Dẫn chúng tôi tham quan cây duối lớn nhất ở đầu thôn, ông La Thanh Cảnh, cao niên trong thôn Làn 1 cho biết: Cây duối cổ thụ này (người Tày gọi là cây Pò) có từ bao giờ, người già nhất trong làng cũng không rõ. Khi lớn lên, tôi đã thấy cây duối lớn như thế, bản thân các cụ thân sinh ra tôi cũng không biết “cụ” duối có từ bao giờ, bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng qua bao nhiêu thăng trầm, “cụ” duối vẫn tươi tốt, đứng hiên ngang trên vùng đất này.
"Cụ" duối nằm ngay cổng vào thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. |
Trò chuyện với các cao niên ở thôn Làn 1 quanh chuyện bảo vệ và gìn giữ các cây duối cổ thụ, chúng tôi được biết: Mấy trăm năm qua, những “cụ” duối cổ trở thành báu vật của người dân nơi đây. Mọi người luôn tôn kính, đồng lòng giữ lại những cây duối cổ, bởi không chỉ là giữ nét văn hóa riêng của thôn mà còn vì đây là “cây sử sống”, chứng kiến sự đổi thay của làng, bản.
Bên cạnh đó, bao thế hệ người dân trong thôn cũng quen với việc những trưa hè nắng gắt đi làm đồng về được ngồi nghỉ chân dưới gốc duối cổ thụ, còn lũ trẻ chăn trâu thì vắt vẻo trên cây hái quả nhâm nhi cho đỡ khát…
Được biết, cách đây mấy năm, nhiều thợ săn cây cảnh ở miền xuôi lên thấy những cây duối to, liền hỏi mua với giá rất cao, nhưng cả thôn không ai đồng ý bán, kể cả những nhà có cây mọc trên đất thổ cư của họ. Đến khi xã triển khai mở rộng và kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, có những cây duối to nằm ở vị trí giữa đường, cả thôn bàn nhau thuê máy xúc đánh cây lui vào trồng cạnh đường.
Ông Vi Văn Trường, Trưởng thôn Làn 1, cho biết: “Cả xã chỉ thôn tôi có cây duối cổ thụ quý hiếm. Vì thế, thôn đã đặt ra một quy ước bất thành văn, rằng tất cả mọi người đều phải chung tay giữ gìn, bảo vệ các cây duối cổ. Cây duối đã kéo người dân trong thôn lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ cây; giữ được cây là giữ được nét đẹp riêng của thôn”.