Quan hệ éo le ngang trái
Trần Quốc Tuấn là con trai của Yên Sinh Vương Trần Liễu (anh trai của Trần Thái Tông). Tuy thế, tuổi thơ của Quốc Tuấn phải trải qua một biến cố dữ dội. Năm 1237, Trần Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thanh ở với nhau 12 năm mà không có con. Lo sợ vua không có con nối ngôi, Trần Thủ Độ mới bắt ép Trần Thái Tông lấy vợ của Trần Liễu lúc này đang có mang ba tháng. Phẫn uất, Trần Liễu họp quân nổi loạn. Vua Thái Tông cũng chán nản bỏ lên núi Yên Tử định đi tu.
Trần Hưng Đạo có tình cảm đặc biệt với công chúa Thiên Thành là em gái út của vua Trần Thái Tông.
Trần Hưng Đạo. Ảnh: Lao Động. |
Tuy nhiên quân của Trần Liễu không chống được bao lâu, ông phải đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá đến thuyền vua Thái Tông xin hàng. Thái Tông cho ông đất Yên Sinh, Yên Phụ… ở Đông Triều làm thái ấp và phong cho làm Yên Sinh Vương. Bất mãn với triều đình, Trần Liễu kén thày giỏi ở khắp nơi để dạy dỗ Quốc Tuấn đủ võ nghệ, binh pháp… cho thành bậc kỳ tài.
Tuy nhiên, Quốc Tuấn không ở Yên Sinh với cha lâu mà về Thăng Long làm con nuôi của công chúa Thụy Bà (là chị gái của vua Thái Tông và em gái Trần Liễu).
Tại Thăng Long, Quốc Tuấn lớn lên cùng với các con em hoàng tộc cùng trang lứa. Trong số đó có cả công chúa Thiên Thành là em gái út của vua Trần Thái Tông. Tình cảm giữa hai người cứ theo năm tháng lớn dần lên rồi thành tình yêu lúc nào không hay. Khi Thiên Thành đến tuổi cập kê, Nhân Đạo Vương muốn xin vua gả cho con trai mình là Trung Thành Vương. Hôn sự đã được nhà vua chuẩn y chỉ chờ ngày làm lễ. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: ngày 15 tháng Hai năm 1251, nhà vua lại ra lệnh mở hội kéo dài 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương.
Trước đó, vua đã cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương để chờ đến ngày làm lễ hợp cẩn.
Trong khi cả kinh thành đang vui vẻ náo nức trong không khí hội hè thì có hai người buồn bực, ủ rũ là công chúa Thiên Thành và Trần Quốc Tuấn. Vốn không yêu Trung Thành Vương lại đã đặt hết tình yêu nơi Trần Quốc Tuấn nhưng không thể chống được sự sắp đặt của bề trên, huống hồ lại là ý vua, công chúa buồn giận, bứt dứt không yên trong lòng.
Trần Quốc Tuấn cũng chẳng vui vẻ gì. Biết người yêu sắp phải đi lấy kẻ khác, tâm trạng ông thật rối bời, lòng nóng như lửa đốt. Từ sự bắt buộc của hoàn cảnh, cộng với sự liều lĩnh bồng bột của tuổi trẻ đã dẫn Trần Quốc Tuấn vào một hành động có thể nói là ngông cuồng thách thức lệnh vua.
Vua cũng thua sự đã rồi
Không cam tâm khoanh tay đứng nhìn người yêu đi lấy chồng, đang đêm, Quốc Tuấn trèo tường đột nhập vào phủ Nhân Đạo Vương. Vượt qua các toán quân canh gác, Quốc Tuấn đã tìm thấy phòng của công chúa Thiên Thành. Đang đau khổ vì sắp phải rời xa mối tình đầu để đi lấy một người mình không yêu, bất ngờ tình lang xuất hiện trước mặt, làm công chúa Thiên Thành bất ngờ và vui mừng rạng rỡ. Bên ngoài cả phủ Nhân Đạo Vương vẫn vui vẻ không hay biết về sự có mặt của kẻ “cướp dâu”.
Trần Hưng Đạo. |
Trần Quốc Tuấn không chỉ là dũng tướng trên mặt trận mà còn là một tướng tiên phong đấu tranh cho tự do hôn nhân.
Nhưng sự “liều lĩnh” này của Trần Quốc Tuấn sẽ trở thành một thảm án nếu như không có bàn tay của công chúa Thụy Bà ở ngoài giúp sức. Ở câu chuyện sự giúp đỡ của Thụy Bà, có thuyết nói rằng sau khi lọt vào phòng công chúa Thiên Thành, Quốc Tuấn sai nữ tì của công chúa về báo cho Thụy Bà.
Một thuyết khác nói rằng, một đêm Thụy Bà không thấy Quốc Tuấn về thì đoán ngay ra chàng ở đâu. Vốn thương yêu Quốc Tuấn như con đẻ lại nuôi chàng từ khi còn nhỏ nên bà từ lâu đã hiểu rõ tâm sự và mối tình của chàng với Thiên Thành. Nay cả kinh thành đang vui hội để chuẩn bị cho Thiên Thành đi lấy chồng mà chàng lại bỏ đi đâu lúc nửa đêm thì chỉ có thể là … Nghĩ đến đó Thụy Bà không khỏi rùng mình sợ hãi.
Mới năm nào anh bà là Trần Liễu khởi binh nổi loạn vì vụ vợ mình là Thuận Thiên bị ép gả cho Trần Thái Tông. Trong triều lúc này thiếu gì người vẫn còn để bụng chuyện cũ. Nếu vụ này không thu xếp ngay cho ổn để Nhân Đạo Vương phát giác ra thì Quốc Tuấn không thoát khỏi họa sát thân.
Bởi vậy, ngay trong đêm, Thụy Bà chạy vào cung tâu với Thái Tông: “Không ngờ Quốc Tuấn càn rỡ đang đêm lẻn vào chỗ của Thiên Thành. Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ giết hắn mất. Xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”.
Vốn cũng khó xử vì nhà vua đã nhận lễ vật của nhà Nhân Đạo Vương rồi nhưng Thụy Bà nài nỉ khẩn khoản mãi nên nhà vua đành sai nội nhân đi ngay trong đêm đến phủ Nhân Đạo Vương. Đến nơi thì bốn bề vẫn yên lặng. Đám nội nhân tiến thẳng vào phòng công chúa Thiên Thành thì thấy Quốc Tuấn đang ở đấy. Bấy giờ phủ Nhân Đạo Vương mới biết có Quốc Tuấn ở trong phủ nhưng đành để nội nhân đưa chàng về.
Hôm sau, Thụy Bà vào cung dâng lên nhà vua 10 mâm vàng sống và nói khó: “Vì quá vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật, xin nhà vua nhận cho”. Trước sự thể đã rồi, Trần Thái Tông đành gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn và xuống chiếu cắt 2.000 khoảnh ruộng ở huyện Ứng Thiên cho Nhân Đạo Vương để “đền bù thiệt hại”.
Ngay trong ngày, hôn lễ của Quốc Tuấn và Thiên Thành cử hành ngay. Sử sách viết về sự kiện này cũng có khi chê rằng đời nhà Trần việc chung chạ đã thành cái nếp từ Thái Tông nên không tránh khỏi. Tuy vậy, ở thời đại chúng ta mà nhìn nhận thì lại thấy hành động của Hưng Đạo Vương là một sự dũng cảm dám đấu tranh cho tình yêu của mình.
Tội của Quốc Tuấn lúc ấy vừa là khi quân phạm thượng vừa là tư thông với người đã được định đoạt hôn sự. Tuy vậy, ngài đã thoát nạn vì có Thụy Bà khéo sắp xếp và cũng bởi Thái Tông xét tình chứ không truy cứu việc chống lệnh vua. Dù sao thì đó cũng là một may mắn cho lịch sử. Nhờ thế mới có Quốc công Hưng Đạo Vương làm nên chiến công hiển hách đánh bại quân Nguyên sau này.