Sau gần 1 tiếng đi bộ trên con đường nhão nhoét bùn than, các thợ lò đã tới khai trường lò giếng của công ty CP than Hà Lầm, Quảng Ninh.
Để vào được lò khai thác, mọi công nhân đều phải nằm lòng quy tắc tự chủ an toàn: ''Thuốc lá, máy điện thoại không được mang xuống lò, tìm chỗ ẩn nấp khi xảy ra sự cố”.
Sau công đoạn điểm danh, các công nhân sẽ nhận mũ, đồ bảo hộ lao động, khẩu trang đặc dụng chống khí độc và bình tự cứu.
Khu vực mượn đồ tư trang trước khi xuống hầm lò |
Tiếng còi tầm vang lên cũng là lúc nhóm công nhân mỏ chen chúc nhau vào khoang thang máy công nghiệp để xuống nơi làm việc sâu 375 mét so với mực nước biển. Càng xuống, không khí càng ngộp thở, thăm thẳm, heo hút.
Thang máy công nghiệp đưa công nhân xuống độ sâu 375 mét làm việc |
Khác hẳn với không khí yên tĩnh trên mặt đất, hầm lò inh ỏi tiếng máy móc gầm rú vọng từ phía xa. Độ ẩm cao, con đường nhầy nhụa bùn đất nên mọi người phải di chuyển thêm một giờ đồng hồ bằng tàu máy kéo.
Càng đến công trường khai thác, mọi người càng ngộp thở, bụi bay mờ mắt, tiếng máy móc rầm rầm hét vào mang tai khiến không thể giao tiếp với nhau.
Tàu máy kéo đưa công nhân di chuyển tới khu làm việc |
Tại công trường, gió kèm bụi than táp thẳng vào người, vào mặt, hàng chục công nhân quần áo lấm lem, đeo mặt lạ chống độc hùng hục xúc than lên băng tải, tuy vậy vẫn không thể tránh bụi than xộc thẳng vào mồm, mũi.
Khu chuyển than lên băng tải đèn điện hiu hắt, ánh đèn mạnh nhất có lẽ phát ra từ chiếc đèn pin gắn trên mũ đội đầu của các công nhân. Những dòng “vàng đen” lấp lánh ánh sáng li ti từ đây như một con suối đầy mê hoặc chảy ngược lên mặt đất yên bình.
Mỗi công nhân dưới hầm lò đều được phát một mặt nạ đặc dụng chống độc |
Anh Trần Văn Thế (cán bộ phòng an toàn lao động, công ty than Hà Lầm) thủ thỉ, công việc dưới hầm lò hoạt động 24/24h, chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, gió dưới lò có được là do máy thổi khí giúp cung cấp oxy đầy đủ.
“Mỗi người một việc, thợ hầm lò khác biệt so với thợ khai thác lộ thiên, phải có đầy đủ thiết bị trợ giúp đặc dụng mới được xuống lò, vì dưới đây rất nhiều khí độc”, anh Thế cho biết.
Công trường dưới lòng đất luôn có gió kèm theo bụi |
Đi thêm 2km đường hầm lò nữa, mọi người ngồi vắt vẻo trên tàu treo monoray treo trên trần hầm lò. Càng lại gần, tiếng máy móc càng lớn hơn, vang vọng theo các nhánh hầm lò thưa người qua lại.
Tại đây, ánh sáng trở nên khô cằn, le lói từ những chiếc đèn pin nhỏ. Thứ ánh sáng nghèo nàn này hòa quyện với màu đen tuyền của than, tiếng máy nổ rền vang khiến công trường như một trận dội bom mà các công nhân phải làm việc trong suốt 8 tiếng.
“Muốn gọi cứu hộ hay tàu vào đón về thì chỉ có cách gọi qua bộ đàm cố định thì mới mong bên ngoài nghe được”, một công nhân cho hay.
Các công nhân chuẩn bị khoan neo. |
Cách đó không xa là trạm bơm nước thải, 4 máy bơm khổng lồ như những con quái vật ngày đêm hút nước từ dưới hầm lò đưa lên mặt đất. Đây là phần việc quan trọng không kém việc khai thác, bởi dưới lòng đất có rất nhiều mạch nước ngầm tuôn chảy, nếu không bơm, cả lò sẽ bị nhấn chìm.
Hết ca, đoàn công nhân lại chen nhau trong chiếc thang máy công nghiệp. Hầu như mặt ai cũng lấm lem than bụi, số khác vẫn tươi cười vì mình lại được “ăn cơm dương gian” thêm một lần nữa.
Muốn gọi cứu hộ hoặc giao tiếp thì phải nói qua bộ đàm cố định |
Theo GĐ công ty CP than Hà Lầm Trần Mạnh Cường, công ty có 3.300 công nhân chính thức đang làm việc trong tất cả khai trường.
“Ngoài lực lượng công nhân chính thức, công ty còn tổ chức đào tạo các lớp dạy nghề than cho học viên có nhu cầu”, ông Cường cho biết.
Di chuyển bằng tàu monoray vào khu làm việc |
Anh Nguyễn Hữu Nga (công nhân bậc 6/6) quanh năm làm việc chung với bụi |
GĐ trung tâm tuyển sinh CĐ Nghề than - Khoáng sản Việt Nam Vũ Văn Thịnh cho biết, để đáp ứng cho việc khai thác than đúng chỉ tiêu, mỗi năm, các công ty than thuộc TKV cần tuyển gần 4.000 thợ lò, nhưng con số này không năm nào được đáp ứng đủ.