo. Một loại xe là tuyến cố định, còn một loại xe là tôi bắt quá giang và họ có niêm yết giá vé cho từng chặng. Tôi thường chọn đi một xe, về một xe cho tiện thời gian của mình và thấy đó là mức giá chung.
Chị có phản ứng với nhà xe về chuyện không giảm giá vé không?
Có chứ. Tôi và nhiều người cũng hỏi là sao giá xăng giảm mà giá vé xe không giảm theo, các anh ấy trả lời rằng doanh nghiệp chưa điều chỉnh nên chưa thể giảm.
Chị có bị thuyết phục bởi lời giải thích đó?
Tôi tin các anh ấy không thể thu giá vé trái quy định của doanh nghiệp mà họ đang làm. Chỉ có điều, thực sự tôi cũng thấy bức xúc, chẳng hiểu sao giá xăng giảm sâu như thế mà giá vé xe không giảm. Chẳng bù cho trước đây, mỗi khi giá xăng chỉ mới rục rịch tăng thì bao nhiêu thứ giá cả nhảy vọt theo, các nhà xe cũng phản ứng tức thì để tăng giá vé. Giờ họ cứ dây dưa mãi.
Chị Phạm Thị Kim Luyên, Thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng. |
Tẩy chay thì đi bằng gì?
Chị cảm nhận thế nào về vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong việc để giá cước vận tải vẫn tiếp tục "lệch pha" giá xăng như thế?
Tôi không hiểu vai trò của họ ở đâu khi mà để tình trạng nhà xe không chịu giảm cước cứ diễn ra. Tôi đọc báo và biết họ có đi kiểm tra, thanh tra; họ cũng nói sẽ phải xử lý nhà xe không giảm giá cước nhưng chẳng biết họ xử lý ở đâu chứ như tuyến xe tôi đi vẫn chẳng thay đổi.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có đi kiểm tra tại Bến xe Miền Đông (TPHCM) và kêu gọi người dân tẩy chay hãng xe không giảm giá vé. Chị nghĩ sao về lời kêu gọi của Bộ trưởng?
Tôi có thể đồng cảm với Bộ trưởng trong việc này, rằng ông cũng rất muốn có biện pháp mạnh để xử lý nhà xe không chịu giảm giá vé. Việc tẩy chay cũng có thể coi là biện pháp mạnh vì người dân không đi thì nhà xe lấy đâu ra lợi nhuận. Tuy nhiên, năm hết Tết đến rồi, ai cũng muốn được về nhà sum họp cùng gia đình. Nhiều người không có khả năng mua vé máy bay, tàu hỏa thì họ phải đi ô tô thôi. Nếu bảo tẩy chay nhà xe không chịu giảm giá cước thì người dân phải có quyền lựa chọn nhà xe khác có giá vé rẻ hơn, chứ bây giờ giá cả các nhà xe như nhau thì tẩy chay thế nào được? Với những công nhân trong miền Nam về quê ở miền Bắc ăn Tết nếu tẩy chay thì họ đi bằng gì? Chả lẽ bảo người ta đi xe máy?
Như vậy, kêu gọi tẩy chay nhà xe không chịu giảm giá cước là khó khả thi?
Tôi tin là thế vì người dân sẽ chỉ tẩy chay khi họ có được sự lựa chọn tốt hơn. Đằng này, nếu chưa có sự lựa chọn thì người ta sẽ buộc phải chấp nhận thôi.
Với nhiều người thì việc tẩy chay này là không khả dĩ. Vậy còn với chị, nếu giá cước 65.000đ vẫn giữ nguyên thì chị có lựa chọn nào khác không?
Tôi có thể đi tàu hỏa nhưng tính ra giá tiền cao hơn ô tô, vì tàu hỏa chỉ về thành phố, sau đó tôi phải bắt xe khách hoặc đi xe ôm từ thành phố về huyện. Như thế thì mệt lắm! Tôi có thể đi xe máy vì quãng đường từ Hà Nội về Vĩnh Bảo chỉ chừng 80km. Dù đi xe máy nguy cơ mất an toàn cao hơn ô tô khách, nhưng cận Tết mà về xe khách thì sẽ bị họ nhồi nhét, ngồi rất khó chịu.
Hãy làm nhiều hơn nói!
Là một người dân, chị đã thấy quyền lợi của mình được Nhà nước đảm bảo chưa?
Chỉ cần nhìn từ việc giá cước vận tải không hề giảm hoặc giảm không đáng kể so với giá xăng dầu là biết quyền lợi của người dân đôi khi chưa thực sự được đảm bảo.
Vậy theo chị, các cơ quan quản lý cần làm gì để đảm bảo được quyền lợi cho người dân?
Theo tôi thì họ hãy làm nhiều hơn nói. Người dân nhìn vào hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước thông qua việc họ làm được gì, mang lại ích lợi gì cho xã hội chứ không phải là việc lãnh đạo ngành ấy tuyên chiến ra sao, mạnh miệng thế nào.
Chị đề xuất gì trong việc xử lý nhà xe không chịu giảm hoặc giảm rất ít giá cước vận tải?
Tôi nghĩ hãy xử thật nghiêm một nhà xe uy tín nào đó mà không chịu giảm giá cước, như cấm họ hoạt động trong một tháng chẳng hạn để các nhà xe khác nhìn vào đó mà sợ, rút kinh nghiệm. Phải thật mạnh tay vào. Tôi tin nhiều người sẽ đồng tình với nhà quản lý nếu như họ làm nghiêm.
Nếu họ làm nghiêm từ bây giờ thì chị có tin mình sẽ được đi tuyến Hà Nội - Vĩnh Bảo với giá thấp hơn 65.000đ không?
Không đâu. Tết mà, người ta không tăng giá đã là mừng. Có thay đổi thì chắc cũng phải đợi sau Tết.
Cảm ơn chị và chúc chị sớm được đi giá vé tuyến Hà Nội - Vĩnh Bảo thấp hơn 65.000đ.
"Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi người dân hãy tẩy chay nhà xe không chịu giảm giá cước cho thấy dường như Bộ đã "bất lực" trong việc chỉ đạo, đồng thời đẩy trách nhiệm sang người dân. Vì nếu như Bộ trưởng chỉ đạo làm nghiêm, xử lý thật mạnh tay các nhà xe không chịu giảm giá cước, kể cả tước giấy phép hoạt động thì người dân sẽ tức khắc chọn đi nhà xe có giá cước hợp lý, đâu cần Bộ trưởng phải kêu gọi như thế".
Chị Phạm Thị Kim Luyên