Năm 2015 là dấu mốc đáng nhớ của Sacombank khi sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Nam (Southern Bank) để trở thành top 5 nhà băng lớn nhất với tổng tài sản hơn 297.000 tỷ đồng.
Nhưng đổi lại, Sacombank cũng “gánh” cục nợ xấu/dư nợ cho vay gấp 7 lần năm 2014. Đến năm 2016, con số này đẩy lên 13.745 tỷ đồng nợ xấu, gấp 1,3 lần năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó cũng tăng dần đều từ 1,2% (năm 2014) lên 5,85% (năm 2015) và 7% (năm 2016).
Và đương nhiên lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Sacombank cũng teo tóp từ đơn vị nằm trong top lãi ngàn tỷ xuống còn 648 tỷ đồng; thậm chí năm 2016 còn nặng nề hơn khi chỉ lãi vỏn vẹn 89 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2017, Sacombank bắt đầu tái cơ cấu theo Đề án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt với các chỉ số không còn quá xấu như trước.
Song thực tế tính theo từng quý đến nay, Sacombank vẫn chưa cho thấy một “thể trạng” phát triển ổn định khi dự phòng rủi ro tín dụng vẫn “dập dềnh” lên xuống, đơn cử như quý 3/2018 gấp tới 4 lần lợi nhuận ròng.
Kết quả kinh doanh từ thời điểm bắt đầu tái cơ cấu quý 1/2017 đến quý 2/2019 của Sacombank (tỷ đồng)
Tính theo quý gần nhất là quý 2/2019, lãi ròng của Sacombank giảm 17% so cùng kỳ, về mức 307 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng này tăng mạnh chi phí hoạt động (31%) lên tới 2.285 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (42%) lên 616 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, Sacombank vẫn như là hạt cát bé nhỏ trong khối các nhà băng còn lại.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2019 của STB so với toàn ngành
Dù vậy, theo công bố của Sacombank, 7 tháng ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.938 tỷ đồng, như vậy đã thực hiện được 73% kế hoạch đề ra cho cả năm (2.650 tỷ đồng).
Nói qua cũng phải nói lại, Sacombank đã có những bước tiến lớn trong việc xử lý cục nợ xấu từ gánh nặng sau sáp nhập – vốn là vấn đề trọng yếu hiện nay của nhà băng này.
Trong năm 2017, Sacombank đã xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có hơn 14.200 tỷ tự xử lý và thu hồi. Đáng chú ý nhất là khoản 9.200 tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ dự án bất động sản Đức Hòa III là tài sản cầm cố của ông Trầm Bê.
Từ đó, tỷ lệ nợ xấu được Sacombank kéo xuống từ mức 7% của năm 2016 xuống còn 4.16% năm 2017 và về mức 2.13% năm 2018. Mục tiêu năm 2019 của Sacombank là đưa nợ xấu về dưới mức 2%, xử lý được 10.000 – 15.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã có diễn biến khả quan khi nhích về 2.04%, nhà băng này cho biết đã giải quyết 11.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương 14,8% tổng nợ tồn đọng cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu đang trên đà giảm xuống dưới 2% vào cuối năm nay như kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn Sacombank đang mạnh tay tái cơ cấu, thị trường dường như vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực hơn khi khối lượng giao dịch cổ phiếu STB tăng rất mạnh so với giai đoạn bi thảm trước đó.
Tuy nhiên, với một cơ thể chưa khỏe mạnh hoàn toàn thì dường như nhà đầu tư vẫn thận trọng hơn trong năm 2019 khiến cổ phiếu STB không thể nào ngóc lên vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu, mà mãi chỉ lẹt đẹt lên xuống quanh mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong suốt những năm qua.
Biến động cổ phiếu STB từ đầu năm 2017 đến nay
Nguồn: VietstockFinance |
Tại mức giá đóng cửa phiên 28/8/2019 là 10.350 đồng/cổ phiếu thì STB đã ghi nhận giảm gần 17% so với hồi mới niêm yết (tính theo giá điều chỉnh); và tính trong 1 tháng qua khi ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 và 7 tháng thì cổ phiếu này vẫn đổ đèo hơn 7%. Và hiện STB đang nằm trong top 5 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết có thị giá thấp nhất.
Có lẽ, nhà đầu tư đang trông chờ vào một Sacombank với bảng cân đối kế toán bớt “nặng nề” hơn mới xuống tiền đầu tư chăng?