Trưởng tàu đỡ đẻ trên đèo Hải Vân
Hành khách và cán bộ trên chuyến tàu Thống Nhất SE8 như vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc khi người lái tàu đỡ đẻ cho một phụ nữ.
Trên chuyến tàu ấy, trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài đã trở thành bà đỡ bất đắc dĩ. Ca đỡ đẻ thành công trong niềm hạnh phúc của người mẹ là nữ công nhân trên đường về quê Thanh Hóa. Ít ai biết rằng, trong cuộc đời là người lái tàu của mình, ông Tài đã trực tiếp đỡ đẻ thành công 3 ca trên tàu.
|
Cháu bé sơ sinh trong vòng tay của nhân viên ngành đường sắt trong khi con tàu vẫn đang chạy theo lịch trình từ TPHCM ra Hà Nội. |
Phút nguy cấp trên đèo Hải Vân
Trong khi đoàn tàu Thống nhất SE8 đang leo đèo Hải Vân, thì tại toa số 10, nữ hành khách Bùi Thị Thứ bỗng lên cơn đau bụng dữ dội, cô kêu gào thảm thiết, mồ hôi toát ra đầm đìa… khiến hành khách cùng toa lo lắng, cấp báo nhân viên trên tàu.
Là nhân viên trên tàu tiếp xúc đầu tiên với sản phụ, chị Trần Thị Sinh cho biết, chị Bùi Thị Thứ (28 tuổi, quê tại xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) là công nhân làm việc tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), được chồng đưa ra ga và lên tàu từ ga Biên Hòa để về quê Thanh Hóa. Lúc lên tàu, chị Thứ bụng to vượt mặt, do mang thai đến tháng thứ 9 lại đi một mình, không người chăm sóc, nên nhân viên trên tàu rất quan tâm, chú ý.
Khoảng 0h30 ngày 14/12, khi tàu đang leo đèo Hải Vân, chị Sinh thông báo cho Trưởng tàu Nguyễn Tấn Tài trên toa tàu số 10, có một phụ nữ kêu đau bụng, mồ hôi toát đầm đìa.
“Ngay lập tức, tôi xuống toa 10. Điều đầu tiên tôi hỏi sản phụ những thông tin cơ bản như thời gian mang thai, con “so” hay con “dạ”, đã vỡ ối chưa…? Lúc này chị Thứ mặt trắng bệch, miệng thều thào trả lời. Sau khi nắm được thông tin, chị Thứ mang thai lần 2, nước ối bắt đầu ra và lúc này tàu gần tới Ga Huế … thì tôi đã phần nào yên tâm” - ông Tài kể lại.
|
“Kíp đỡ đẻ” trên tàu Thống Nhất SE8 do ông Nguyễn Tấn Tài trực tiếp thực hiện. Ảnh: TẤN TÀI - Đ.K. |
Vừa lấy thông tin từ hành khách, ông Tài huy động nhân viên trên tàu chuẩn bị các dụng cụ như banh, kéo, găng tay, kẹp, cồn, ga trải giường… để sẵn sàng hộ sinh và thông báo trên hệ thống loa phát thanh để kêu gọi sự hỗ trợ của những hành khách có kinh nghiệm chuyên môn về hộ sản. Nhưng trên tàu không có ai như thế.
1h13 phút, hành khách tiếp tục kêu đau bụng quằn quại, ông Tài liền bảo chị Thứ thay trang phục rộng để thuận tiện cho việc sinh nở.
Ông Tài kể tiếp: “Khi chỉ còn cách ga Huế khoảng 20 phút. Trong lúc thăm hỏi chị Thứ, bất ngờ đầu của đứa trẻ đã ra khỏi cửa mình của mẹ. Tôi liền gọi các nhân viên: Trần Thị Sinh, Thân Đức Khái, Lê Xuân Tố lập tức hỗ trợ. Còn tay tôi liền đỡ đầu, gáy, lưng đứa bé - đây là thao tác rất quan trọng để đảm bảo cháu bé an toàn! Khi đứa bé vừa thoát ra, nó đã khóc ré lên - điều này chứng tỏ đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh. Cùng với đó, tôi yêu cầu nhân viên điện thoại cho mẹ tôi (80 tuổi) - vốn là bác sĩ sản khoa để nhờ tư vấn trực tiếp về các công đoạn chăm sóc cháu bé và sản phụ sau sinh”. Ông Tài nói vui: “Đây là ca đỡ đẻ trên tàu nhàn nhất trong 3 ca tôi đã thực hiện. Một phần là do may mắn, sản phụ có sức khỏe, không gặp các trường hợp bất thường như ngược ngôi, tràng hoa quấn cổ… và có lẽ cộng với việc tàu “lắc” nên sản phụ sinh con dễ dàng!”.
Khi chúng tôi hỏi, ông có mất bình tĩnh không, khi bất đắc dĩ phải thực hiện nhiệm vụ của một bác sĩ khoa sản, ông Tài từ tốn trả lời: “Khi gặp sự cố thì phải bình tĩnh suy nghĩ để tìm giải pháp tháo gỡ và tôi đã có kinh nghiệm khi học “lỏm” được việc hộ sinh từ lúc còn thanh niên khi soi đèn cho mẹ đỡ đẻ trong rừng, tại khu kháng chiến”.
Lời cảm ơn chưa đủ với bà đỡ mát tay
Tại BV GTVT Thừa Thiên - Huế, nơi sản phụ Nguyễn Thị Thứ và bé gái mới sinh được chăm sóc, câu chuyện “bác tài” đỡ đẻ được nhắc đi nhắc lại trong sự thán phục của mọi người. Đến chiều 14/12, sức khỏe của mẹ con chị Thứ đã ổn định sau ca vượt cạn hy hữu trên chuyến tàu SE8 từ Sài Gòn đi Hà Nội. Chị Thứ kể, cuộc sống ở quê khó khăn nên chị và chồng vào Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) làm công nhân Cty Dong Jin (Hàn Quốc). Với đồng lương công nhân ít ỏi, hai vợ chồng phải thuê trọ, cô con gái đầu (7 tuổi) phải gửi ở quê cho ông bà ngoại cho đi học.
|
Chị Bùi Thị Thứ mẹ tròn con vuông sau khi được các nhân viên Đường sắt VN giúp vượt cạn trên tàu. Ảnh: TẤN TÀI - Đ.K |