Ảnh minh họa. |
Theo ông Lý Quang Diệu, trừ phi xảy ra gián đoạn lớn, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giúp Trung Quốc đuổi kịp và vượt qua Mỹ trong năm 2020. Trong giai đoạn 1978-2011, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình 10% của Trung Quốc là kết quả của chính sách cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Trong giai đoạn này, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của kinh tế Mỹ chỉ từ 2 - 3%.
Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu và bất ổn tại thị trường Mỹ vài năm qua, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế trị giá 8,22 nghìn tỷ USD của Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau nền kinh tế 15,68 nghìn tỷ USD của Mỹ. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách kinh tế với các nước phát triển hàng đầu thế giới.
Năm 2012, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 9.233 USD, so với Mỹ là 49.965 USD. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc dự kiến đạt 10.000 USD, tương ứng 1/5 mức dự kiến của Mỹ. Dân số Trung Quốc năm 2012 là 1,4 tỷ người, Mỹ là 316,5 triệu người. Đến năm 2020, dân số Trung Quốc vẫn duy trì mức lớn gấp 4 lần so với Mỹ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ở mức cao hơn.
Cũng như hệ thống đường cao tốc liên bang Mỹ đã làm thay đổi cách thức con người và hàng hóa di chuyển khắp nước Mỹ, hệ thống đường cao tốc quốc gia ở Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Độ dài các tuyến đường cao tốc của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng, từ 271 km vào năm 1990 lên 85.000 km vào năm 2011, khiến nước này hiện sở hữu hệ thống đường cao tốc quốc gia không thu phí dài nhất thế giới. Khởi đầu từ năm 1956 và được coi là hoàn tất vào năm 1991, hệ thống đường cao tốc liên bang ở Mỹ hiện có chiều dài tổng cộng là 75.932 km và không có nhiều khả năng sẽ được kéo dài đáng kể nữa.
Ngược lại, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục kéo dài các tuyến đường cao tốc của mình với ý định kết nối tất cả thủ phủ các tỉnh và những thành phố có dân số từ 200.000 người trở lên. Những con đường cao tốc mới này cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện nay sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với Mỹ. Và khi Trung Quốc vượt qua Mỹ, câu hỏi đặt ra là liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ hợp tác hay cạnh tranh.
Theo ông Lý Quang Diệu, trong vòng 30 năm tới, Trung Quốc sẽ không mong muốn xung đột với Mỹ. Họ biết mình sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn, song cũng nhận thức được khoảng cách xa về mặt công nghệ kỹ thuật giữa hai bên. Trung Quốc cần tiếp tục tiếp cận với các trường học tại Mỹ để sinh viên của mình có thể học cách tự đổi mới.
Vậy điều gì khiến người Mỹ rất năng động và sáng tạo? Ông Lý Quang Diệu cho rằng rốt cuộc người Trung Quốc sẽ đi đến kết luận rằng câu trả lời nằm ở bản chất khác biệt giữa hai xã hội. Đổi mới và sáng tạo là một phần của văn hóa Mỹ, một đặc trưng của xã hội nhập cư.
Trong khi đó, Trung Quốc sở hữu một nền văn hóa bảo thủ. Đây là một xã hội 4.000 đến 5.000 năm tuổi, với hệ thống chữ viết ngày nay cũng tương đồng như cách đây 4.000 năm. Hệ thống chữ viết đó đang bó buộc người dân nước này với lịch sử của họ. Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt trên, điều không thể tránh khỏi là cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương sẽ ngả về phía Trung Quốc.