Sacombank đang rao bán hàng loạt tài sản khủng để xử lý nợ xấu. |
Trước đó trong phiên đấu giá sáng 20/12, các tài sản khủng này vẫn chưa có ai mua, chính vì thế ngân hàng Sacombank giảm giá và tiếp tục đấu giá vào ngày 22/12.
Theo thông báo mới nhất, lô đất với tổng diện tích hơn 3,7 triệu mét vuông của chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của Công ty CP đầu tư AMIC được bán với giá khởi điểm còn 3.641 tỉ đồng.
Trước đó, giá của lô đất này từng được rao đến hơn 4.000 tỉ đồng, sau đó giảm xuống còn 3.801 tỉ đồng trong phiên đấu giá sáng 20/12.
Một lô đất khác có diện tích hơn 2,7 triệu mét vuông của chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng Liên Thành Long An, Công ty CP Long "V", Công ty CP đầu tư phát triển Long Đức - ILD và Công ty CP đầu tư & kinh doanh bất động sản Mười Đây từ giá ban đầu 3.132 tỉ đồng đã giảm còn 2.850 tỉ đồng.
Tài sản thứ 3 là lô đất diện tích 2,7 triệu mét vuông của chủ đầu tư Công ty CP đầu tư Đức Hòa III - Resco và một phần của Công ty CP đầu tư AMIC với giá khởi điểm 2.598 tỉ đồng, giảm so với giá trước đó là 2.855 tỉ đồng.
Như vậy so với mức giá cao nhất từng được đưa ra, giá bán ba tài sản khủng này đã giảm đến 898 tỉ đồng.
Một trong những lý do khiến các tài sản này khó chuyển nhượng là do điều kiện Sacombank đưa ra là khối tài sản hơn 9.000 tỉ đồng kể trên phải được thanh lý trong cùng một lần đấu giá.
Người mua được tài sản cũng phải tự thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đồng thời phải chịu thanh toán toàn bộ các khoản thuế, chi phí liên quan đến việc nhận chuyển nhượng.
Để tham dự đấu giá, người mua cũng phải đặt cọc số tiền bằng 5% giá chào bán tài sản - tương đương gần 500 tỉ đồng.
Ngoài xử lý nợ của nhóm Trầm Bê, ngân hàng Sacombank cũng đang phải xử lý thu hồi tài sản liên quan đến Phạm Công Danh tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cũng liên quan tới bất động sản.
Năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu thu hồi 15.000 - 20.000 tỉ đồng nợ xấu và trong 9 tháng đầu năm nay ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỉ đồng nợ xấu.
Như vậy, nếu đợt bán đấu giá tài sản này thành công, Sacombank có thể sẽ hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu của năm 2017.
Trước đó để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ngày 28-9, Sacombank và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC.
Theo thỏa thuận, Sacombank sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu để mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Năm 2017, hai bên xem xét mua bán nợ xấu theo giá thị trường với giá trị tối thiểu 1.000 tỉ đồng.
Đối với các khoản nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, hai bên sẽ tiến hành đánh giá, phân loại nợ để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm triển khai hiệu quả nhất.