Việc xăng tăng giá kỷ lục vào ngày 7/7 khi cán mốc 26.140 đồng/lít cho mặt hàng xăng Ron 95 và 25.640 đồng/lít cho mặt hàng xăng Ron 92 khiến người tiêu dùng không khỏi sốc. Đây được coi là mức tăng cao nhất trong lịch sử ngành xăng dầu từ trước tới giờ.
Nhiều người lo ngại rằng, giá xăng tăng sẽ kéo theo các mặt hàng đồng loạt tăng giá, gây ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng với sức mua kém như hiện nay dù xăng có tăng thì giá các mặt hàng tiêu dùng cũng khó có thể tăng cao như trước.
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư. |
Trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ đẩy giá các mặt hàng lên cao. Tuy nhiên, đợt tăng giá xăng được coi là kỷ lục lần này lại không ảnh hưởng nhiều tới giá cả các mặt hàng và thị trường tiêu dùng Việt.
TS Nguyễn Minh Phong lý giải: Hiện nay, do kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chưa được cải thiện, mặc dù các mặt hàng trên thị trường liên tục tung chiêu trò giảm giá nhưng vẫn không thu hút nhiều người tham gia mua sắm. Bởi lẽ, người tiêu dùng phải chi tiêu hợp lý hơn trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự tăng trưởng.
Giá xăng tăng lần này cũng ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng Việt Nam nhưng sức ảnh hưởng sẽ không lớn, bởi 2 lý do. Thứ nhất, sức mua kém nên các doanh nghiệp khó có thể tăng giá các mặt hàng như trước. Họ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tăng giá một mặt hàng nào đó và mức tăng thế nào. Thứ hai, việc mua sắm của người dân hiện thời có chừng mực nhất định, không ồ ạt dù nhiều mặt hàng khuyến mại lớn. Tuyệt đối, không có tình trạng người dân mua hàng tích trữ vì sợ tăng giá.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, một số ngành dịch vụ như dịch vụ vận tải bao gồm taxi, xe khách có thể tăng giá sau đợt này nhưng mức tăng cũng không nhiều vì nếu tăng nhiều sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của khách hàng.
Từ những vấn đề trên, ông Phong nhận định chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 7 có biến động một chút nhưng ở mức tăng rất nhẹ. Nhưng việc tăng giá xăng lần này có thể ảnh hưởng lớn tới CPI tháng 8, đẩy chỉ số này tăng cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều khác vẫn cho rằng chỉ số CPI chắc chắn sẽ chịu khổ vì giá xăng. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành xăng là nguyên liệu nòng cốt của nền kinh tế nên nếu giá xăng tăng thì sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng, các dịch vụ và thị trường tiêu dùng. Ông Thành cũng cho rằng, việc xăng liên tục tăng giá trong thời gian qua là không hợp lý.
Trong khi đó, trả lời báo giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, việc tăng giá xăng liên tục như hiện nay tất yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI trong cả nước thời gian sắp tới.
Ngày 7/7 vừa qua, xăng đã có đợt tăng giá kỷ lục. Theo đó, giá xăng A95 tăng lên 26.140 đồng/lít và giá xăng A92 lên 25.640 đồng/lít, tương đương mức tăng 400 đồng/lít.
Trả lời báo giới về việc giá xăng liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều 8/7, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Việc liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu tối 7/7 là thực hiện theo đúng quy định với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày. Việc này xuất phát từ việc giá xăng dầu thế giới liên tục biến động phức tạp và theo chiều hướng tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường đã tăng 5 lần. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, mỗi lần điều chỉnh liên Bộ đều đánh giá tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.