Ngày 30/8, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT chuyển 23 bộ hồ sơ, chứng từ và việc mua bán 13 hóa đơn bất hợp pháp của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk sang công an để điều tra theo thẩm quyền. Đồng thời, giao Sở Nội vụ căn cứ kiến nghị của Thanh tra tỉnh tham mưu, tổ chức kiểm điểm các sai phạm của cá nhân nguyên lãnh đạo và lãnh đạo trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã kết luận, chỉ trong một ngày trước khi nghỉ hưu (28/10/2020), ông Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) và ông Trần Văn Khương (phụ trách kế toán) đã lập khống 20 chứng từ với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng để chi các khoản không đúng quy định.
Trường CĐSP Đắk Lắk, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm. Ảnh: CAND |
Có dấu hiệu tội tham ô tài sản
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, với hành vi lập hồ sơ giả, khai khống chứng từ để rút khống gần 2 tỷ đồng, nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk và kế toán có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, dấu hiệu đặc trưng của tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền sản vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
“Ở đây, Hiệu trưởng là người đứng đầu của trường học, là người đại diện theo pháp luật của trường học, có trách nhiệm trong quản lý tài sản, chi tiêu trong trường và có quyền lực cao nhất trong trường. Trong khi đó, kế toán có trách nhiệm phụ trách vấn đề về chi tiêu, có thể nói là người tiếp xúc trực tiếp với tiền của nhà trường. Do đó, hành vi bắt tay của hiệu trưởng và kế toán để lập khống hồ sơ, rút khống tiền là hành vi có dấu hiệu của tội tham ô tài sản”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Nói về hành vi mua bán 13 hóa đơn, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, đây cũng là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, với số lượng 13 hóa đơn là số lượng ít và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét việc mua bán hóa đơn trái phép này cụ thể là như thế nào? Mục đích để phục vụ rút khống tiền hay thu lợi khoản khác để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo kết luận thanh tra, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý về hành vi tham ô tài sản, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là có căn cứ.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước cả do mình quản lý thì đó là hành vi có dấu hiệu tội tham ô tài sản theo điều 353, Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, đây là tội phạm về chức vụ, người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ quyền hạn, được giao quản lý tài sản nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
“Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy ông hiệu trưởng và kế toán của trường này đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt tiền của nhà trường do những người này đang quản lý thì đây là hành vi tham ô tài sản. Với số tiền chiếm đoạt gần 2.000.000.000 đồng thì những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên”, luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Theo Luật sư Cường, đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn. đây là hành vi độc lập và có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm theo điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015.
Lòng tham, sự suy thoái đạo đức dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đây là sự việc rất đáng tiếc xảy ra tại cơ sở giáo dục và đào tạo ngành sư phạm.
“Sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô giáo, uy tín của ngành giáo dục. Bởi vậy cơ quan điều tra cần thận trọng xem xét đánh giá hành vi vi phạm, làm rõ phương thức thủ đoạn vi phạm, hậu quả xảy ra để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường cho rằng, với cương vị là hiệu trưởng nhà trường và kế toán, có lẽ cuộc sống không khó khăn đến mức phải thực hiện hành vi phạm tội để mưu sinh, cải thiện đời sống. Đó chỉ có thể là lòng tham, sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức khiến những người có chức vụ trong cơ sở giáo dục đào tạo này sa ngã.
Đây là một sự việc hết sức đau lòng xảy ra đối với ngành giáo dục và cũng là bài học cho những ai vì lòng tham, suy thoái đạo đức mà bất chấp pháp luật làm liều để rồi phải gánh chịu những hậu quả rất nghiêm trọng và phải trả giá cho những hành vi vi phạm đã gây ra.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra tỉnh này đã xem xét báo cáo và Kết luận thanh tra của Sở GD&ĐT về sai phạm tại Trường CĐSP Đắk Lắk.
Theo Kết luận thanh tra, đối với 20 bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán khống với số tiền 1.854.000.000 đồng, có 10 bộ hồ sơ, chứng từ chi tiền mặt tại đơn vị và 10 bộ hồ sơ, chứng từ ủy nhiệm chi chuyển khoản qua ngân hàng. Kiểm tra 20 bộ hồ sơ, chứng từ khống cho thấy có 13 hóa đơn gồm: 10 hoá đơn giá trị gia tăng và ba hoá đơn thông thường có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Mặc dù các ông Trần Văn Khương, phụ trách kế toán và Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Hiệu trưởng đã nộp lại tiền mặt vào quỹ của nhà trường với số tiền 1.854.000.000 đồng của 20 chứng từ thanh toán khống để khắc phục hậu quả, tuy nhiên các chứng từ kế toán này đã hoàn thành theo quy định của Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
Việc lập khống chứng từ để thanh toán các nội dung chi không có thực là vi phạm "các hành vi bị nghiêm cấm". Đối với 3 bộ hồ sơ, chứng từ chi thanh toán khống số tiền hơn 88 triệu đồng (Sở GD&ĐT kiến nghị nộp lại) là hành vi khai man chứng từ kế toán, vị phạm các hành vi bị nghiêm cấm. Việc mua bán 13 hóa đơn bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hiệu trưởng chỉ đạo cắt xén hơn 1.700 suất ăn của học sinh:
Nguồn:VTV 1