Hai dấu hiệu Asanzo vi phạm nhãn hiệu, trốn thuế
Thông tin mới nhất liên quan Asanzo, mới đây, tại buổi họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng đầu năm 2019 do Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức chiều 24/10, ông Nguyễn Văn Ba, đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã thông tin về vụ việc liên quan đến Asanzo.
Theo ông Nguyễn Văn Ba, Asanzo có dấu hiệu xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế. Tổng cục Hải quan sẽ có cuộc họp báo riêng về vụ này, để công bố những chứng cứ, tài liệu và số liệu chính xác, đầy đủ hơn.
Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì việc kiểm tra, điều tra và thanh tra Công ty CP Tập đoàn Asanzo, Tổng cục Hải quan tham gia tham mưu. Dự kiến trong đầu tuần tới sẽ họp tất cả các bộ, ngành được Thủ tướng giao nhiệm vụ để đánh giá, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Văn Ba, đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan). Ảnh: Báo Hải quan. |
Tổng cục Hải quan sẽ họp, lấy ý kiến kết quả điều tra, kiểm tra, thanh tra về Asanzo của tất cả các bộ ngành gồm Tài chính, Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Thuế, VCCI…, để có thông tin công bố chính thức.
"Đây là vụ việc phức tạp nên các ngành vẫn đang trong quá trình điều tra", ông Nguyễn Văn Ba cho hay.
Được biết, thời gian công bố kết luận vụ việc liên quan đến Asanzo vào ngày 30/10, theo sự gia hạn tại công văn 2648 ngày 19/9, của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Ban 389 Quốc gia.
Trước đó, đại diện Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã ra quyết định về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Asanzo.
Theo quyết định, Asanzo đã thực hiện hàng loạt vi phạm trong việc khai thuế và khấu trừ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân không đúng quy định của pháp luật. Sau khi vi phạm, Asanzo đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.
Do đó, Asanzo bị phạt hành chính là 26,3 tỷ đồng, bao gồm phạt về hành vi khai sai 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là 14,6 tỷ đồng. Đồng thời, truy thu thuế với số tiền 40,5 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM cho biết do vi phạm của Asanzo có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án, cơ quan thuế sẽ rút lại phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỷ đồng, để bảo đảm một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự).
CEO Tam phản ứng gì khi bị “tuyên” trốn thuế
Liên quan việc Tổng cục Hải quan đã có căn cứ và xác định 2 dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo: xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế, dư luận đặt câu hỏi, với tính cách của CEO Asanzo Phạm Văn Tam luôn “bật nhanh như tia chớp” trước mọi động thái liên quan Asanzo, tuy nhiên đến thời điểm này ông Tam vẫn chưa lên tiếng về thông tin trên?
Thực tế, CEO Tam luôn phản ứng nhanh trước những thông tin bất lợi cho Asanzo. Mới đây ngày 23/10, khi Cục Thuế TP HCM cho rằng Asanzo có dấu hiệu trốn thuế và chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này sang Công an TP HCM và Bộ Công an, CEO Phạm Văn Tam đã trao đổi với báo chí và cho biết, đây chưa phải kết luận cuối cùng và doanh nghiệp này đang khiếu nại một số khoản trong báo cáo của cơ quan thuế.
Trước đó, khi Tổng cục Hải quan đã có thông cáo báo chí về vụ việc Asanzo cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Trong đó, Qua tra cứu trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng cho thấy, có 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty đã ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, 32 công ty đang hoạt động.
Ông Phạm Văn Tam - CEO của Tập đoàn Asanzo. Ảnh: Asanzo |
Về kết quả kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu của Cty CP Asanzo, Tổng cục Hải quan thông báo, từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Cty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171.636.719 đồng; mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lo go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;…Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Ngay sau đó, ông Phạm Văn Tam đã trả lời báo chí và cho rằng, đối với các công ty có mối quan hệ làm ăn cùng Asanzo, việc xác minh cần đánh giá đang hoạt động hay dừng, có nợ thuế hay vi phạm gì không? Việc sử dụng từ “bỏ trốn” là không đúng và có thể gây hiểu nhầm.
“Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định, đó chỉ là những công ty đối tác, họ làm ăn xong nghỉ thì là chuyện của người ta. Đồng ý là việc xác minh không thấy họ hoạt động nữa thì là do nghỉ thôi, quan trọng là kiểm tra xem họ có nợ thuế hay không? Nếu các cty đang hoạt động lại nghỉ mà nợ thuế mới có thể gọi là bỏ trốn, ở đây chỉ là không làm nữa thôi sao lại quy kết như vậy?” ông Tam bức xúc.
Ngoài ra, ông Tam thông tin thêm, việc Tổng cục Hải quan đưa ra kết luận không hướng đến những nội dung chính như DN có vi phạm các quy định sau thông quan, có buôn lậu, trốn thuế hay không? Khiến những nghi vấn liên quan đến thương hiệu Asanzo chưa được sáng tỏ, có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
“Việc của hải quan là kiểm tra hàng hóa sau thông quan, có phải hàng lậu, có trốn thuế hay không? Chúng tôi đã làm việc về vấn đề hàng hóa sau thông quan suốt 2 tháng trời và nhận được kết luận là không có dấu hiệu vi phạm. Kết luận đã gửi cho DN, chúng tôi đã rất mừng và hy vọng hải quan sẽ công bố kết luận đó. Nhưng sau đó, phía Tổng cục Hải quan lại đưa ra những thông tin như vậy trong khi những kết luận chính về Asanzo là không vi phạm lại không công bố” - ông Tam nói.
Thậm chí, ngày 17/9, công ty CP Tập đoàn Asanzo đã tổ chức họp báo tại khách sạn Pan-Pacific (quận Tây Hồ, Hà Nội), với tiêu đề “Được minh oan”, nhằm công bố kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với công ty này.
Tại buổi họp báo, CEO Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, trong 89 ngày khủng hoảng bị cho rằng “hàng Asanzo là hàng Trung Quốc gắn mác Việt”, đến hôm nay, các đoàn thanh tra của Bộ ban ngành đã cơ bản kết thúc công việc và Công ty Asanzo đã nhận được kết luận của các cơ quan chức năng. Ngoài những thiếu sót hành chính, không có kết luận nào cho thấy Công ty Asanzo vi phạm pháp luật trong việc mua bán xuất nhập khẩu, ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hay các quy định pháp luật trong sản xuất và kê khai đóng thuế.
Hay như khi bị Tập đoàn Sharp tố giả mạo bằng chứng, ngay ngày 19/9, Asanzo đã thông tin phản hồi về việc có thể bị Tập đoàn Sharp kiện do giả mạo bằng chứng. Theo đó, trả lời báo chí khi đó, ông Phạm Văn Tam thừa nhận đã có thông tin từ Tập đoàn Sharp về việc tố tập đoàn này giả mạo bằng chứng. Tuy nhiên CEO Asanzo cho rằng, hoàn toàn bất ngờ về bản thông báo.
“Về phía cá nhân, tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận được thông báo này từ phía tập đoàn Sharp. Bản thông báo vừa mới được gửi đến Asanzo vào lúc 15h chiều 19/9. Ngay sau đó, đại diện của Asanzo đã lên đường sang Nhật để làm việc với Tập đoàn Sharp Nhật Bản và làm rõ về thông tin họ đưa ra”, ông Tam cho biết.
Những ví dụ trên cho thấy, CEO Asanzo luôn phản hồi nhanh chóng những thông tin liên quan tập đoàn này. Tuy nhiên, lần này dường như Asanzo vẫn đang “nín thở”. Không lẽ Asanzo vi phạm nhãn hiệu và trốn thuế là thật, bằng chứng lè lè nên ông Phạm Văn Tam không thể chối cãi?