40 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng lịch sử giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước như vẫn còn đang vang vọng đâu đây. Chúng ta kỷ niệm chiến thắng trong tâm trạng vui tươi hồ hởi của đất nước trong từng bước chuyển mình phát triển vươn lên, và cũng là dịp để nhắc nhớ thế hệ trẻ về một chiến thắng lẫy lừng thống nhất và tự do sau nhiều thế kỷ bị đô hộ và chia cắt.
Nhân sự kiện kỷ niệm chiến thắng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cùng điểm qua những vũ khí cá nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam xuất hiện trong lễ diễu binh hoành tráng vào ngày 30/4. Đây phần lớn là những vũ khí do nhà máy Z111 của bộ quốc phòng Việt Nam sản xuất dựa trên giấy phép được mua.
Galil ACE 31/32
Đây là lần đầu tiên có sự xuất hiện của súng trường Galil ACE, khẩu súng dự định sẽ thay thế vai trò của AK47, và AKM trong trang bị chính thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Súng trường Galil ACE 31. Ảnh: Zing.vn |
Galil là một dòng súng trường công kích của Israel do Yisrael Galili and Yaacov Lior thiết kế vào cuối thập niên 1960 và được công ty Israel Military Industries Ltd (nay là Israel Weapon Industries Ltd) chế tạo từ đầu thập niên 1970. Galil được thiết kế dựa trên RK 62 của Phần Lan, mà RK 62 lại được dựa trên thiết kế của AK-47. Galil đã vượt qua M16A1, Stoner 63 và HK33 để giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế súng của Lực lượng Phòng vệ Israel. Từ năm 1972, Galil được chính thức chấp nhận trang bị cho lực lượng này và thay thế cho FN FAL.
Galil ACE là series mới nhất trong gia đình súng trường Galli, là phiên bản hiện đại hóa với trọng lượng nhẹ hơn, có các thanh ray để gắn các thiết bị hiện đại đi kèm. Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất súng trường tấn công Galil ACE 31 và ACE 32 theo giấy phép của công ty IWI (Israel Weapon Industries) trị giá 170 triệu USD. Để trong tương lai, thay thế cho loại súng trường AK-47 đã được quân đội sử dụng từ năm 1965, và AKM được quân đội tiêu chuẩn hóa từ năm 2008.
Với ưu thế dễ sử dụng, bảo quản, và vừa giữ được hỏa lực tin cậy như dòng súng AK, lại có độ giật ít hơn, độ chụm đạn tốt hơn, có thể gắn thêm các phụ kiện hiện đại vào các thanh ray được tích hợp ngay trên lưng súng. Chính vì thế, súng trường Galil ACE 31/32 đã được Quân đội Việt Nam chọn để làm súng trường tiêu chuẩn cho quân đội trong tương lai.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Israel
Cỡ nòng: 7,62 x 39 mm
Khối lượng: 3,05 kg
Chiều dài: 650 mm
Tốc độ bắn: 650 viên /phút
Băng đạn: 30 viên
Tầm hiệu quả: 300 - 500m
Súng trường M1 Carbine
Súng trường M1 Carbine (hay còn được gọi ngắn gọn là Cạc bin ở Việt Nam) là một trong những khẩu súng trường bán tự động nhỏ, gọn, nhẹ và dễ sử dụng nhất thế giới.
M1đã trở thành một trong những khẩu súng thông dụng nhất của quân đội Mỹ trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2, Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng đến năm 1965, M1 Carbine và M1 Garand đã dần được thay thế bằng súng trường M16 và AR-15.
Đội hình nữ dân quân tự vệ với M1 Carbine. Ảnh: Zing.vn |
Trong chiến tranh Đông Dương, lính dù và lính bộ binh Pháp cũng đã dùng khẩu M1 Carbine cùng với biến thể M1A1.
Sau khi đánh thắng Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tịch thu và sử dụng lại để tiếp tục chiến đấu với quân đội Mỹ-VNCH trong Chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, M1 Carbine chủ yếu trang bị cho các đơn vị dân quân tự vệ.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Mỹ
Năm thiết kế: 1938
Cỡ nòng: 7,62x25 mm TT
Khối lượng: 3 kg đầy đạn, 2,5 kg chưa đạn
Chiều dài (Báng gấp/mở): 615/831 mm
Tốc độ bắn: 120 viên/phút
Băng đạn: 15 viên, 30 viên
Tầm hiệu quả: 300m
Súng trường CKC
CKC (tên viết đầy đủ là Самозарядный карабин системы Симонова trong tiếng Nga, nghĩa là súng trường nạp đạn tự động cơ cấu Simonov) là loại súng trường bắn đạn cỡ 7,62x39 mm (chung cỡ đạn với súng AK-47 và RPD).
CKC được Sergei Gavrilovich Simonov (1894-1986) thiết kế và được thử nghiệm trên chiến trường trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2, sau này được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam.
Nữ dân quân với CKC. Ảnh: Zing.vn |
Dù đã có tuổi đời rất cao, CKC vẫn được sử dụng trong quân đội nhiều nước. Tại Việt Nam, súng bắt đầu được viện trợ từ năm 1960 và hiện nay vẫn được trang bị cho dân quân tự vệ.
Đây là loại súng lên đạn tự động sử dụng nguyên tắc trích khí từ phát bắn trước nên được gọi là súng trường bán tự động (gần giống với súng M1 Garand của Mỹ). Khi xạ thủ bắn phát đầu tiên, viên đạn đi qua nòng súng kèm khí đẩy của thuốc phóng, sẽ có một bộ phận trích khí sử dụng khí thuốc đẩy lùi bệ khóa nòng giúp đưa viên đạn thứ 2 lên nòng. Và chỉ cần nháy cò để thực hiện phát bắn tiếp theo, thay vì phải kéo bệ khóa nòng như các súng trường bắn phát một.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Liên Xô
Năm thiết kế: 1938
Cỡ nòng: 7,62x39 mm
Khối lượng: 3 kg đầy đạn, 2,5 kg chưa đạn
Chiều dài: 615/831 mm
Tốc độ bắn: 40 viên /phút
Băng đạn: 10 viên
Tầm hiệu quả: 100-1000 m
Súng trường M18
M18 chính là biến thể của khẩu XM177E2 do Mỹ thiết kế cho lực lượng biệt kích. Sau năm 1975, bộ đội ta có thu được số lượng lớn rồi nghiên cứu sản xuất có cải tiến một số chi tiết nhỏ.
Khẩu Colt 629 Comando thuộc họ CAR 15 được thiết kế riêng với những cải tiến như rút ngắn độ dài, có thêm loa che lửa và nhẹ hơn so với M16 để phù hợp với lực lượng đặc nhiệm và biệt kích.
Đội hình chiến sĩ đặc công với khẩu M18. Ảnh: Zing.vn |
Sau khi thử nghiệm thành công, súng được đặt tên mới là XM177E2 và được đưa vào chiến trường Việt Nam năm 1966. Cùng với các chiến lợi phẩm chiến tranh khác, khẩu súng XM177E2 đã được ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cải tiến và tái trang bị cho lực lượng đặc công và cảnh sát biển.
Với những ưu thế như nhẹ, bắn nhanh và chính xác, điều đó sẽ là lợi thế cho các chiến sĩ trong tình huống tác chiến trong không gian chật hẹp, và đòi hỏi tính linh hoạt cao của người lính. Nhận thấy những ưu điểm này, Bộ quốc phòng Việt Nam đã cải tiến và sản xuất ra mẫu súng dựa trên XM177E2 tại nhà máy Z111 và đặt tên là M18.
Thông số kỹ thuật
Quốc gia: Mỹ
Năm trang bị: 1966
Cỡ nòng: 5,56 x45 mm
Khối lượng: 2,5 kg chưa lắp thêm phụ kiện
Chiều dài: 615/831 mm
Tốc độ bắn: 750 viên /phút
Băng đạn: 20 viên, 30 viên
Tầm hiệu quả: 300 m