Chỉ còn 5 tháng nữa nhiên liệu sinh học xăng E5 - còn gọi là xăng sạch thân thiện với môi trường - sẽ bắt buộc sử dụng tại 7 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Xăng sinh học E5 giảm tới 30% khí thải CO2 so với xăng truyền thống, tính năng hoạt động tương đương, sao cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp bán xăng dường như chưa mặn mà với xăng sạch? Có sự hiểu lầm thiếu tin tưởng nào chăng? Nguyên nhân đã và đang được "khám phá”.
Xăng sinh học sẽ sớm vào cuộc sống. |
Một phần tâm lý người dân chưa sẵn sàng sử dụng xăng E5 do nhầm lẫn xăng sinh học có chất dễ gây cháy xe, độ an toàn chưa hẳn đảm bảo…, thứ nữa là giá xăng sinh học chưa rẻ hơn so với xăng thông thường.
Các chuyên gia Viện Cơ khí động lực (Bách khoa Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Viện Dầu khí Việt Nam) trước đây đã thử nghiệm xăng sinh học trên động cơ thế hệ cũ và khẳng định nó không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới tính năng của phương tiện, thậm chí còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động và tăng tốc tốt hơn, nhưng người dùng vẫn làm ngơ.
Xăng sinh học muốn chảy mạnh vào cuộc sống, trước hết người dân phải hiểu và tin dùng. Nhiều câu hỏi tại cuộc tọa đàm Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm 2-7 cho thấy người dân chưa hiểu rõ những lợi ích của nó dù ít nhiều đã nghe nói tới ưu điểm nổi trội là cải thiện môi trường không khí, tạo thu nhập bền vững cho nông nghiệp vì nguyên liệu sản xuất chủ yếu có nguồn gốc từ tinh bột gạo, ngô, khoai, sắn.
Thứ nữa, dù được Bộ KH&CN khẳng định nhiên liệu E5 được doanh nghiệp trong nước sản xuất khi sử dụng hoàn toàn an toàn, không cần thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết nào trên các động cơ xăng đang lưu hành ở ta, niềm tin của người dân vào nhiên liệu mới này vẫn có phần ảnh hưởng khi hàng loạt vụ xe máy, ô tô trên cả nước đột nhiên bốc cháy mà rất chậm có kết luận, cũng không khẳng định được thủ phạm có phải "xăng rởm” không, để có bằng chứng xử được người cung cấp "xăng rởm” cũng khó.
Xăng sinh học cũng là một loại hàng hóa. Để người tiêu dùng tự nguyện lựa chọn xăng sinh học mà không phải thông qua những mệnh lệnh hành chính, truyền thông cần đi trước một bước, xóa đi những định kiến, thói quen cố hữu của người dân. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về loại xăng này đối với kinh tế - xã hội và môi trường, kích thích nhu cầu tiêu dùng của họ.
"Thực ra người dân không cần quan tâm đến xăng được pha trộn với tỷ lệ như thế nào mà quan tâm đến chất lượng có đạt yêu cầu và giá cả có hợp lý hay không”- Viện trưởng Viện khoa học năng lượng TS Đoàn Văn Bình nhìn nhận. Trong các yếu tố đó thì chất lượng xăng đạt các tiêu chuẩn về môi trường đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là giá cả. Cho nên, để có xăng sinh học theo cơ chế giá thị trường thì phải đi đến một điểm cân bằng giá.
Thực tế đưa nhiên liệu sinh học vào thực tiễn gặp thất bại lâu nay đúng là do hàng loạt khó khăn, từ nguyên liệu đầu vào, cơ sở vật chất, giá bán, cho tới khâu tiêu thụ. Đối mặt với những rủi ro đó, doanh nghiệp xăng dầu không mặn mà cũng dễ hiểu. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Sinh Khang, Nhà nước cần phải có cơ chế giá phù hợp, hỗ trợ về tài chính, vốn đầu tư cho các nhà máy, vùng nguyên liệu chủ yếu là sắn cần quy hoạch phù hợp.
Nước ta đang trong quá trình kết nối truyền thống và hiện đại. Xã hội hiện đại ấy không chỉ bắt nguồn từ trạng thái kinh tế công nghiệp hiện đại mà rất cần xây dựng sự tin cậy như một hiện tượng xã hội-tâm lý-văn hóa tổng hợp, dựa trên những định chế xã hội đa dạng của xã hội hiện đại, luật pháp và lý tính.
Chính phủ ta đầu năm nay, để tăng tính khả thi lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học, lần đầu tiên cũng đã giao Bộ Công thương "xây dựng kế hoạch truyền thông” nâng cao hiểu biết và nhận thức về lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Đây một tín hiệu đáng mừng dù khá chậm. Chỉ khi người dân tin tưởng, hiểu đúng sự cần thiết sử dụng nhiên liệu sinh học, lộ trình sử dụng nhiên liệu sạch mới khả thi và an toàn lâu dài.
Thái Lan là nước đang tiên phong về sử dụng xăng sinh học trong khu vực, chiếm 71% tổng sản lượng sử dụng ethanol toàn thế giới hiện nay, dù khi mới triển khai chương trình gặp không ít khó khăn. Kinh nghiệm thành công là chỉ cho tồn tại xăng sinh học có pha ethanol, bắt buộc người tiêu dùng phải chọn xăng pha ethanol. Chỉ như vậy nhà máy sản xuất cồn sinh học ở đất nước này mới có đầu ra ổn định, công suất đạt ở mức tối đa.
Đại diện Bộ Công Thương vừa cho biết,từ 1-9 tới, tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt đưa xăng sinh học E5 vào thay thế A92 để tiêu thụ trên thị trường, trước lộ trình của Chính phủ 3 tháng. Sự hiểu lầm nếu có, rõ ràng đã và đang được hóa giải thành công ở một số địa phương.
Cái sự rõ ràng trong thông tin đa chiều cần biết bao, qua tọa đàm trao đổi, qua giải quyết kịp thời khi sự cố, qua truyền thông…không những giúp người dân hiểu rõ vấn đề mà còn giúp cho Chính phủ lắng nghe tiếng nói phản hồi từ thực tiễn, nghiên cứu điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách hợp với đời sống.
Theo lộ trình trong quyết định của Chính phủ, từ ngày 1/12/2014, 7 tỉnh, thành phố bắt buộc phải sử dụng xăng E5 và đến ngày 1/12/2015, xăng sinh học E5 sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Còn xăng sinh học E10 sẽ sử dụng tại 7 tỉnh thành phố từ ngày 1/12/2016 và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/12/2017.