Không có thói quen bảo dưỡng máy
Báo Khoa học & Đời Sống đã tiến hành khảo sát một số hộ dân tại khu vực các quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, TPHCM trong việc sử dụng máy nước nóng. Kết quả cho thấy, hơn 80% hộ dân cho rằng không cần chú ý tới khâu bảo trì, vệ sinh máy. Nhiều hộ dân dù biết sự nguy hiểm của điện giật từ máy nước nóng trong phòng tắm, nhưng ý thức bảo dưỡng định kỳ máy thì hầu như bỏ ngỏ.
Anh Trần Văn Thắng, ngụ tại đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) chỉ cho chúng tôi xem chiếc máy nước nóng gắn trên góc tường nhà tắm và nói: "Tôi mua máy này đã 2 năm, mà cũng chưa lần nào vệ sinh, bảo dưỡng máy. Gần đây, thỉnh thoảng bật nguồn mà nước không nóng. Vẫn biết nguy cơ bị điện giật từ các thiết bị này, nhưng thực sự cũng sơ suất là không quan tâm".
Anh Lê Xuân Hiến, ngụ tại phường Thạnh Xuân, quận 12 lại chủ quan cho rằng: "Bây giờ máy nước nóng hiện đại đều có hệ thống ngắt điện tự động khi có sự cố nên cũng không đáng lo. Nhà tôi sử dụng khá lâu rồi, cũng chưa lần nào kiểm tra".
Ngược lại, chị Phan Vân Hồng, ngụ tại quận Gò Vấp thì lo lắng: "Tôi ở khu chung cư xây dựng đã lâu, tường nhà bị thấm nước, rất sợ rò rỉ điện âm tường, nhà có máy nước nóng mà không dám tắm".
Với máy nước nóng trực tiếp , 1 năm mới cần bảo trì, kiểm tra máy, chủ yếu là vệ sinh lưới lọc nước. |
Thiếu ý thức = chết người
Ông Nguyễn Ngọc Linh, phụ trách kỹ thuật của Công ty Điện lạnh Đông Á, TPHCM cho biết, trên thị trường hiện có máy nước nóng trực tiếp gắn tường và máy nước nóng gián tiếp với bồn trữ nước nóng 15 - 30 lít. Cấu tạo chung của loại sản phẩm này là có thanh gia nhiệt với tác dụng làm nóng nước, điều khiển nhiệt độ, đèn hiển thị...
Trường hợp sử dụng máy nước nóng bị điện giật khi tắm có thể do máy không có bộ phận chống giật, hoặc có nhưng bộ phận này đã bị hỏng và không cảm nhận được mức độ rò rỉ điện, hay đường dây điện lâu ngày bị chuột cắn, nguồn điện bị chập...
Hiện nay, đa số các dòng máy đều có sẵn cảm biến (CB) chống giật. Nếu nguồn điện không ổn định thì CB tự động ngắt, khi bật nguồn, nước sẽ không nóng nữa. Nếu bo mạch trong máy rò rỉ điện mà CB chống giật không ngắt thì nguồn điện sẽ truyền vào nước ra vòi hoa sen rất nguy hiểm.
Đặc biệt, loại máy này hay gặp các sự cố như bị mất nguồn, nước qua máy không nóng, hệ thống chống giật không hiển thị. Khi gặp những sự cố này, hộ gia đình nên báo ngay cho đơn vị bảo hành tới kiểm tra, sửa chữa.
Nếu khu vực có nguồn nước nhiều phèn, dùng máy nước nóng gián tiếp nên bảo trì, vệ sinh 3 - 6 tháng/lần là tốt nhất, bởi phèn, cát dễ đóng cặn trong bình. Máy nước nóng trực tiếp có thể 1 năm mới cần bảo trì, kiểm tra máy, chủ yếu là vệ sinh lưới lọc nước.
Theo GS.TS Lê Chí Hiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa TPHCM, máy nước nóng các loại đều sử dụng điện trở làm nóng nước. Nguyên lý hoạt động của máy thì đơn giản, nhưng vấn đề ở đây là an toàn điện. Nhà sản xuất phải đảm bảo sản phẩm đạt độ an toàn, chất lượng, không tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Đơn vị lắp đặt máy cho người tiêu dùng phải đúng kỹ thuật, có CB chống giật và dây nối đất.
"Khâu lắp đặt phải nghĩ tới nguyên nhân dòng điện âm tường. Tôi đã từng chứng kiến thợ điện đi dây âm tường khi xây dựng nhà mà nổi gai gà. Khi đấu nối các thiết bị điện vào đường dây này dễ xảy tai nạn do rò rỉ điện", GS.TS Lê Chí Hiệp cho hay.
Cũng cần nói tới sự chủ quan của người tiêu dùng, khi gắn máy chỉ cần thấy nước nóng, điện vào là ổn, nhưng sự cố thường không đến ngay mà xuất hiện trong quá trình sử dụng. Do đó, chủ nhà cũng cần quan tâm tới thời gian bảo dưỡng, bảo trì máy. Một trong những giải pháp giảm nguy cơ tai nạn chết người do điện giật là các hộ dân nên sử dụng máy nước nóng mặt trời vì vừa an toàn, lại tiết kiệm chi phí.