Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không công bố báo cáo tài chính quý 4 mà chỉ có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 với thu nhập lãi thuần tăng gần 39% lên mức 4.029 tỷ đồng.
Hoạt động dịch vụ cũng tăng khá hơn 30% khi đạt 1.694 tỷ đồng lãi thuần. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng vọt từ mức 692 triệu của năm trước lên tới 69 tỷ đồng, tức gấp 99 lần.
Ngược lại, mua bán chứng khoán kinh doanh lao dốc không phanh 88% xuống vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần chỉ tăng nhẹ 7% lên mức 454 tỷ đồng. Hay góp vốn mua cổ phần cũng giảm 29% về gần 6 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác kỳ này cũng giảm 39% còn hơn 1.150 tỷ đồng. Sở dĩ lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của SCB chiếm tỷ trọng lớn nhờ khoản thu khác mà nhà băng này không công bố chi tiết là gì; ngoài ra, thu nhập từ bán nợ cũng đóng góp 332 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi đầu kỳ.
Năm qua, SCB trích 2.371 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ gần 10% so năm trước.
Do đó, sau cùng SCB chỉ đạt 174,6 tỷ lợi nhuận sau thuế, sụt giảm gần 1% so với năm 2018.
Đáng nói, trước đó, 9 tháng 2019, SCB báo lãi ròng tới gần 209 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, nhưng kết quả cả năm lại thấp hơn con số 9 tháng. Như vậy, riêng trong quý 4/2019, khả năng SCB đã phải chịu lỗ ròng hơn 34 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của SCB nhích nhẹ lên 0,49% so mức 0,41% của đầu kỳ. |
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của SCB tăng nhẹ 11,5% lên mức 567.894 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 333.878 tỷ, tăng 10,6% so đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng khá 13,8% lên 438.287 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, nợ xấu của SCB tăng gần 30% so đầu kỳ khi chiếm 1.644 tỷ đồng. Song xét về tỷ lệ nợ xấu thì chỉ nhích nhẹ lên 0,49% so mức 0,41% của đầu kỳ.
Hiện SCB vẫn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ các đơn vị liên doanh liên kết như đầu kỳ với tổng giá trị đầu tư là 26,68 tỷ đồng, nhưng đã trích dự phòng giảm giá là 385 triệu đồng.
Trong đó, nhà băng này đã rót gần 10 tỷ vào CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Hạ Long để nắm 5,69% vốn; chi 7,3 tỷ, tức nắm 9,9% vốn CTCP Sài Gòn Kim Liên; chi 1,5 tỷ vào CTCP Du lịch Sài Gòn Vĩnh Long để sở hữu chỉ 1% vốn; và chi 7,9 tỷ, tương ứng 6,64% vốn tại CTCP Thông tin Tín dụng Việt Nam.