1. Chợ Bắc Hà
Chợ có không gian văn hoá bản địa riêng biệt và độc đáo, gắn liền với những sản phẩm đặc trưng của vùng miền với mong muốn du khách đến với Bắc Hà dễ dàng tìm hiểu về văn hoá bản địa, giúp du khách tiếp cận gần hơn với văn hoá của vùng đất Cao Nguyên Trắng. Nói là chợ nhưng mọi người đến đây không hẳn là để mua bán hàng hóa mà là nơi du khách giao lưu, thưởng thức những nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Vào tối thứ 7 hàng tuần, những tiết mục văn nghệ truyền thống của các dân tộc như: Mông, Tày, Nùng được bà con trình diễn tại đây là điểm thu hút du khách hơn cả. Kết thúc chợ đêm bao giờ cũng là vòng xòe đoàn kết giao lưu giữa du khách và bà con dân tộc nơi đây, lúc này du khách cùng với bà con các dân tộc Bắc Hà nắm tay nhau xòe quanh đống lửa bập bùng.
Chợ đêm Bắc Hà tối thứ 7 hàng tuần. |
2. Đền Bắc Hà
Bắc Hà là vùng đất in dấu nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngôi đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 để tưởng nhớ công ơn hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc (Hải Dương) đã có công đánh giặc, bình ổn vùng biên giới Tây Bắc. Hội đền Bắc Hà thường được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân và du khách với nhiều hoạt động phong phú như: múa xòe, chọi gà, kéo co, văn nghệ… Năm 2003, đền Bắc Hà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đền Bắc Hà. |
3. Dinh Hoàng A Tưởng
Tới thị trấn Bắc Hà, du khách đừng bỏ qua cơ hội thăm dinh Hoàng A Tưởng – dinh thự của hai cha con thổ ti Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Dinh Hoàng A Tưởng có tổng diện tích gần 4.000m², được xây dựng từ năm 1914 đến năm 1921. Kiến trúc dinh mang phong cách Á – Âu kết hợp với bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Dinh nằm trên một quả đồi rộng, khung cảnh sơn thủy hữu tình. Theo những bậc thang vòng hai bên dinh, qua khoảng sân rộng, du khách sẽ tới gian nhà chính hai tầng có diện tích 420m² dùng làm nơi làm việc, hội họp và sinh hoạt gia đình. Điểm nổi bật của gian nhà chính là những cánh cửa hình vòm và những họa tiết được trang trí công phu trên tường. Ngoài gian chính, dinh còn có hai dãy nhà ngang và nhà phụ để làm nhà kho lính và phu ở.
Lễ hội hoa hồng tại Dinh Hoàng A Tưởng. |
4. Làng nghề thủ công truyền thống Bản Phố
Người Mông Bản Phố không chỉ giỏi nấu rượu ngô với thứ men lá bí truyền Hồng mi, còn có nghề rèn đúc nông cụ, nghề chạm khắc bạc và nghề dệt, thêu thổ cẩm. Người Mông ở Bắc Hà vốn có trang phục sặc sỡ, bởi thế nên chất liệu thổ cẩm làm nên trang phục của thiếu nữ, phụ nữ Mông cũng khá nhiều màu sắc, nhiều hình thù mang sắc thái, đậm bản sắc của người vùng cao. Nếu như thổ cẩm là bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ cần mẫn vốn có của người phụ nữ Mông thì nông cụ được rèn đúc thể hiện tài năng và sức vóc dẻo dai của những người đàn ông Mông.
5. Trải nghiệm ở Cốc Ly
Nói đến Cốc Ly đầu tiên người ta thường nhắc đến chợ phiên Cốc Ly. Tham gia phiên chợ này chủ yếu là người Dao Đen (Dao Tuyển), Nùng, Mông Hoa. Chợ Cốc Ly độc đáo ở chỗ chợ chỉ họp vào thứ ba hàng tuần.
Sau khi tham quan chợ Cốc Ly du khách có thể khám phá rừng nghiến cổ thụ. Trong đó có cây nghiến nghìn năm tuổi đã được công nhận là cây di sản. Đây là cây gỗ nghiến có đường kính lớn nhất trong quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Với phong cảnh đẹp nên thơ, dòng nước sông Chảy trong xanh, mát lành, trải nghiệm dịch vụ du thuyền trên sông Chảy là một điểm nhấn không thể thiếu với du khách khi đến với Bắc Hà nói chung và Cốc Ly nói riêng.
Chợ Cốc Ly. |
Cùng với những cảnh sắc thiên nhiên ban tặng như các dãy núi hùng vĩ, sông suối và hang động, con người hiền hậu mến khách. Bắc Hà còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hoá dân tộc những đặc sản riêng của Miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu giữ chân khách thập phương khi đến du lịch nơi đây.