Đoạn video do truyền thông Nga đăng tải ngày 3/6 cho thấy xe tăng T-72B3 của nước này "sống sót" sau khi bị trúng 2 quả tên lửa chống tăng của Ukraine.
Chưa rõ video được ghi hình vào lúc nào và ở đâu. Khi vụ tấn công xảy ra, chiếc T-72B3 đã sử dụng hết đạn dược và trên đường quay trở lại đơn vị để nạp đạn. Sau đó, xe tăng Nga trúng liên tiếp 2 quả tên lửa chống tăng Stugna của Ukraine vào 2 bên sườn, khiến lửa bốc lên và một số bộ phận văng ra ngoài.
Tuy nhiên, chiếc T-72B3 vẫn đứng vững và quay trở lại được đơn vị. Theo giới quan sát, điều này cho thấy, lớp giáp trên xe tăng Nga dường như đã phát huy hiệu quả khi chống lại được một tên lửa chống tăng tương đối uy lực của đối phương.
Ảnh minh họa. |
Stugna-P được cục thiết kế Luch ở Kiev, Ukraine chế tạo vào giữa những năm 2000. Tên lửa này bao gồm một bộ phận phóng có thể được gắn trên giá 3 chân hoặc tích hợp trên một xe quân sự. Hệ thống hoàn chỉnh gồm thiết bị giám sát và ngắm bắn, máy đo laser, hệ thống dẫn đường bằng laser bán tự động, máy ảnh nhiệt và hệ thống điều khiển trục tên lửa.
Theo thông số kỹ thuật, Stugna-P có thể phóng nhiều loại tên lửa dẫn đường 130mm và 152mm, có tầm bắn tối đa lên tới 5,5km tùy thuộc vào mục tiêu chính xác mà nó đang hướng tới. Các tên lửa này có thể được dẫn đường bằng tay hoặc ở chế độ chỉ huy bán tự động tới đường ngắm (SACLOS), cho phép điều khiển quỹ đạo của tên lửa thông qua chùm tia laser. Tên lửa được trang bị các đầu đạn khác nhau tùy thuộc vào từng loại mục tiêu cụ thể.
T-72B nặng 44,5 tấn, dài 6,95m, cao hơn 2,2m với kíp chiến đấu gồm 3 người. Đây là biến thể của xe tăng huyền thoại T-72, phiên bản xe tăng chủ lực từng "làm mưa làm gió" trong quân đội Liên Xô. Sau này, Nga tiếp tục cải tiến T-72B trở thành nhiều phiên bản trong đó có T-72B3, T-90 và vẫn dùng đến ngày nay.
Phiên bản T-72B3 được cho là sở hữu sức mạnh gần ngang ngửa với siêu tăng T-90 khi được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và động cơ chạy bằng diesel tăng áp.