PGS.TS Trần Xuân Cầu, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ như vậy.
Nhiều ý tưởng hay không áp dụng được
TP.HCM vừa kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cải tiến chế độ tiền lương theo hướng có xem xét đến đặc thù của từng địa phương nhằm hạn chế nạn chảy máu chất xám ra khỏi khu vực nhà nước. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Tôi ủng hộ đề xuất này nhằm khuyến khích cán bộ công chức vì chế độ tiền lương của chúng ta đã lâu quá rồi, không còn phù hợp nữa.
Mấu chốt để thực hiện được hay không là gì?
Trong cuộc sống biết bao nhiêu ý tưởng hay, nhưng lại không áp dụng được vào thực tế cũng đều do con người hay chính xác hơn là do người tổ chức thực hiện.
Theo ông vì sao ý tưởng hay nhưng không áp dụng được vào thực tế?
Tất nhiên không phải là tất cả. Tôi ví dụ vừa rồi Hà Nội tuyên bố thu hút nhân tài bằng cách sẽ trả phụ cấp thu hút một lần gấp 20 lần mức lương tối thiểu, cho phép mua nhà, thuê nhà theo chính sách ưu tiên, không phải thi tuyển... Nhưng đến nay đã mấy tháng rồi, dường như nó mới chỉ là chính sách, chưa cụ thể hóa được các chính sách đó bằng các chế tài thực hiện.
PGS.TS Trần Xuân Cầu, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Nhiều đối tượng bám vào ngân sách
Trở lại câu chuyện tiền lương. Rõ ràng đã có nhiều cải cách, nhiều đổi mới, so với mức lương cách đây 10 năm thì lương bây giờ đã tăng rất cao, nhưng mức lương vẫn cứ không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của người dân?
Chính sách tiền lương của ta đang áp dụng được ban hành từ năm 2004, bộc lộ nhiều hạn chế thiếu sót, như tính tập trung cao của chính sách tiền lương trong khi nguồn lực để thực hiện ngân sách nhà nước lại hạn chế nên chưa phát huy được sự sáng tạo, linh hoạt và chủ động của các địa phương, chưa tách được chính sách tiền lương ra khỏi chính sách an sinh xã hội, còn nhiều đối tượng bám vào ngân sách, hưởng lương từ ngân sách, chính sách tiền lương chậm thay đổi, chắp vá, cơ chế giám sát tiền lương chưa tốt...
Ông vừa nói đến có những đối tượng sống bám vào ngân sách là đối tượng nào ạ?
Người ta bảo lương của cán bộ công chức thấp là đúng. Nhưng cao hay thấp là so với cái gì? Đúng là lương còn thấp nếu so với nhu cầu, so với mặt bằng giá cả, lương tối thiểu so với mức sống tối thiểu. Nhưng xét ở góc độ hiệu quả làm việc của những cán bộ công chức mà chỉ đến cơ quan cho có mặt, không chăm lo đến công việc được giao, chỉ lo tăng thu nhập riêng cho mình theo kiểu "chân ngoài dài hơn chân trong"... thì mức lương nhà nước trả cho họ lại quá cao. Những đối tượng đó đang sống nhờ vào ngân sách.
Thế thì liệu có chính sách nào để loại những người ăn bám đó ra khỏi bộ máy, hoặc ít ra buộc họ phải lao động thực sự chứ không thể ăn bám?
Khó đấy. Vấn đề là người xây dựng chính sách phải thường xuyên lắng nghe, đánh giá đúng những bất cập để bổ sung. Nếu chỉ ngồi bàn giấy để đưa ra quy định thì rất dễ bị dư luận phản ứng bởi những điều phi lý, không hợp với thực tế. Còn chuyện loại những người ăn bám đó ra khỏi bộ máy thì lại càng khó.
Vì sao lại khó ạ?
Có lần tôi đến một cơ quan nhà nước, tôi rất ngơ ngác không hiểu sao chỉ thấy có một vài lãnh đạo ở đó, không có bóng nhân viên nào. Hỏi ra mới biết, họ đang đi kiếm thêm ở ngoài. Không biết ai đuổi, đuổi ai đây? Đuổi lãnh đạo do quản lý kém nhân viên hay đuổi nhân viên do không chấp hành kỷ luật lao động?
Lương của nhiều lãnh đạo dư thừa để sống
Rõ ràng những bức xúc về vấn đề tiền lương đến nay chưa có lời giải, lương không đủ sống?
Nói thế cũng chưa chính xác đâu. Chỉ một bộ phận, nhất là những người lao động thì điều này đúng. Còn với những người quản lý, lãnh đạo thì nhiều người dư thừa đáp ứng nhu cầu không phải chỉ tối thiểu. Câu chuyện về các giám đốc công ty công ích ở TP.HCM vừa rồi là một ví dụ.
Nhưng đó lại là số ít, mà số nhiều người dân vẫn ấp ủ một mong ước nhỏ bé là lương đủ để sống mức tối thiểu, không phải chật vật chân trong chân ngoài, tối tăm mặt mũi kiếm sống?
Về lý thuyết, mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng việc xác định nhu cầu tối thiểu sao cho chính xác còn ít được nghiên cứu, khảo sát. Hơn nữa, trong thực tế, rất khó tìm người đang sống chỉ bằng lương tối thiểu của Nhà nước (1.115.000đ/tháng). Thực tế, nhiều công nhân, cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước có mức lương chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Vì thế, họ phải làm việc này việc kia để kiếm sống là tất yếu.
Ở góc độ quản lý nhà nước, hẳn là cũng phải có những chính sách điều chỉnh, đâu thể để mãi như thế?
Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH đang loay hoay giải quyết bài toán này nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải hợp lý nhất. Việc giải quyết bài toán này có nhiều cái khó như ngân sách hạn chế trong khi có nhiều nhu cầu khác, năng suất lao động xã hội thấp khó tạo ra nguồn để tăng lương, giá cả sinh hoạt tăng mạnh dẫn đến việc tăng lương không đủ bù tăng giá, quản lý tiền lương thì bất cập, chưa gắn được mức lương phải trả với năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Thu hút người tài không chỉ bằng lương
Theo ông, ngoài những bất cập nêu trên thì chính sách tiền lương của ta hiện nay đã thu hút được người có thực tài vào các cơ quan nhà nước?
Thực ra, chính sách tiền lương không phải chỉ để thu hút người tài. Có một thực tế đáng báo động là một bộ phận người giỏi đang dần rời xa các cơ quan nhà nước. Có nhiều lý do để họ không chuyên tâm với công việc, như môi trường làm việc, điều kiện phát triển, mối quan hệ trong công việc... Trong khi đó, lại có một bộ phận cố vào cơ quan nhà nước, bám trụ ở đó để "sống gửi" và tìm cách tăng thu nhập riêng cho mình, kể cả tiêu cực.
Một trong những mục tiêu hướng đến của ý tưởng cải tiến chế độ lương theo đặc thù vùng miền là để tránh tình trạng chảy máu chất xám của địa phương, điều này có dễ làm?
Về nguyên tắc, người lao động được quyền tự do di chuyển tìm kiếm việc làm ở những nơi có thu nhập cao. Do đó, địa phương phải chăm lo xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện và khả năng của địa phương mình để thu hút và giữ chân người lao động giỏi. Còn nếu không thì người ta dời bỏ địa phương, đó cũng là quy luật phù hợp.
Thế thì liệu có sợ rằng ở những vùng có mức lương thấp sẽ không có người mặn mà muốn làm việc?
Không có chính sách nào phù hợp với tất cả vùng miền. Vấn đề là có xác định được chính xác đặc thù của từng vùng miền để có chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù từng vùng đó hay không. Một người đến hoặc rời khỏi một cơ quan, một địa phương thường không phải chỉ vì tiền lương cao hay thấp. Bên cạnh mức lương phù hợp, cần có các chính sách khác để giữ chân người lao động. Tất nhiên, vẫn cần xây dựng một mức tối thiểu cho vùng miền đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo UBND TP.HCM, chế độ chính sách tiền lương hiện nay quy định thống nhất cho cả nước mà chưa xem xét đến đặc thù của địa phương nên chưa đảm bảo chi phí cuộc sống cho công chức, viên chức địa phương. Vẫn còn tình trạng công chức, viên chức được đào tạo sẵn sàng chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển sang làm việc cho tư nhân hoặc nước ngoài. Trong 5 năm thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố thì có 63 trường hợp sau khi được đào tạo bằng ngân sách đã từ chối công việc được bố trí và đồng ý bồi hoàn chi phí đào tạo.