Trong hơn một năm xung đột với Ukraine, quân đội Nga đã đưa vào chiến trường nhiều loại vũ khí. Sau sự xuất hiện của những chiếc T-72 phiên bản nâng cấp vào tháng 12/2022, Nga tiếp tục đưa thêm vào chiến trường một loại xe tăng mới khác, đây là một biến thể được cải tiến rất nhiều của xe tăng chủ lực T-62M.
Cải tiến đáng chú ý nhất đối với xe tăng là việc tích hợp kính ngắm ảnh nhiệt 1PN96MT-02, mặc dù có từ những năm 1980, nhưng vẫn mang lại khả năng nhận biết tình huống tốt hơn nhiều so với xe tăng T-62M cơ bản hoặc so với phần lớn xe tăng trong biên chế Ukraine. Nó cung cấp phạm vi phát hiện mục tiêu vào ban đêm là 2.000 mét. Trong khi phần lớn xe tăng do Ukraine vận hành không có kính ngắm ảnh nhiệt, bao gồm cả xe tăng Challenger 2 mới do Anh cung cấp vẫn sử dụng kính ngắm thế hệ thứ nhất.
Nga đã sử dụng T-62 trở lại vào đầu những năm 2010, sau khi viện trợ một số lượng đáng kể cho quân đội Syria trong nỗ lực chống lại quân nổi dậy do NATO hậu thuẫn, sau đó nhiều chiếc T-62 cũng bắt đầu được triển khai tới mặt trận Ukraine từ cuối năm 2022 chủ yếu để cung cấp cho các đơn vị ly khai miền Đông được Nga hậu thuẫn.
T-62M bị bắt ở Ukraine |
T-62 vận hành ít phức tạp hơn và yêu cầu bảo dưỡng ít hơn so với T-72, khiến nó trở thành lựa chọn tối ưu để giới thiệu cho các đơn vị dân quân và có khả năng là cho các đơn vị lính nghĩa vụ trong chính quân đội Nga.
Những chiếc T-62 đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 1961 tích hợp các loại súng tiên tiến nhất trên thế giới, đi trước hai thập kỷ so với các thiết kế xe tăng phương Tây trong việc tích hợp súng nòng trơn và đạn APFSDS (đạn xuyên giáp thoát vỏ ổn định bằng cánh đuôi).
Bản thân các khẩu pháo nòng trơn cung cấp khả năng xuyên giáp cao hơn đáng kể do vận tốc đầu nòng lớn hơn. Những chiếc xe tăng này lần đầu tiên tham chiến trong các cuộc xung đột Ả Rập-Israel vào đầu những năm 1970, mặc dù đã gặp phải thất bại do việc huấn luyện hạn chế của những người lính Ai Cập và Syria, nhưng T-62 vẫn được coi là có khả năng hơn nhiều so với các xe tăng cùng thời của phương Tây, sau khi bị lực lượng Israel bắt giữ và phân tích.
T-62M viện trợ cho Syria |
Thật vậy, việc chứng kiến công nghệ xe tăng phương Tây tụt lại được cho là yếu tố chính khiến Israel theo đuổi chương trình xe tăng của riêng mình. Israel đã cho ra đời chiếc xe tăng Merkava từ năm 1973 để đảm bảo quân đội của họ không gặp bất lợi trước các thiết giáp mà Liên Xô cung cấp cho các nước láng giềng Ả Rập.
Ngoài pháo chính, T-62 còn có những lợi thế quan trọng về hệ thống treo giúp tháp pháo ổn định, giáp phía trước tốt, cũng như cấu hình nhỏ gọn hơn nhiều để cải thiện khả năng sống sót. Đạn APFSDS của T-62 cho đến nay vẫn tỏ ra không thua kém bất kỳ thứ gì trong kho vũ khí của phương Tây. Vì vậy, việc phát triển một loại đạn tương đương đã được Mỹ ưu tiên từ năm 1973 và đến tận năm 1978 mới được đưa vào sử dụng, chậm hơn Liên Xô 20 năm.
Xe tăng T-62M của Nga |
Lợi thế dẫn đầu về công nghệ thiết giáp đã giảm đi rất nhiều sau khi Liên Xô tan rã, các dự án xe tăng cao cấp hơn như T-80UK bị ngừng sản xuất và các chương trình mới đầy hứa hẹn như T-95 bị chấm dứt. Hiện tại Nga đã đưa những chiếc T-62 trở lại hoạt động, tuy nhiên những chiếc T-62 này là phiên bản của những năm 1980 và biến thể T-62M nâng cấp được bổ sung những cải tiến hiện đại để chuẩn bị cho chiến tranh thế kỷ 21.
Hiện các xe tăng Ukraine hầu hết cũng đều có từ những năm 1970, ngay cả xe tăng Leopard 2 và Abrams do phương Tây cung cấp cũng là các phiên bản từ cuối những năm 1970 đầu 1980, như vậy sức mạnh xe tăng các bên tương đương nhau.
Điều làm cho T-62M trở nên đặc biệt là khả năng sử dụng đạn phân mảnh và tính cơ động linh hoạt, trong khi các xe tăng phương Tây nặng nề hơn và thiếu loại đạn phân mảnh. Các xe tăng trên chiến trường Ukraine chủ yếu được triển khai để hỗ trợ bộ binh, thay vì giao chiến với các xe tăng khác, chính vì vậy với khả năng sử dụng đạn phân mảnh sẽ giúp xe tăng Nga có lợi thế hơn trong việc sát thương bộ binh đối phương.