Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ ba từ trái sang) trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ngày 11/5, Hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết của Ban Bí thư, xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) diễn ra tại Bình Dương. Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý.
Đây là sự kiện quan trọng dành cho các đại biểu khu vực phía Nam, tiếp sau thành công của hội nghị dành cho đại biểu phía Bắc tổ chức tại Thanh Hóa vào ngày 6/4.
Theo ban tổ chức hội nghị, tính tới năm 2022, Việt Nam có 815 cơ quan báo chí, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó 19.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã quán triệt, triển khai quy định 100, 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản và thông tin một số nội dung cơ bản trong đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã quán triệt, triển khai quy định 100, 101 của Ban Bí thư tại hội nghị. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ông Lâm nhấn mạnh việc ban hành 2 quy định này đã tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Những quy định trên là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức.
Theo ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) - sự kiện chính trị nghề nghiệp quan trọng đối với báo giới cả nước - cũng được trình bày.
Đại biểu đã cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp để triển khai thực hiện tốt quy định, hoàn thiện dự thảo, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, đáp ứng thật tốt mục đích, yêu cầu đề ra.
Các đại biểu thảo luận ở hội nghị. Ảnh: Thuận Thắng. |
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ đạo phải xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai các quy định 100, 101 của Ban Bí thư trong thực tế với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo.
Cũng theo ông Nghĩa, rất nhiều giải thưởng về báo chí về xây dựng đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực được tổ chức để khuyến khích báo chí phát triển. Báo chí có quyền phản biện, phản ánh xã hội nhưng phải đưa tin chính xác, khách quan và hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.
Các nhà báo, tòa soạn báo không lợi dụng phản biện xã hội vì lợi ích nhóm hoặc bị mua chuộc, lôi kéo bởi các nhóm lợi ích.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thuận Thắng. |
Trên cơ sở trao đội ở hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Song song đó, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; thông tin, báo cáo kết quả ở các cấp theo từng quý, từng năm; biểu dương, khen thưởng các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời.
"Báo chí có quyền phản biện, phản ánh xã hội nhưng phải đưa tin chính xác, khách quan và hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.