Lực lượng kiểm soát quân sự kiểm tra việc chấp hành kỷ luật quân đội của quân nhân. Ảnh minh họa |
8 hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
TT 16 có hiệu lực từ ngày 8/4/2020, Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, TT 16 nêu rõ: Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm kỷ luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng…
Đáng chú ý, Thông tư quy định sẽ không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân đang giữ cấp bậc quân hàm thiếu úy; không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang hưởng lương bậc 1.
Về hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và khoản 1 Điều 50 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau: a- Khiển trách; b- Cảnh cáo; c- Hạ bậc lương; d- Giáng cấp bậc quân hàm; đ- Giáng chức; e- Cách chức; g- Tước quân hàm sĩ quan; h- Tước danh hiệu quân nhân.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 60 Luật Nghĩa vụ quân sự và hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 50 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Nghiêm cấm quấy nhiễu nhân dân
Liên quan đến việc vắng mặt trái phép, Điều 19 Thông tư 16 quy định, vắng mặt ở đơn vị dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 giờ trở lên đến 03 ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; dưới 24 giờ từ 2 lần trở lên hoặc từ 24 giờ trở lên đến 7 ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. Đặc biệt, nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm: Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; Lôi kéo người khác tham gia; Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Về tội đào ngũ, nếu tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 3 ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.
Nếu vi phạm gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng hoặc khi đang làm nhiệm vụ, đã bị xử lý kỷ luật còn vi phạm, lôi kéo người khác tham gia thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.
Thông tư cũng quy định về hành vi quấy nhiễu nhân dân. Theo đó, khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, gây phiền hà, khó khăn, cản trở sinh hoạt bình thường của nhân dân hoặc xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của nhân dân nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm. Trong các trường hợp: Là chỉ huy hoặc sĩ quan; Lôi kéo người khác tham gia; Trong khu vực có chiến sự hoặc tình trạng khẩn cấp; Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội sẽ bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.
Đáng chú ý, nhiều nội dung trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội cũng đã được cụ thể hóa trong TT 16. Theo đó, quân nhân uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc khi đang thực hiện nhiệm vụ hoặc say rượu, bia làm ảnh hưởng đến phong cách quân nhân thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến giáng chức, cách chức: Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm; Lôi kéo người khác tham gia; Say rượu, bia khi đang thực hiện nhiệm vụ; Say rượu, bia làm mất trật tự công cộng, mất đoàn kết quân dân gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng.