Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đến nay, đội ngũ cán bộ các cấp đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín và bảo đảm nguồn cán bộ quy hoạch chuyển tiếp giữa các thế hệ.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh và chất lượng chưa thực sự cao. Ở không ít địa phương, trong nhiều vụ việc cụ thể diễn ra, về năng lực lãnh đạo của cán bộ còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ động trong giải quyết công việc. Thậm chí, có nơi vẫn để tồn tại tình trạng thiếu dân chủ, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Một số trường hợp bổ nhiệm sai sót nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận.
Ông Nguyễn Túc, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9. (Nguồn: Đại Đoàn kết) |
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Túc, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9 cho rằng, công tác cán bộ ở địa phương thời gian qua đã có những lỗ hổng rất lớn.
Sự việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa lấy bằng của chị gái để thăng tiến, vào làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa qua là một ví dụ điển hình. Hay trước đó, năm 2017 là vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một tạp vụ được nâng lên làm trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…
Theo ông Nguyễn Túc, những trường hợp nổi cộm trên cho thấy rõ công tác tổ chức cán bộ của chúng ta thời gian vừa qua bên cạnh những thành tựu đạt được thì cũng có những sai sót, ở tất cả các cấp chứ không riêng cấp nào. Ngay cả ở cấp Trung ương cũng có một số đồng chí từng bị kỷ luật…
"Thật vô lý khi cá nhân dùng bằng cấp của chị gái để thăng tiến mà cơ quan đoàn thể lại không phát hiện. Công tác cán bộ ở Đắk Lắk hết sức thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, tôi cũng thấy công tác kết nạp Đảng là công tác cực kỳ quan trọng, ở thế hệ chúng tôi trước đây phải làm rất công tâm, nghiêm túc nhưng ở trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa chắc đã để xảy ra những sai sót mà có thể lý do là vì quen biết lẫn nhau, hoặc vì lý do khác… ", ông Nguyễn Túc nói.
Cũng theo ông Nguyễn Túc, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên của người cộng sản khi đứng trước cờ Đảng tuyên thệ là phải trung thành tuyệt đối với Đảng, nhà nước, nhân dân…
"Thì rõ ràng, sự việc như bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là không trung thực. Những người có động cơ này mà leo cao thì rất nguy hiểm. Theo quan điểm của tôi, nhân dịp chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, chúng ta nên rà soát lại tất cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chất lượng để những trường hợp như trên không còn tồn tại, đặc biệt là trong cấp ủy. Có như vậy bộ máy của chúng ta mới trong sạch, mới hạn chế và đẩy lùi việc chạy chức chạy quyền đang trở thành hiện tượng đáng lo ngại trong hệ thống chính trị của chúng ta", ông Nguyễn Túc chia sẻ thêm.
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, để tiến tới đại hội các cấp năm 2020 chúng ta phải chọn lựa, phải tìm được những người có đức, có tài để giữ những vị trí xứng đáng, đứng trong đội ngũ cán bộ chiến lược.
"Không phải vì mong muốn của cá nhân mà yêu cầu của sự nghiệp cách mạng là phải tìm ra được người có đức, có tài để đứng trong đội ngũ cán bộ chiến lược của đất nước. Cũng theo chỉ đạo của Quyết định 205, chúng ta sẽ chỉnh đốn Đảng một cách trong sạch hơn và quyết liệt hơn", ông Nguyễn Túc nói.