Y tế Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh lao đao vì Zimmer Pte.Ltd: Do “mối mới” lợi hơn?
(Kiến Thức) - “Đột ngột dừng gia hạn hợp đồng với Công ty CP Y tế Thành Ân, sau đó là Công ty Tuấn Ngọc Minh, Zimmer Pte.Ltd có thể đã tìm được đối tác khác, hoặc mối lợi từ công ty khác”, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính đặt nghi vấn.
Công ty CP Y tế Thành Ân và Công ty CP Đầu tư Tuấn Ngọc Minh “tố” bị Công ty Zimmer Pte.Ltd (PV-Zimmer Biomet - có Văn phòng đại diện tại TP Hà Nội ở địa chỉ phòng 1303, tầng 13, tháp Hà Nội, 49 Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đột ngột dừng tiếp tục ký mới hợp đồng, nhất là trong thời hiệu hợp tác với Công ty Tuấn Ngọc Minh, Zimmer Biomet cho “bên thứ 3” - Công ty CP Nghiên cứu và Phát Triển Y tế Việt Nam được phân phối các sản phẩm cùng chủng loại.
|
Điều khoản 3.5 Hợp đồng ký kết giữa Zimmer với Thành Ân và Tuấn Ngọc Minh ghi rõ: Zimmer Biomet không chỉ định bất kỳ nhà phân phối nào cùng dòng sản phẩm trong khu vực của Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh trong suốt thời gian hợp đồng. |
Đối chiếu Điều khoản 3.5 Hợp đồng ký kết giữa các bên ghi rõ: Zimmer Biomet không chỉ định bất kỳ nhà phân phối nào cùng dòng sản phẩm trong khu vực của Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh trong suốt thời gian hợp đồng. Tuy nhiên, với mục đích làm rõ đúng sai điều này, phóng viên đã liên lạc phía Văn phòng Zimmer Pte.Ltd tại Hà Nội và chờ câu trả lời…
Zimmer Biomet tìm được mối lợi từ công ty khác nên “xù” Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh?
Trao đổi với PV Chuyên trang Vietnamdaily/Kiến Thức, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Sự việc này có thể thấy Công ty Zimmer Pte.Ltd đã đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác với Thành Ân và Tuấn Ngọc Minh. Việc Zimmer Pte.Ltd ủy quyền cho công ty thứ 3 khi hợp đồng với Công ty Tuấn Ngọc Minh vẫn còn hiệu lực và đúng là có Điều khoản 3.5 của Hợp đồng ràng buộc, thì Zimmer Pte.Ltd đã vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh?
Ông Nguyễn Đình Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoàng Lộc M.E (một trong những doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xương khớp) cũng cho rằng, hành xử của Zimmer Biomet với Công ty Thành Ân và Tuấn Ngọc Minh là “thiếu chuyên nghiệp”, “thiếu tôn trọng đối tác”?
“Hiện nay, ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều công ty mới nhảy vào lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Đa số Công ty mới này lại chọn chính các hãng nước ngoài đã và đang phân phối cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để liên lạc rồi đưa ra mức doanh số khủng để hợp tác. Ví dụ, công ty A… đang phân phối sản phẩm với doanh số 1 triệu USD/tháng, mỗi năm chỉ có thể tăng được 10-20%. Ngược lại, với những công ty mới, khi họ muốn lấy chính hàng của hãng đó, bằng cách họ nâng mức doanh số phân phối lên khoảng 2 đến 3 triệu USD/tháng. Điều này, khiến người đại diện của hãng tại Việt Nam cảm thấy thích thú, sẽ nhảy qua “bắt tay” công ty mới”, ông Nguyễn Đình Quý phân tích.
Theo vị Giám đốc Công ty Hoàng Lộc M.E, trường hợp Công ty Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh có thể thuộc giả định trên hoặc không. Tuy nhiên, Thành Ân và Tuấn Ngọc Minh có thể khởi kiện, đòi lại quyền lợi từ phía Zimmer Pte.Ltd bởi các hợp đồng phân phối sản phẩm của công ty tại các bệnh viện bị ảnh hưởng lớn vì không có hàng đúng gói thầu trúng, trong khi số lượng hàng tồn kho vẫn lớn.
|
Sản phẩm Zimmer Biomet mà Công ty Y tế Việt lưu hành, cùng chủng loại với Tuấn Ngọc Minh trong thời hiệu hợp đồng Zimmer - Tuấn Ngọc Minh còn giá trị. |
“Thông thường các công ty thiết bị y tế chúng tôi nhập sản phẩm đều ký độc quyền với hãng hoặc có ràng buộc hãng không được phân phối sản phẩm cùng chủng loại mà chúng tôi ký kết mua cho công ty khác cùng ngành nghề, mảng miếng. Công ty Việt phải có ủy quyền của hãng mới bán được sản phẩm, không có ủy quyền không thể đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế ở bệnh viện và tỉnh thành trên cả nước”, ông Nguyễn Đình Quý nói.
Công ty Việt nên thận trọng hợp tác đối ngoại!
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo các công ty Việt Nam cần thận trọng, tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp nước ngoài trước khi có ý định hợp tác. Các hợp đồng hợp tác kinh doanh ký kết ngoại, các doanh nghiệp Việt Nam nên yêu cầu họ phải chịu thỏa thuận thêm các điều khoản từ phía mình đưa ra; đồng thời, chịu sự thụ lý và điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam trong quá trình hợp tác ký kết.
“Các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong nước nên có thêm những chính sách bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong nước khi hợp tác đối ngoại”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Tương tự, GS.TS Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng: Công ty Zimmer Pte.Ltd đột ngột chấm dứt ký kết tiếp hợp đồng như vậy sẽ khiến việc cung cấp hàng của Công ty Thành Ân, Tuấn Ngọc Minh tới các bệnh viện bị gián đoạn. Khi các công ty này đã trúng thầu phân phối sản phẩm Zimmer Biomet với bệnh viện, nhưng lại không thể cung cấp, như vậy uy tín của công ty sẽ bị giảm mạnh.
“Hồ sơ năng lực của công ty sẽ bị ảnh hưởng và có thể còn bị các bệnh viện phạt. Lần tiếp sau, công ty không thể đấu thầu một số mặt hàng khác. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề nhất là các bệnh nhân vì lúc bệnh viện mổ cho họ, sẽ không có khớp đúng kích thước, tiêu chuẩn để thay thế. Không có sản phẩm này, bác sĩ không thể mổ được, cũng không thể lấy sản phẩm của hãng khác ghép vào, rồi bệnh nhân sẽ phải làm lại thủ tục, các giấy tờ, rất mất thời gian. Có thể, bảo hiểm y tế không trả tiền cho việc phẫu thuật đó...”, GS.TS Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh nhấn mạnh.