Ăn gỏi ốc sên
Cuốn sổ ghi chép của PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội chi chít các thông tin như tên, biểu hiện bệnh và kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân đến khám ký sinh trùng cũng như chuyển từ các bệnh viện khác đến trong tình trạng hôn mê, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nặng nhất là ca bệnh của hai chị em: Nguyễn Thị Khuê (55 tuổi) và Nguyễn Thị Hợi (50 tuổi) ở Chương Mỹ, Hà Nội. Hai người nhập Bệnh viện Bạch Mai cùng một lúc trong tình trạng hôn mê sâu, co giật, nằm liệt giường...
Người nhà bệnh nhân cho biết, hai chị em bị bệnh khớp nên được người quen mách nước dùng ốc sên chữa bệnh. Cách thức chế biến là: Ốc sên sống băm nhỏ, trộn gia vị và gói với rau ăn dạng gỏi sống. Sau một thời gian cả hai chị em đều có biểu hiện bệnh giống nhau như trên.
Người nhà bệnh nhân cho biết, hai chị em bị bệnh khớp nên được người quen mách nước dùng ốc sên chữa bệnh. Cách thức chế biến là: Ốc sên sống băm nhỏ, trộn gia vị và gói với rau ăn dạng gỏi sống. Sau một thời gian cả hai chị em đều có biểu hiện bệnh giống nhau như trên.
"Kết quả xét nghiệm máu của Bộ môn Ký sinh trùng cho thấy, cả hai chị em không chỉ bị nhiễm giun lươn não (tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis) mà còn nhiễm cả giun đũa chó (Toxocara canis). Sau khi bị nhiễm bệnh, giun chui lên não gây nên các biểu hiện trên. Hiện nay cả hai dù đã được uống thuốc tẩy giun theo đúng phác đồ và tiến triển khỏi bệnh nhưng 1 trong 2 người vẫn còn vẫn còn tê tay và đi lại khó khăn, một phần do di chứng não", PGS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết.
Ngoài ra, sổ khám bệnh của PGS.TS Nguyễn Văn Đề còn cho thấy, tình trạng trẻ nhiễm giun lươn ngày càng cao. Trung bình mỗi tháng, phòng khám của ông xét nghiệm và phát hiện ra khoảng 3 - 4 cháu bé nhiễm giun lươn não. Tất cả đều có chung tình trạng bệnh như viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Trong đó có trẻ mới chỉ 2 - 3 tháng, nhiều nhất tập trung ở trẻ từ 2 - 6 tuổi. Tuy vậy, bệnh cũng gặp ở cả người lớn do ăn phải ấu trùng giun lươn não trong rau. Đó là các ca điều trị ở các khoa thuộc bệnh viện khác một thời gian lâu nhưng không khỏi hay không tìm được nguyên nhân mới chuyển sang bộ môn ký sinh trùng.
Nhiễm từ khâu ăn đến chơi
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, người lớn thường nhiễm giun lươn não do ăn uống, đặc biệt do ăn ốc sên - vật trung gian của loài giun lươn này. Giun có nguồn gốc từ trong phổi chuột, đẻ trứng và nở ấu trùng trong phổi và khí quản rồi theo phân ra môi trường. Ốc sên là loài có đặc tính "bò lê la" khắp nơi nên vô hình trung chúng phát tán nhiều ấu trùng ra môi trường. Khi người ăn ốc sên chưa nấu chín cũng nhiễm luôn ấu trùng giun lươn não. Sau khi vào cơ thể người, ấu trùng giun lươn não di chuyển vào não và phát triển thành giun trưởng thành.
Đối với trẻ em hay bị nhiễm giun lươn não do vệ sinh cơ thể kém. Các gia đình thường để trẻ bò trên sàn nhà, sân vườn hay chơi đất cát, nhất là ở chậu hoa, cây cảnh, nơi có nhiều ốc sên. Sau khi chơi bẩn vệ sinh không rửa tay chân sạch nên nhiễm ấu trùng giun. "Bệnh nhi bị nhiễm giun lươn não tập trung nhiều ở độ tuổi từ 2 - 3 là độ tuổi biết bò. Tay các cháu bẩn sau đó cho vào miệng mút nên dẫn luôn ấu trùng giun vào cơ thể. Thậm chí, có những gia đình mấy chị em cùng bị một lần với các loài giun khác nhau", PGS.TS Nguyễn Văn Đề cho hay.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề xét nghiệm bệnh phẩm dưới kính hiển vi. |
Biểu hiện của nhiễm giun lươn hay bị nhầm lẫn với viêm màng não do nguyên nhân khác, thậm chí còn bị cho là bị thần kinh với những biểu hiện như đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, sốt, có trường hợp mê man bất tỉnh hoặc liệt người không đi lại được.
Theo các chuyên gia ký sinh trùng, hiện nay, việc kiểm tra cơ thể nhiễm giun sán không khó. Như giun đũa, giun tóc, giun móc... cần kiểm tra phân do chúng đẻ trứng trong đó. Còn các loài giun lươn, giun đũa chó thì kiểm tra bằng cách sử dụng test huyết thanh học. Tùy từng loài giun sán mà chúng ta chọn lựa phác đồ điều trị đặc hiệu thích hợp.
Muốn phòng bệnh giun lươn não cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với đất, rau, cây cảnh, không ăn ốc sên sống dưới mọi hình thức.
Mọi người nên định kỳ 6 tháng một lần giải quyết giun đường ruột và đi kiểm tra ký sinh trùng để hạn chế tối đa các di chứng do giun sán gây nên, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề |
TIN LIÊN QUAN