Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Dục (44 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Mỹ) để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lợi dụng việc được phân công làm nhiệm vụ thu, bảo quản và tổng hợp điểm các bài thi của các thí sinh trong đợt thi tuyển viên chức ngành Giáo dục của huyện năm 2017, Phạm Dục đã chỉnh sửa, tẩy xóa điểm của 19 thí sinh để đánh tráo điểm thi gây thiệt hại lợi ích cho các thí sinh và làm mất uy tín của cơ quan tuyển dụng là UBND huyện Cẩm Mỹ.
Cụ thể, quá trình xác minh cho thấy, năm 2017, trong kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục huyện Cẩm Mỹ có nhu cầu tuyển 8 giáo viên. Tuy nhiên với vai trò nhiệm vụ của mình, Phạm Dục đã tẩy xóa điểm của 8 người thi đậu thành rớt để thay vào đó 8 người khác là những người có quan hệ, thân quen…của Dục từ rớt thành đậu.
Trụ sở Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Vietnamnet. |
Đối mặt mức án nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, ông Phạm Dục là người có chức vụ, quyền hạn được phân công làm nhiệm vụ thu, bảo quản, tổng hợp các bài thi trong đợt thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2017. Hành vi tự ý chỉnh sửa, tẩy xóa điểm của thí sinh vì lợi ích cá nhân nào đó đã cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mức án cho tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp ông Dục thực hiện hành vi chỉnh sửa, tẩy xóa điểm của thí sinh nhiều lần thì sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Ngoài ra, nếu ông Dục đang là đảng viên thì sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhất là khai trừ ra khỏi Đảng (khoản 5 Điều 2 Quyết định số 102-QĐ/TW).
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những năm gần đây các trường hợp thi công chức, viên chức xảy ra nhiều khiếu kiện, đơn thư và báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh những nghi ngờ, khuất tất tuy nhiên việc phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm trong các kỳ thi tuyển công chức, viên chức là không dễ dàng bởi các đối tượng đều là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn tinh vi...
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp. |
Trong những vụ việc sửa điểm, nâng điểm thay người trượt thành đỗ, chắc chắn có động cơ vụ lợi cá nhân chứ không ai sửa điểm, nâng điểm, thay kết quả thi mà không vì mục đích, động cơ. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi đưa, nhận hối lộ hay không.
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, hành vi đưa, nhận hối lộ với tài sản tiền bạc vật chất hoặc những lợi ích phi vật chất, có thể đã nhận hoặc sẽ nhận, có thể nhận trực tiếp hoặc nhận qua người trung gian, biểu hiện của hành vi là hứa hẹn thực hiện một công việc sẽ được một giá trị lợi ích vật chất hoặc tinh thần theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự và điều 354 bộ luật hình sự năm 2015. Trường hợp người đưa hối lộ chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ trước khi cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp không chủ động khai báo mà bị phát hiện, cả hai bên đều bị xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ vụ lợi, làm rõ có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ hay không giữa những người được nâng điểm và người nâng điểm.
Trong vụ án này, ông Dục đang bị buộc tội về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. Với tội danh này thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội: vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong trường hợp bị tòa án kết tội, ông Dục sẽ phải đối mặt với mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi phạm tội là có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà nước từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng thì hình phạt sẽ là từ 5 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Hậu quả ở đây sẽ được xác định là gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi này làm ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ, viên chức, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, uy tín của đảng và nhà nước trong công tác cán bộ bởi vậy việc xử lý hình sự là có căn cứ và cần thiết”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Liệu có ai chỉ đạo Phạm Dục?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, những vụ việc như trên, nếu một cá nhân khó có thể thực hiện và không dám thực hiện.
Do vậy, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ đồng thời làm rõ yếu tố đồng phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, những người có liên quan để cùng xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cơ quan điều tra cần tiến hành đi sâu, mở rộng điều tra để xác định xem có đồng phạm khác trong vụ án này hay không? Có cá nhân nào khác có những hành vi tác động đến ông Phạm Dục để thực hiện hành vi phạm tội hay không? Có hay không hành vi đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ? Nếu điều tra được có đồng phạm hoặc hành vi cấu thành tội phạm khác trong vụ việc này thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem video Gặp lại người đầu tiên lên tiếng về gian lận thi cử:
Nguồn VTC Now.