Vụ chồng cầm kéo, dao đâm chém vợ và con gái xảy ra vào tối ngày 16/5/2018, Huấn sang nhà người bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị Hường chơi và cũng là để bảo bà Hường đưa giấy tờ về nhà đất và hộ khẩu. Bởi sau khi ly hôn với bà Hường, Huấn và 3 mẹ con bà Hường tách riêng ra sinh sống tại hai ngôi nhà khác nhau trên phố Bạch Mai.
Phạm Đức Huấn tại Tòa án Nhân dân Hà Nội. |
Dù bố mẹ đã chia tay, song hai cô con gái vẫn để hai người có được sự riêng tư nói chuyện. Trong khi cô con gái lớn ra ngoài mua thẻ điện thoại cho Huấn thì cô con gái út học bài trên tầng 2. Còn Huấn cùng bà Hường ngồi nói chuyện với nhau ở gác lửng. Thế nhưng câu chuyện giữa hai người chẳng thể kéo dài được bao lâu thì Huấn bị bà Hường đuổi về.
Muốn nấn ná ở chơi với các con, Huấn lấy dưa hấu ra bổ rồi mang lên tầng cho con gái út ăn. Khi trở xuống dưới nhà ngang qua gác lửng, Huấn cố tình tỏ ý quan tâm tới vợ cũ nhưng một lần nữa lại bị bà Hường xua đuổi.
Dù đã ly hôn nhưng bản tính ích kỷ khiến Huấn nổi máu hung tàn, không thèm nghĩ ngợi Huần liền vớ chiếc kéo trên bàn máy khâu nhào tới đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng bụng vợ cũ.
Hoảng sợ và đau đớn, bà Hường vừa cố sức chống đỡ, vừa hô hoán gọi con. Nghe rõ tiếng kêu của mẹ, từ trên tầng 2, cô con gái út lao xuống giằng co với Huấn khiến chiếc kéo trên tay hắn rơi mất. Chưa dừng lại, Huấn tiếp tục vớ lấy con dao Thái Lan trên sàn nhà và liên tiếp chém vào đầu bà Hường.
Dù cố hết sức ngăn cản bố nhưng không thành, theo bản năng cô con gái út đã ôm chặt lấy mẹ, dùng thân mình đỡ lấy những nhát dao oan nghiệt từ chính người cha ruột của mình. Rất may mắn là vào lúc đó, Huấn đã kịp thời hồi tỉnh và kịp thời dừng lại.
Cùng thời điểm, cô con gái lớn cũng đi mua thẻ điện thoại về và đã hô hoán mọi người đến ứng cứu. Ngay sau đó, Huấn bị mọi người khống chế và lực lượng công an cũng nhanh chóng áp giải về trụ sở.
Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan chức năng xác định bà Hường bị tổn hại tới 68% sức khỏe. Còn Huấn bị xét xử tội giết người dù hành vi đó vẫn không thành. Sau khi nghị án, Tòa án Nhân dân Hà Nội nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội và đã thỏa mãn tội “Giết người”. Việc bà Hường may mắn không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Bởi vậy, Phạm Đức Huấn bị tuyên phạt 17 năm tù.
Có thể thấy rằng, bi kịch của một gia đình có thể đến từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Nỗi đau ấy còn bị nhân lên gấp bội đối với những đứa trẻ vừa chịu thiệt thòi vì ly tán lại thêm người cha lâm vào cảnh tù tội.