Thực vậy, nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Oxford, Cambride, Glasgow và St George (Anh) cho thấy, trẻ em không khởi đầu ngày mới bằng bữa sáng dễ dẫn đến tình trạng kháng insulin. Trong khi đó, kháng insulin là một đặc trưng của tiểu đường tuýp 2.
"Nói không" với đồ ăn nhanh, nhiều chất béo; tăng cường chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt giúp ngừa tiểu đường hiệu quả. Ảnh minh họa. |
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học tiến hành theo dõi hơn 4.000 học sinh từ 9 – 10 tuổi tại Anh. Các nhà khoa học tiến hành giám sát thói quen ăn sáng của trẻ và xem thực đơn các bé có gì.
Kết quả cho thấy, trong máu trẻ không ăn bữa sáng có nhiều biểu hiện liên quan đến nguy cơ tiểu đường hơn những em duy trì thói quen này thường xuyên.
Kết luận trên cũng được công bố trên tạp chí PloS Medicine. Tại đây, họ kết luận: “Thường xuyên ăn sáng, đặc biệt là tiêu thụ các thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt nhiều chất xơ có khả năng chống lại sự gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2”.
Phát biểu về công trình nghiên cứu trên, trưởng nhóm Angela Donin đến từ St George, Đại học London cho biết: Chúng tôi chưa tìm hiểu được căn nguyên việc bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ tiểu đường. Song dữ liệu cho phép chúng tôi khẳng định những người không lạm dụng đồ ăn nhanh, nhiều chất béo mà tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ có khả năng chống lại được sự tấn công của căn bệnh.
Căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa, suy thận, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Bàn về ảnh hưởng tiêu cực của bỏ bữa sáng, tiến sĩ Donin cho biết: “Có nhiều bằng chứng khẳng định bỏ bữa sáng dễ khiến trọng lượng cơ thể trở nên quá khổ. Cụ thể, khi không nạp đủ năng lượng cho ngày mới, bạn có xu hướng ăn vặt nhiều hơn trong ngày, khiến cơ thể tăng cân. Trong khi đó, ăn sáng làm bạn không màng đến sức hấp dẫn từ những thực phẩm này”.
Thực tế, gần 3 triệu người Anh được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2. Đáng lưu ý, căn bệnh thường liên quan đến lối sống không lành mạnh và béo phì.