Những câu chuyện thật mà ngỡ như đùa trong công tác bổ nhiệm cán bộ đang khiến dư luận không chỉ ngạc nhiên mà còn vô cùng bức xúc khi hàng loạt “chân dài” được đề bạt, ưu ái bổ nhiệm, đặt vào nhầm ghế, nhầm vị trí.
Câu chuyện hi hữu trong bổ nhiệm cán bộ đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây chính là việc –Trần Thị Ngọc Thảo một nữ nhân viên chỉ học xong cấp hai nhưng mượn bằng cấp 3 của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và hiện nay đã học đến thạc sĩ; đồng thời kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực để từ một nhân viên xí nghiệp được tuyển dụng làm nhân viên nhà khách Tỉnh uỷ Đắk Lắk rồi làm kế toán, phụ trách kế toán, kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk và thời gian gần đây thăng tiến từ nhân viên kế toán,lên phó phòng và Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đồng thời được kết nạp Đảng vào năm 2013.
Dù biết rằng, việc bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng cấp để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến là hành vi khai man, không trung thực trong kê khai lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ. Tuy nhiên, nếu bà Thảo (Ái Sa) có tội một thì những người giới thiệu bà Ái Sa vào Đảng, cân nhắc, đề bạt bổ nhiệm có tội gấp nhiều lần.
Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, 3 tên gọi Trần Thị Ngọc Thêm, Trần Thị Ngọc Thảo hay Trần Thị Ngọc Ái Sa… đều là một. |
Đồng thời, cho thấy, công tác phát triển Đảng viên vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng trong việc nhận xét, thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng, cũng như trong sinh hoạt đảng.
Trong khi đó, trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ở đây rõ ràng cũng có vấn đề. Không ai có thể ngờ, các quy chế, quy định bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo được coi là chặt chẽ nghiêm ngặt mà một cán bộ, công chức muốn được đề bạt, bổ nhiệm, ngoài việc đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước còn phải có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng. Thế nhưng, bà Ái Sa (Trần Thị Ngọc Thảo) đã dễ dàng qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng dù chưa leo cao nhưng đã “chui sâu” khi giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan trọng yếu như Văn phòng Tỉnh ủy.
Dù mới đây, trách nhiệm được cho là thuộc về người giới thiệu, người thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch Đảng, Chi bộ Phòng Quản trị, Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk. Về mặt chính quyền, trong việc đề đạt, bổ nhiệm, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Phòng Quản trị, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ có liên quan. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi về việc công tác bổ nhiệm cán bộ ở Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk thực sự có vấn đề hay bà Ái Sa có người nào đó chống lưng, thậm chí “nâng đỡ không trong sáng" nên mới liên tiếp lọt qua mọi quy định nghiêm ngặt của Đảng , chính quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ?
Câu chuyện thứ 2 cũng hoang đường không kém thể hiện lỗ hổng trong công tác tổ chức cán bộ đang khiến dư luận xôn xao xảy ra tại Trung tâm y tế huyện Đắk R’lấp ( Đắk Nông) khi giám đốc Trung tâm này liên tiếp bổ nhiệm 2 nữ nhân viên hợp đồng phụ trách các phòng, khoa tại Trung tâm. Đó là nữ điều dưỡng 9X Trương Huyền Trang chỉ là nhân viên hợp đồng nhưng lại được Giám đốc Trung tâm Phạm Khánh Tùng cho phụ trách hàng loạt phòng, khoa từ phụ trách thủ kho, đến phụ trách phòng Kế hoạch Tổng hợp và Vật tư Thiết bị y tế, phụ trách phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ - Điều dưỡng rồi. Đặc biệt, trường hợp nữ nhân viên hợp đồng Đỗ Thị Thanh Dung được cho là bổ nhiệm “ thần tốc” khi bà Dung mới về TTYT huyện Đắk R’lấp công tác được khoảng 4 tháng nhưng đã được giám đốc “ưu ái” bổ nhiệm làm Phó Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn rồi nhảy lên phụ trách Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Việc bổ nhiệm, cất nhắc bà Trang, bà Dung rõ ràng là việc lạ lùng, hiếm có và có vấn đề nghiêm trọng trong công tác cán bộ khi theo quy định, để được xem xét đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo phòng ban tại các Trung tâm Y tế, Bệnh viện nhà nước thì người lao động phải là viên chức. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp có nhiều bác sĩ là viên chức nhưng không được cân nhắc giao phụ trách mà lại được bệnh viện này giao cho hai nữ nhân viên trẻ đẹp còn đang là nhân viên hợp đồng.
Từ những trường hợp bổ nhiệm lạ lùng trên khiến nhiều người liên tưởng đến vụ "hot girl" Quỳnh Anh ở Thanh Hóa khiến dư luận phẫn nộ trong suốt thời gian dài khi chỉ trong vòng 5 năm, từ nhân viên hợp đồng, cô được đề bạt, thăng tiến thần tốc, trở thành trưởng một phòng của Sở Xây dựng. Đáng chú ý, sau khi vào cuộc, các cơ quan tỉnh Thanh Hóa kết luận ông Ngô Văn Tuấn khi đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thời điểm còn làm giám đốc Sở Xây dựng đã bỏ qua hàng loạt quy định về tiêu chuẩn, trình độ để “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm nữ nhân viên Quỳnh Anh làm Phó rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản. Bản thân vị Phó chủ tịch này sau đó bị kỷ luật cho thôi chức vụ.
Qua những vụ việc bổ nhiệm, nâng đỡ bất thường trên, dư luận đặt câu hỏi từ Ái Sa, Huyền Trang, Thanh Dung có "quyền lực" gì mà... thăng tiến dữ vậy? Ai đã giúp họ luồn lách để vượt qua những kẽ hở trong các quy định nghiêm ngặt của Đảng, chính quyền trong công tác cán bộ? Mục đích họ “nâng đỡ” các nhân viên, cán bộ trên là gì cần được làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định như đã từng xử ông Ngô Văn Tuấn “nâng đỡ không trong sáng” Quỳnh Anh.
Mới đây nhất, ngày 23/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó, nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi chạy chức chạy quyền, bố trí người nhà vào cơ quan nhà nước; quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu cơ quan để xảy ra sai phạm và cả xử lý hình sự.
Dư luận yêu cầu cần sớm làm rõ những cán bộ, quan chức nào “nâng đỡ”, thậm chí không loại trừ việc nâng đỡ không trong sáng để bổ nhiệm các trường hợp trên một cách bất chấp các quy định của Đảng và chính quyền, trái với quy định của công tác cán bộ, của Luật công chức, viên chức... Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, chính quyền và pháp luật.
Bên cạnh đó, cần quán triệt tốt hơn Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về “phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” góp phần kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm các Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.C ùng với đó, thực hiện nghiêm Quy định 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số 19 ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định 126: Tất cả cán bộ, đảng viên từ khâu làm hồ sơ kết nạp Đảng đến khâu tuyển dụng, cử đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử đều phải được thẩm tra về tiêu chuẩn chính trị, trong đó có vấn đề bằng cấp. Đặc biệt, triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” quy định rõ về hành vi, đối tượng chạy chức chạy quyền và xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.