Sáng 24/9, TAND TP.HCM mở phiên toà sơ thẩm lần 2 xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại Công ty VN Pharma. Các bị cáo bị truy tố tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo khoản 4, điều 157 Bộ luật hình sự với khung hình phạt lên đến tử hình.
Đáng chú ý, tại phiên tòa lần này, hội đồng xét xử đã triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong phiên xử sáng 24/9, chỉ có 6 người đến tòa, số còn lại vắng mặt và ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Trong đó, dù được triệu tập nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vắng mặt.
Liên quan vụ án này, ông Trương Quốc Cường (thời điểm xảy ra vụ án là Cục trưởng cục Quản lý Dược hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế) được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.
Bị cáo Hùng đến tòa. |
Ngày 30/12/2013, khi còn là Cục trưởng Cục quản lý Dược, ông Trương Quốc Cường đã ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, trong đó 9.300 hộp đã về Việt Nam. Đây cũng chính là nơi sau đó nghi ngờ về nguồn gốc thuốc và niêm phong, không cho bán ra thị trường 9.300 hộp thuốc H-Capita.
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 1 vào cuối tháng 8/2017, dù được tòa triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường - thứ trưởng Bộ Y Tế kiêm cục trưởng Cục Quản lý dược - và một số người có trách nhiệm tại bộ này vắng mặt.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 26/10/2017, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định giấy mời của TAND TP.HCM không mời đích danh Thứ trưởng Trương Quốc Cường đến tham dự phiên tòa.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này vắng mặt một số người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Trương Quốc Cường. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử và dẫn giải người làm chứng nếu xét thấy cần thiết.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì địa vị pháp lý của người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rất khác nhau.
Tại điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Theo Bộ Luật tố tụng hình sự, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Người làm chứng cũng có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì người làm chứng là những người biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được tòa án triệu tập. Người làm chứng phải có mặt tại phiên tòa, trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải. Nếu người làm chứng khai báo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khai báo gian dối theo quy định của bộ luật hình sự.
Trong trường hợp người làm chứng vắng mặt khi tòa án triệu tập lần thứ nhất mà chưa rõ lý do thì tòa án sẽ hoãn phiên tòa, nếu thấy cần thiết thì tòa án sẽ tiến hành áp dụng biện pháp dẫn giải nếu những người làm chứng quan trọng cố tình vắng mặt tại phiên toà.
Còn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quy định tại điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt và họ sẽ phải chịu thiệt về quyền lợi, nghĩa vụ của mình nếu như không thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau: Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật tố rụng hình sự.
Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Tòa án hoãn phiên tòa khi có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này...
Đến phiên tòa tiếp theo, những người làm chứng quan trọng, những người biết rõ thông tin về vụ án, những thông tin đó quyết định đến việc buộc các bị cáo hoặc có thể minh oan cho các bị cáo hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự đó mà chưa đầy đủ, chưa làm rõ trong hồ sơ vụ án thì tòa án sẽ để bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa tiếp theo. Việc vắng mặt những người này sẽ cản trở việc xét xử của tòa án, bởi vậy tòa án sẽ bắt buộc người này phải có mặt, trong trường hợp cố tình vắng mặt thì tòa án sẽ áp dụng biện pháp dẫn giải đến tòa để xét xử.
Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự quy định dẫn giải có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định dẫn giải.
Quyết định quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự. Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự. Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định dẫn giải. Không được bắt đầu việc dẫn giải người vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.