Nhiều giai thoại cho rằng Bác Hồ đã khởi thảo Di chúc tại đây.
Nằm ở huyện Ba Vì, Hà Nội, Đá Chông (mật danh K9) có những tảng đá sắc nhọn như bàn chông đâm thẳng lên bầu trời. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm gắn với Bác Hồ từ lúc sinh thời cho đến cả sau khi Người mất.
Bí mật và an toàn tuyệt đối
Năm 1957, trong một lần thị sát diễn tập quân sự ở khu vực sông Đà (giữa tỉnh Sơn Tây cũ và tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ đã nhận thấy thế đất thiêng “tọa sơn đạp thủy” của Đá Chông.
Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, kể lại trong cuốn hồi ký Giữ yên giấc ngủ của Người rằng Bác đã giao cho ông Hoàng Linh, khi đó là Cục trưởng Cục Doanh trại, thiết kế, xây dựng một nhà sàn vững chắc, kiên cố không chỉ là căn cứ bí mật của trung ương mà còn làm nơi tổ chức các cuộc họp của Bác, nơi tiếp khách của Bộ Chính trị.
Sẽ mở rộng việc tham quan Khu Di tích Đá Chông. |
Theo yêu cầu của Bác, nhà sàn K9 được trang bị giản dị, phòng khách rộng rãi và tiện nghi hơn căn phòng của Bác. Đặc biệt, Bác không cho chặt bỏ những cây to, cây quý trong quá trình xây dựng. Thế nên đến tận bây giờ, Đá Chông vẫn như một cánh rừng nguyên sinh xanh mát, ẩn giấu bao câu chuyện xúc động về Người.
Đại tá Nguyễn Bá Trí - Đoàn trưởng Đoàn 285 thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ trách gìn giữ và quản lý Khu Di tích Đá Chông - khẳng định từ khi Bác mất đến lúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Đá Chông là nơi bảo quản bí mật thi hài của Người. Mật danh K9 của Đá Chông có thời gian đổi thành K84 để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.
Địa chỉ đỏ
Rộng cửa đón du khách Đá Chông còn được xem là nơi khởi thảo bản Di chúc Bác Hồ với tên gọi ban đầu là “Tuyệt đối bí mật” vì trong nhiều dịp sinh nhật, Bác không ở trong Phủ Chủ tịch mà lên Đá Chông nhằm tránh việc tổ chức, chúc tụng rình rang. Tháng 5-1965, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 75, Bác bắt đầu khởi thảo Di chúc. Trong di nguyện của mình, Bác nhắc đến việc tìm khu đồi tốt ở vùng núi Ba Vì làm nơi yên nghỉ sau khi hỏa táng.
Theo trung tá Trần Trọng Nghĩa - công tác ở Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 20 năm - ông từng nghe kể rằng có lần anh em cảnh vệ phục vụ ở Đá Chông định lên nhà sàn thật sớm chúc thọ sinh nhật lần thứ 73 của Bác nhưng Bác lại chủ động xuống thăm anh em trước. Bác hóm hỉnh nói mình vẫn chưa già và còn sức khỏe.
Đại tá Nguyễn Bá Trí cho biết Đá Chông là một địa chỉ đỏ giáo dục tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ nhưng không phải ai cũng biết đến địa danh này. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép nhà nước và Bộ Quốc phòng cho mở rộng việc tham quan Đá Chông.
Sắp tới, kể cả người nước ngoài cũng được phép vào tham quan và khách trong nước không còn phải xin giấy phép tham quan từ Bộ Tư lệnh Lăng nữa mà có thể trực tiếp đăng ký tham quan ở Ban Quản lý khu di tích.