Phiên tòa xét xử vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang đang diễn ra, dư luận lại tiếp tục đặt hoài nghi về lời khai trước tòa của bị cáo Vũ Trọng Lương và bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, hai tội đồ trực tiếp gây ra vụ gian lận rúng động dư luận.
Không thể không đặt dấu hỏi về lời khai của hai bị cáo trên khi họ trực tiếp bàn bạc can thiệp, nâng điểm 309 bài thi các môn cho 107 thí sinh nhưng trước tòa, họ đều khai nâng điểm là vì quan hệ tình cảm, không hứa hẹn đưa tiền hay lợi ích vật chất gì khác.
Theo đó, bị can Vũ Trọng Lương, cựu Phó phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang tiếp tục khẳng định trước tòa, bị cáo hoàn toàn tự nguyện nâng điểm thi cho các thí sinh, không nhận tiền hoặc lợi ích vật chất nào.
Đáng chú ý, theo lời khai của Lương, bị cáo nâng điểm vì mục đích tình cảm, bạn bè, người thân và đồng nghiệp đối với số người nhờ bị cáo nâng điểm. Khó tin hơn, đối với 93 thí sinh không nhờ bị cáo Lương mà nhờ qua bị cáo Nguyễn Thanh Hoài – cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang, bị cáo Lương vẫn hồn nhiên khai nâng điểm là do anh Hoài nhờ nâng điểm chỉ vì tình cảm với ông Hoài mà không có mục đích gì hết nữa và cho rằng, ông Hoài là cấp trên.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương tại tòa. Ảnh: Đại đoàn kết. |
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận mình là người khởi xướng việc nâng điểm cho các thí sinh bởi có người nhờ. Những người nhờ ông Hoài lên con số 47 mà theo bị cáo này chỉ có 2 người thân, còn những người khác là đồng nghiệp, bạn bè, có quan hệ trong công tác và cuộc sống. Tuy nhiên, giống như bị cáo Lương, ông Hoài cũng khẳng định, những trường hợp nhờ là quan hệ tình cảm, không hứa hẹn đưa tiền hay lợi ích vật chất gì khác và bị cáo “chỉ vì quan hệ tình cảm nên nâng điểm”. Ngạc nhiên hơn, khi bị cáo Lê Thị Dung đưa danh sách đến 20 thí sinh nhưng Hoài cũng không quan tâm và hỏi mối quan hệ giữa Dung và người nhà 20 thí sinh này mà nhiệt tình giúp vì tình cảm, không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì.
Lời khai trên của hai bị cáo dù khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng không có gì là lạ khi ngay trong cáo trạng nêu rõ, trong quá trình điều tra, cơ quan ANĐT đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ gì để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án, đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài và Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do có mối quan hệ quen biết, bạn bè người thân.
Tuy nhiên, dù các bị cáo khai “nâng điểm trong sáng” nhưng không ai tin vào sự “trong sáng, không vụ lợi ấy”. Bởi để thực hiện việc nâng điểm, hai bị cáo đã bàn bạc, lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, cấu kết chặt chẽ. Hơn nữa, hai bị cáo cũng thừa biết hành vi vi phạm pháp luật trên nếu bị phát giác sẽ phải đối mặt với án tù nhưng vẫn nhiệt tình thực hiện, can thiệp nâng đến 309 bài thi các môn của 107 thí sinh. Nếu không có động cơ vụ lợi mà việc nâng điểm này từ lòng tốt với không chỉ những người thân, người quen biết, thậm chí giúp cả người xa lạ thì thật không thể tin nổi.
Đến nay cũng không rõ lòng tốt này được gia đình các thí sinh đền đáp tới đâu. Bởi ngay như ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang – người có con gái đứng đầu danh sách được nâng điểm thi còn kinh ngạc bởi ai đó “gắp điểm” bỏ vào tay con gái ông, và buồn bã: “Tôi thấy buồn vì con gái bị nâng điểm thi”, thậm chí còn cho rằng “Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.
Dư luận dù có hoài nghi thế nào, Lương và Hoài dù có là tội đồ đến đâu thì vẫn là “người có lòng tốt” trong mắt các phụ huynh có thí sinh được nâng điểm, bởi họ không chỉ nhiệt tình giúp đỡ nâng điểm thi cho các thí sinh mà lời khai của họ sau khi bị phát giác hành vi vi phạm pháp luật cũng khiến nhiều phụ huynh thở phào.
Bởi không có hành vi vụ lợi, không nhận lợi ích vật chất cũng đồng nghĩa với việc những “Lão Phật gia” không phải chịu hành vi đưa hối lộ, các bị cáo không phải chịu tội nhận hối lộ. Những người như em gái ông Triệu Tài Vinh, vợ ông Triệu Tài Vinh, rồi hàng loạt quan lớn, quan bé tỉnh Hà Giang lên đến hơn trăm người, nặng thì bị kỷ luật khiển trách, nhẹ thì chỉ bị kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Con cái nếu được nâng điểm một cách chót lọt không bị phát giác sẽ đỗ đạt trường Đại học nọ, đại học kia tất nhiên là những trường danh tiếng, ra trường có thể lại tiếp nghề của những “Lão Phật gia” trở thành ông nọ, bà kia, thậm chí thành những “ông vua con” dù không đủ năng lực, trình độ mà lại không phải mất tiền, không phải mất vật chất. Đến khi sự việc bị phát lộ, những “lão Phật gia” này cũng không ảnh hưởng đến nghề nghiệp khi những bản kỷ luật chỉ như “muỗi đốt inox”. Trong cuộc đời này, họ đúng là có quý nhân phù trợ là Nguyễn Thanh Hoài là Vũ Trọng Lương.
Không biết vì giúp hàng trăm người quen biết mà không vụ lợi, Hoài và Lương có nghĩ tới gia đình, nghĩ tới vợ con hay không khi những người được giúp đỡ vẫn bình an vô sự còn người nhiệt tình giúp đỡ như Lương và Hoài lại mất công ăn việc làm, thậm chí đối mặt với bản án tù dài đằng đẵng. Nhiệt tình giúp người ngoài mà phụ bạc người thân thì thật là…khó hiểu.
Không biết những người từng phải mang ơn và đang phải mang ơn Lương và Hoài có xót xa, có thăm nom, có nhiệt tình giúp đỡ gia đình Lương và Hoài trong những tháng ngày hai bị cáo này chịu án hay không, có đội ơn sự “hi sinh” nâng điểm trong sáng của hai bị cáo này hay không, có đền đáp tương xứng sự “hi sinh” đó hay không và thời điểm này, Lương và Hoài có cho rằng, sự “hi sinh” của mình là xứng đáng hay không?
Nhưng có một sự thật dù màn kịch hoàn hảo đến đâu, các diễn viên có diễn xuất đạt trình độ đến đâu cũng không thể che dấu lương tâm của chính mình khi nghĩ về 107 thí sinh khác bị cướp đi cơ hội học tập do hành vi của họ gây ra. Sự thật mãi là sự thật và vấn đề phơi bày chỉ còn là thời gian.