Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti tại Hà Nội, tháng 4/2004. |
Theo báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cầm quân đánh bại Pháp và Mỹ, điển hình qua chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng ngày 30/4/1975. Một chiến lược gia mà đến ngay cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể.
"Ngọn núi lửa dưới lớp băng"
Nhật báo L’Humanité dành hẳn 4 trang phụ san để nhắc lại những hồi tưởng của Alain Ruscio - sử gia kiêm cựu thông tín viên L’Humanité trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam trong bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò ưu tú của Bác Hồ”. Tờ báo còn đăng lại bài phỏng vấn của đặc phái viên Dominique Bari - thực hiện vào ngày 05/4/2004, 50 năm sau trận chiến Điện Biên Phủ, qua hàng tựa “Tôi là một đại tướng cho hòa bình, chứ không phải cho chiến tranh”.
Những cuộc tiếp xúc với các ký giả phương Tây đã để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm cho thấy ông không phải là một chiến thuật gia khô khan như ta tưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lãng mạn như bao con người khác, cũng thích thơ phú, văn chương. Ông thích các tác giả Mỹ và nhất là các nhà văn Pháp như La Fontaine, Anatole France, Voltaire, Romain Rolland, theo như nhận xét của tác giả Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trú của L’Humanité tại Việt Nam.
Tác giả nhớ lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người nhã nhặn, hay cười, quan tâm đến người khác, rất mô phạm nhưng cũng rất nhiệt tình.
Trong con mắt của người Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết”, theo như hàng tựa nhận định của báo Le Monde. Tờ báo cho đăng lại bài viết này do tác giả Jean Lacouture thực hiện cho báo Le Monde ấn bản ngày 5/12/1952.
Võ Nguyên Giáp, trận chiến cuối cùng
Còn đối với tác giả Jean-Claude Pomonti, trong bài nhận định sâu sắc “Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Việt Nam, người dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Sài Gòn năm 1975”, những chiến công lẫy lừng đó đã làm nổi bật các phẩm chất ngoại hạng của một nhà cầm quân đó là: uy tín lãnh đạo và tài điều động hậu cần-chiến lược. Những thành công không thể nào chối cãi được này, đưa tướng Giáp vào hàng ngũ những nhà chiến lược lớn của Việt Nam, những người đã chặn đứng thành công các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Về phẩm chất đầu tiên, tác giả thuật lại, khi còn đi dạy tại trường Trung học Thăng Long, các học trò đã đặt cho ông biệt danh là “Đại tướng” và thường hay gọi ông là Napoléon. Bởi một lẽ rất đơn giản là vì, ngoài sự ngưỡng mộ mà ông dành cho các bậc tiền nhân trong lịch sử, ông còn nghiên cứu rất kỹ về các chiến dịch của Napoléon.
Các bậc tiền nhân nuôi dạy ông nghệ thuật sử dụng địa bàn, dựa vào địa thế núi non, cách đảm bảo hậu phương, và cách dụ dỗ đối thủ vào bẫy. Nhưng với Napoléon, điều mà ông tâm đắc nhất chính là “hiệu quả bất ngờ”: Yếu tố quyết định dẫn đến thắng lợi Điện Biên Phủ 1954 và Sài Gòn năm 1975.
Nói về tài hậu cần, tác giả nhớ lại có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến một câu nói nổi tiếng của Napoléon: “Chỗ nào có con dê đi qua được, ở đó con người cũng có thể đi được. Chỗ nào một người đi được, ở đó một tiểu đoàn cũng có thể đi được”. Và trận chiến Điện Biên Phủ là một minh chứng điển hình cho tài điều binh khiển tướng, huy động nhân tài-vật lực của ông.
Thế nhưng, nổi tiếng nhất là “đường mòn Hồ Chí Minh” phục vụ cho vận chuyển quân, khí tài và lương thực dẫn đến chiến thắng lịch sử 1975. Con đường huyết mạch này khiến cho Mỹ phải mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc và nhân lực nhưng vẫn không tài nào xóa sổ được.