Từ 15h ngày 1/6, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 390 đồng/lít, lên mức 20.870 đồng/lít, xăng RON95-III tăng tăng 520 đồng/lít, lên 22.010 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu giảm nhẹ như dầu hỏa về mức giá 17.700 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S về mức 14.800 đồng/kg.
Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT) tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%) kể từ ngày 4/5.
Dù đến ngày 1/7/2023, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, áp lực vật giá leo thang sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vẫn khiến nhiều người lo âu.
Ảnh minh họa. |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc xăng tăng, điện tăng dù không phải cao, nhưng có những tiềm ẩn ở vấn đề đầu vào.
“Mới đây, xăng tăng, dầu giảm nhưng có xu hướng tăng và không ổn định, điện tăng, tăng lương, các chi phí khác, dồn dập những thông tin đó đến với doanh nghiệp, người dân, tiểu thương buôn bán. Làm cho tâm lý kỳ vọng tăng giá vật giá là có. Dù có độ trễ nhưng chắc chắn vật giá sẽ lên. Không khó lý giải năm nay Quốc hội, Chính phủ áp vào mức tăng giá lên tới 4,5% thay vì 4,0% như mọi năm, cho thấy giá có vấn đề. Khi giá thế giới và các chi phí trong nước tăng lên thì đó là điều tất yếu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Theo ông Phú, điều dư luận quan tâm là quản lý giá này như thế nào? Thực tế có những thứ buộc phải tăng giá. Ví dụ như điện cấu thành sản phẩm, xăng vào sản phẩm thì hàng hóa sẽ phải tăng giá. Tuy nhiên, lẽ ra chỉ tăng 1 thì lại tăng 2.
“Ví dụ như thời kỳ sau dịch, ăn uống, dịch vụ tăng giá nhưng đến nay không xuống. Một bát phở vẫn 50.000 đồng, cắt tóc vẫn 60.000 đồng. Điều này cho thấy sự bảo thủ về giá, tư tưởng kiếm lại thời kỳ khó khăn do dịch”, chuyên giá Vũ Vinh Phú dẫn ví dụ và cho rằng, mặt hàng nào đáng tăng giá thì phải tăng nhưng tăng giá có hợp lý hay không thì lại rất khó.
Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý hơn 10 mặt hàng thiết yếu trong khi nhiều mặt hàng khác Nhà nước không quản lý. Như chợ, Nhà nước không quản lý giá, lại bán đến 80% hàng tươi sống, trong khi siêu thị nhiều mặt hàng cũng không quản như thịt lợn, giảm đến 40% thịt hơi, nhưng ở siêu thị vẫn 215.000 đồng/kg trong khi chợ chỉ có 140.000 đồng là tăng giá quá mức.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
“Nếu có tăng giá hợp lý hay không đều do vai trò quản lý Nhà nước. Hiệu lực quản lý nhà nước cho việc cầm trịch giá là có vấn đề, trong khi Luật Giá đã có quy định, khi tăng giá bất hợp lý, có quyền yêu cầu kê khai giá. Trong khi đó có tình trạng “té nước theo mưa”, ông Phú nói.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn đề thực thi, tổ chức thực hiện để quản lý giá khi mà các yếu tố đầu vào lên là hết sức quan trọng. Sự cần thiết hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo đời sống nhân dân, trong đó có vấn đề về giá.
“Hiện tiền tệ eo hẹp, tiết kiệm giảm, đời sống khó khăn, ốm đau…trong khi giá cứ tăng và có những thứ vô lý. Thậm chí còn có tình trạng tăng giá ngầm như việc thay đổi bao bì vẫn giữ giá cũ dù ruột hàng hóa thay đổi, trọng lượng giảm đi hay tình trạng cân điêu, gian lận thương mại”, ông Phú nêu ý kiến.
Trước tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để quản lý vật giá, biện pháp lớn nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy, khan hiếm. Nếu cung không đủ cầu sẽ đẩy giá tăng. Thứ hai là phải quản lý thị trường, kiểm soát thị trường, khi bán giá cao bất hợp lý phải kéo giá xuống. Đồng thời, cân đo đong đếm, gian lận thương mại, hàng rởm, hàng giả phải xử lý nghiêm, triệt để. Biện pháp nữa là phải nâng cao chất lượng hàng hóa, hàng nào giá đó, mua rẻ nhưng mất an toàn cũng không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến mối liên kết giữa sản xuất và phân phối, phải tổ chức hệ thống phân phối lành mạnh, mở cửa đón hàng Việt vào siêu thị…Quan trọng hơn là hiệu lực quản lý nhà nước phải mạnh.
Đối với người tiêu dùng, trước áp lực vật giá cần phải tìm đến các địa chỉ tin cậy để mua hàng. Khi phát hiện các vi phạm về giá cần báo cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, ủng hộ doanh nghiệp làm ăn tử tế, trách nhiệm. Bên cạnh đó, các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cần phải bảo vệ người tiêu dùng quyết liệt hơn nữa.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu".