Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo, nơi chị T. hút mỡ bụng vào ngày 16/10. |
Theo ông Vĩnh, bác sĩ phẫu thuật cho bà T. có tên là Phùng Mạnh Cường. “Vợ tôi yêu cầu bác sĩ Cường phẫu thuật vì tin tưởng tay nghề”, ông Vĩnh cho hay.
Đến tối, bà T. trò chuyện với chồng và cho biết cơ thể hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, bà nằm lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi cho yên tâm.
Tuy nhiên, 6h sáng 17/10, ông Vĩnh liên hệ với vợ nhiều lần không được nên rất lo lắng.
Đến 8h sáng, bác sĩ Cường điện thoại cho ông Vĩnh thông báo tình hình bệnh nhân. Theo đó, bà T. vẫn khỏe mạnh, khi nào bệnh nhân thức dậy, sẽ điện thoại lại.
Thế nhưng, ông Vĩnh dự cảm có điều không lành vì tối hôm trước bà T. đã có dấu hiệu mệt. Ông Vĩnh yêu cầu bác sĩ quay video để thấy mặt vợ nhưng bị từ chối và tắt máy.
Vì quá sốt ruột và không thể chờ đợi, ông Vĩnh lên Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo tại số 576-578 Cộng Hòa, quận Tân Bình. Tại đây, ông bị nhân viên ngăn cản không cho lên phòng.
“Chỉ đến khi tôi làm căng đòi báo công an phường ngay lập tức, họ mới cho tôi vào và bắt chờ đợi”, ông Vĩnh cho hay.
Ông Vĩnh vội vàng đi tìm thì thấy vợ đang nằm bất tỉnh phải thở oxy. Quá hoảng hốt trước tình trạng trên, ông yêu cầu bệnh viện phải chuyển vợ đi cấp cứu ngay lập tức vì có thể đe dọa tính mạng.
“Nhưng bác sĩ Cường vẫn không chịu chuyển vợ tôi đi cấp cứu. Anh ta lấy kinh nghiệm 20 năm để đảm bảo vợ tôi không sao. Bác sĩ Cường còn nói nếu vợ tôi chết, anh ấy cũng chết theo”, ông Vĩnh bức xúc kể lại.
Theo chồng nạn nhân, đến tận 15h cùng ngày, bà T. mới được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Quá trình này, ông Vĩnh đã quay lại video làm bằng chứng vì quá phẫn nộ. “Sự tắc trách của bệnh viện thẩm mỹ đã khiến vợ tôi nguy kịch như vậy”, ông T. nói.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân N.T.N.T được can thiệp thở máy, vận mạch, kháng sinh, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến 21h ngày 18/10, bà T. đã qua đời.
Kết luận của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, viêm cân hoại tử, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày 3, bệnh lý tăng huyết áp.
Gia đình cho rằng, nếu ngay từ tối 16/10, khi bà T. có dấu hiệu mệt mỏi, bệnh viện không đủ khả năng cấp cứu thì có thể chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ hội sống đã cao hơn rất nhiều.
“Đau lòng lắm cô, vợ tôi chết oan. Bác sĩ Cường là người vợ tôi yêu cầu trực tiếp thực hiện hút mỡ bụng cho cô ấy. Gia đình cũng nghĩ chỗ này là Bệnh viện thì phải uy tín, phải có chuyên môn nên mới chọn để phẫu thuật. Ai ngờ….”, ông Vĩnh bức xúc.
Đã 4 ngày sau khi nạn nhân qua đời, gia đình cho biết chưa thấy Sở Y tế TP.HCM liên hệ làm việc hay cung cấp thông tin.
“Chúng tôi chỉ mong giải quyết theo quy định pháp luật. Bên thẩm mỹ đến viếng, muốn hỗ trợ viện phí nhưng tôi không tiếp. Tôi muốn giải oan cho vợ”, ông Vĩnh khẳng định.
Trước đó, VietNamNet đã trực tiếp liên hệ bác sĩ Phùng Mạnh Cường, phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Gangwhoo tuy nhiên không được hồi âm. Tại bệnh viện, nhân viên bảo vệ từ chối tiếp khách nếu không có sự đồng ý của lãnh đạo.
Các bác sĩ thẩm mỹ nhận định, phẫu thuật hút mỡ bụng là 1 phẫu thuật lớn. Nguy cơ đáng ngại và nguy hiểm nhất là thuyên tắc mạch sâu và thuyên tắc phổi.
“Tuy nhiên nguy cơ này rất thấp, tỷ lệ ít gặp nếu kỹ thuật tốt và tầm soát kỹ trước mổ”, PGS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Để phòng ngừa, trước khi thực hiện hút mỡ và tạo hình thành bụng, bệnh nhân phải được tầm soát huyết khối, tĩnh mạch sâu ở những người trên 40 tuổi. Ngoài ra, PGS Hùng cho rằng không kéo dài thời gian mổ quá lâu, bệnh nhân cần được đi lại sớm sau hậu phẫu.