Ngày 19/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị; Kế hoạch, Hướng dẫn của Đảng ủy Khối về đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Đảng ủy Khối đại diện Ban Tổ chức Đảng ủy Khối quán triệt Chỉ thị. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026, đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Đảng ủy Khối đại diện Ban Tổ chức Đảng ủy Khối quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW và Kế hoạch số 182-KH/ĐUK; các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Đảng ủy Khối về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. |
Công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định và nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và bí thư cấp ủy các cấp; thực hiện phương châm đổi mới, sáng tạo và phát triển trên cơ sở kế thừa, ổn định; bảo đảm tổ chức đại hội an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.
Các cấp ủy tập trung lãnh đạo chuẩn bị tốt văn kiện đại hội; tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, tham gia ý kiến đóng góp cụ thể, hiệu quả đối với các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên.
Công tác nhân sự của cấp ủy các cấp phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, phát huy dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch nhiệm kỳ tới.
Thực hiện tốt công tác thẩm định nhân sự; chủ động và phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan để rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng tiêu chuẩn, điều kiện, thông tin, trách nhiệm của nhân sự liên quan đến các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kê khai tài sản, thu nhập hoặc vụ án, vụ việc của các cơ quan chức năng đã xem xét, kết luận và kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo,...
Các cấp ủy cần lựa chọn để giới thiệu tham gia cấp ủy khoá mới các đồng chí tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác tốt và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
Kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khoá mới những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, “chạy chọt”, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”,...; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh hoặc nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.